Năm Bảy Bảy (NBB) dòng tiền kinh doanh âm 953 tỷ đồng, vẫn phát hành cổ phiếu cao hơn thị trường 19,5%
Trong năm 2022, dòng tiền kinh doanh âm 953 tỷ đồng, nợ vay dài hạn cũng tăng tới 1.808 tỷ đồng. Công ty này đang dự định chào bán cổ phiếu cho cổ đông cao hơn 19,5% so với giá thị trường.
Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu cao hơn so với giá thị trường hiện tại 19,5%
CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (mã HoSE: NBB) đã thông qua kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 50%, tương ứng với việc mỗi cổ đông sở hữu 02 cổ phiếu sẽ nhận được quyền mua thêm 01 cổ phiếu với giá 15.000 đồng/cổ phiếu.
Theo ước tính thì trong lần tăng vốn này, công ty sẽ phát hành thêm 50.079.897 cổ phiếu, tương đương với lượng vốn huy động được khoảng 751,2 tỷ đồng. Phía Năm Bảy Bảy giải trình về mục đích sự dụng vốn, trong đó 422,4 tỷ đồng sẽ được sử dụng để bổ sung nguồn vốn đầu tư dự án Khu dân cư Sơn Tịnh - Quảng Ngãi, 328,8 tỷ đồng được sử dụng để bổ sung nguồn vốn đầu tư dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp Khu dân cư De Lagi - Bình Thuận.
Trong phiên giao dịch ngày 13/3/2023, mã cổ phiếu NBB của Năm Bảy Bảy ghi nhận giao dịch ở mức giá 12.550 đồng/cổ phiếu. Như vậy, có thể thấy rằng mệnh giá phát hành của cổ phiếu NBB trong lần tăng vốn này đang cao hơn tới 19,5% so với giá thị trường.
Cơ sở nào để Năm Bảy Bảy chào bán cổ phiếu mới giá cao hơn thị trường cho các nhà đầu tư?
Về tình hình kinh doanh trong năm 2022, Năm Bảy Bảy ghi nhận doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ ở mức 466,4 tỷ đồng, giảm 17,5% so với doanh thu đạt được trong năm 2021. Giá vốn hàng bán ghi nhận ở 239,4 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp mang về chỉ đạt 227 tỷ đồng, giảm 11,1%. Biên lợi nhuận gộp đạt 48,7%.
Đáng lưu ý trong kỳ đó là doanh thu hoạt động tài chính giảm tới 65,2%, xuống chỉ còn 151,4 tỷ đồng. Trong khi đó chi phí tài chính lại bị đội từ 165,9 tỷ đồng lên mức 266,2 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng 60,5%. Chi phí lãi vay cũng đồng thời tăng từ 99,3 tỷ đồng lên mức 168,6 tỷ đồng.
Chi phí bán hàng không biến động nhiều, vẫn ghi nhận ở mức 2,9 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp ngược lại giảm sâu từ 66,5 tỷ đồng xuống chri còn 28,2 tỷ đồng cho thấy rằng công ty đang phải tiết giảm chi phí quản lý doanh nghiệp một cách đáng kể.
Có thể thấy tác động mạnh nhất của việc gia tăng chi phí tài chính, đặc biệt là chi phí lãi vay đã tác động khiến lợi nhuận sau thuế thu nhập của Năm Bảy Bảy chỉ còn ghi nhận ở mức 17,7 tỷ đồng, giảm tới 94,3% so với mức đạt được năm 2021.
Tình hình kinh doanh của Năm Bảy Bảy trong năm 2022 không hề cải thiện, thậm chí có thể gọi là bết bát khi lợi nhuận sau thuế lao dốc tới 94,3%. Thậm chí từ đầu năm 2023 đến nay, thị giá của mã NBB chỉ loanh quanh trong ngưỡng 13.000 đồng/cổ phiếu. Trong phiên giao dịch ngày 13/3/2023, mã NBB chỉ được giao dịch ở mức giá 12.550 đồng/cổ phiếu, mất đi 58,2% giá trị so với thời điểm cách đây 1 năm. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư phải đặt câu hỏi về mức giá phát hành lên tới 15.000 đồng/cổ phiếu của NBB dành cho chính các cổ đông của mình.
Vay nợ tăng mạnh 1.808,2 tỷ đồng chỉ trong 1 năm, dòng tiền kinh doanh âm tới 953,6 tỷ đồng
Về cơ cấu tài sản của Năm Bảy Bảy, trong năm 2022, tổng tài sản của NBB đạt 6.401,5 tỷ đồng, tăng 46,4% so với thời điểm đầu năm. Tuy nhiên, phần tài sản tăng thêm chủ yếu đến từ ghi nhận trong nợ phải trả, tăng từ 2.543,5 tỷ đồng lên mức 4.570,3 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng 79,7% chỉ trong 1 năm.
Cơ cấu nợ của NBB ngày càng phình to, chủ yếu đến từ chỉ tiêu tài chính về vay và nợ thuê tài chính dài hạn, tăng từ 350 tỷ đồng lên mức 2.158,2 tỷ đồng, tương ứng với việc nợ vay dài hạn đã tăng tới 1.808,2 tỷ đồng chỉ trong 1 năm.
Đây chủ yếu là các khoản vay tại Ngân hàng với khoản nợ vay lớn nhất nằm tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, lên tới 567,2 tỷ đồng. Ngoài ra, NBB còn đang vay dài hạn của 3 đơn vị khác với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng bao gồm: Công ty TNHH MTV Đầu tư kinh doanh địa ốc Lữ Gia với 400 tỷ đồng; CTCP Đầu tư và xây dựng xa lộ Hà Nội với 400 tỷ đồng; CTCP Xây dựng Hạ tầng CII với 350 tỷ đồng.
Một điểm đáng chú ý khác trên báo cáo tài chính của NBB đó là ghi nhận về lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong năm 2022 âm tới 953,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ cũng âm 103,2 tỷ đồng. Điều này cho thấy rằng Năm Bảy Bảy đang thu không đủ bù chi và thiếu hụt nguồn tiền rất lớn để duy trì hoạt động kinh doanh. Như vậy thì cũng không quá khó hiểu khi cơ cấu nợ vay của đơn vị này đang ngày càng phình to, đồng nghĩa với rủi ro trong cơ cấu nguồn vốn cũng ngày càng gia tăng.