Nam ca sĩ đầu tiên được phong NSND, từ anh công nhân xe lửa thành nghệ sĩ nhạc Cách mạng nổi tiếng là ai?

Đặc trưng trong tiếng hát Quốc Hương là kỹ thuật nhưng lại giản dị, mộc mạc, hát rất chân thật, như đang tự sự, giãi bày, chất chứa nhiều cảm xúc, nghe vô cùng da diết, ấm áp.

NSND Quốc Hương tên thật là Nguyễn Quốc Hương, sinh năm 1920 trong một gia đình bình dân ở Ninh Bình, không ai theo nghệ thuật nhưng từ nhỏ đã bộc lộ đam mê và năng khiếu ca hát.

Tuy nhiên, vì hoàn cảnh khó khăn nên Quốc Hương không có điều kiện theo học về âm nhạc. 17 tuổi ông đã phải lưu lạc vào miền Trung rồi tới Sài Gòn, làm nhiều công việc tay chân vất vả như công nhân xe lửa, thủy thủ, bốc vác…

NSND Quốc Hương

NSND Quốc Hương

Cuộc sống vất vả không làm Quốc Hương vơi đi đam mê ca hát. Ông vẫn thường tự học hát và hát nhiều bài nhạc về quê hương đất nước, nhạc Pháp. Tài sản lớn nhất của Quốc Hương là giọng hát quý báu. Ông sở hữu chất giọng nam cao sáng, vang, đẹp và đậm cảm xúc, phát triển theo hơi hướm phương Tây, mang màu sắc bán cổ điển (do chịu ảnh hưởng từ các ca khúc nhạc Pháp lúc bấy giờ).

Đặc biệt, Quốc Hương là một trong những nghệ sĩ đến với Cách mạng từ sớm và hướng lòng mình vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Năm 1944, Quốc Hương là một trong những người đầu tiên hát vang bài Tiếng gọi thanh niên của Lưu Hữu Phước tại rạp Nguyễn Văn Hảo, Sài Gòn. Tới năm 1945, ông tham gia ban Tuyên truyền Sài Gòn - Chợ Lớn với nhiệm vụ là ca hát.

Vào giai đoạn Kháng chiến chống Pháp bùng nổ tại miền Nam, Quốc Hương gia nhập Vệ quốc đoàn, làm tiểu đội trưởng, ca hát và chiến đấu ở khắp các chiến trường khu VII, khu VIII, khu IX. Thời gian này ông còn tham gia dạy lớp nhạc do quân khu XI mở.

Năm 1954, Quốc Hương tập kết ra Bắc và được cử đi tu nghiệp tại Nhạc viện Budapest, Hungary.

Tại đây, Quốc Hương học hỏi các kiến thức thanh nhạc chuẩn mực của nền thanh nhạc cổ điển phương Tây. Ông vốn đã mê ca hát, mê nhạc phương Tây từ sớm nên như cá gặp nước, ông lao vào luyện thanh, học hỏi các nghệ sĩ, giáo viên nước ngoài để có được những kỹ thuật thanh nhạc chính thống.

Thậm chí, còn có câu chuyện kể ràng, trong chuyến đi này, Quốc Hương đã gặp và được giáo sư Tito Schipa - một trong 3 giọng tenor huyền thoại của Ý chỉ dạy. Nhờ đó, Quốc Hương nắm được đôi nét về những kỹ thuật của nghệ thuật hát đẹp Bel Canto trường phái Ý.

Tuy nhiên, vì hoàn cảnh chiến tranh và điều kiện đất nước lúc bấy giờ, Quốc Hương sau khi về nước không hát nhạc cổ điển mà làm việc tại Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam rồi chọn đi vào các chiến trường để tiếp tục ca hát phục vụ các chiến sĩ. Ông gắn bó cuộc đời mình với nhạc Cách mạng.

Nhưng cũng nhờ đó, Quốc Hương đã đem được những kiến thức thanh nhạc phương Tây mình học được để áp dụng vào nhạc Cách mạng. Có thể nói, Quốc Hương là một trong những nghệ sĩ tiên phong cho việc áp dụng kỹ thuật phương Tây vào nhạc Cách mạng, mở đường cho nhiều nghệ sĩ sau này như Trung Kiên, Doãn Tần, Trần Khánh...

Bởi vậy, Quốc Hương đến nay vẫn được xem là huyền thoại của nền nhạc Cách mạng. Ông là nghệ sĩ thuộc thế hệ nhạc đỏ đầu tiên, gắn liền tên tuổi với những ca khúc kinh điển như: Tình ca (Hoàng Việt), Bình Trị Thiên khói lửa (Nguyễn Văn Thương), Tiểu đoàn 307 (nhạc Nguyễn Hữu Trí - thơ Nguyễn Bính), Đất quê ta mênh mông (Hoàng Hiệp - Dương Hương Ly), Hà Tây quê lụa (Nhật Lai), Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người (Trần Kiết Tường), Những ánh sao đêm (Phan Huỳnh Điểu), Cuộc đời vẫn đẹp sao (Phan Huỳnh Điểu - Bùi Minh Quốc), Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó (Nguyễn Tài Tuệ), Tôi người lái xe (An Chung), Cùng hành quân đi giữa mùa xuân (Cẩm La)...

Những ca khúc này đều được phát sóng rộng rãi trên sóng phát thanh của Đài tiếng nói Việt Nam và in đậm trong ký ức nhiều thế hệ khán giả. Trong đó, nhiều ca khúc được ông thể hiện đầu tiên và thành công vang dội, tạo ảnh hưởng đến lối hát của nhiều thế hệ đàn em sau này.

Năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, Quốc Hương chuyển vào Sài Gòn làm ca sĩ cho đoàn nghệ thuật Bông Sen.

Thời gian này, dù đã lớn tuổi nhưng Quốc Hương vẫn tiếp tục công việc ca hát và giảng dạy miệt mài. Ông muốn được góp sức đào tạo ra nhiều thế hệ tài năng cho nền thanh nhạc đất nước, trực tiếp dạy cho nhiều nghệ sĩ, như nhạc sĩ, nghệ sĩ Thế Hiển, nghệ sĩ ưu tú Tuấn Phong...

Ngoài ca hát, NSND Quốc Hương còn là một nhạc sĩ với những sáng tác được nhiều người biết tới như Du kích Long Phú, Cô gái Vĩnh Hanh, Đoàn người đi tòng quân, Tầm Vu (viết cùng Đắc Nhẫn)...

Nhờ những cống hiến to lớn của mình, năm 1984, Quốc Hương được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân đợt 1. Ông cũng là nam ca sĩ đầu tiên được phong tặng NSND (cùng với nữ ca sĩ đầu tiên là NSND Thanh Huyền).

Đặc trưng trong tiếng hát Quốc Hương là kỹ thuật nhưng lại giản dị, mộc mạc, hát rất chân thật, như đang tự sự, giãi bày, chất chứa nhiều cảm xúc, nghe vô cùng da diết, ấm áp. Lối hát này ảnh hưởng tới nhiều thế hệ nghệ sĩ nhạc Cách mạng sau này và chiếm trọn trái tim công chúng.

Giờ đây, dù đã tạ thế, nhưng NSND Quốc Hưng vẫn luôn là thần tượng lớn của các thế hệ ca sĩ lớp sau, trong đó có NSƯT Đăng Dương.

Long Phạm

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/nam-ca-si-dau-tien-duoc-phong-nsnd-tu-anh-cong-nhan-xe-lua-thanh-nghe-si-nhac-cach-mang-noi-tieng-la-ai-20231004145155735.htm