Nắm chắc tình hình, phối hợp tạo lực giúp vùng dân tộc thiểu số, miền núi phát triển
Công tác theo dõi, nắm tình hình địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi là hết sức quan trọng để phát huy hiệu quả các chính sách về dân tộc.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh như trên tại Hội nghị sơ kết công tác dân tộc 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 và công bố Quyết định thành lập cụm, khối thi đua của Ủy ban Dân tộc, chiều 8/7, tại Hà Nội.
Kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi duy trì ổn định
Báo cáo của Ủy ban Dân tộc cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2024, việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc đã đạt được nhiều kết quả quan trọng góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đặc biệt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo cụ thể, sát sao việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, trọng tâm là Chương trình mực tiêu quốc gia (MTQG) dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo thống kê (số liệu đến hết ngày 30/6/2024), có 35 tỉnh, thành phố có 112 chương trình, chính sách đặc thù nhằm thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào tại địa phương.
Giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 5/2024 của Chương trình MTQG dân tộc thiểu số và miền núi đạt được khoảng 4.358,640 tỷ đồng, đạt 28% kế hoạch.
Công tác thông tin, tuyên truyền, chuyển đổi số và phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số được tăng cường; hợp tác quốc tế về công tác dân tộc tiếp tục được đẩy mạnh. Việc kiện toàn, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, năng lực đội ngũ cán bộ từng bước được chú trọng, nâng lên...
Tăng cường phối hợp trong công tác dân tộc, chính sách dân tộc
Chia sẻ với các ý kiến tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, hiện nay, Ủy ban Dân tộc đang thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng.
"Chúng ta chưa có luật điều chỉnh về lĩnh vực công tác dân tộc, Nghị định 05 về công tác dân tộc đã được ban hành từ năm 2011, trong khi đó nhiều chủ trương mới, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác dân tộc đã được bổ sung nên cần phải điều chỉnh, bổ sung Nghị định 05. Đây là việc hết sức quan trọng", Bộ trưởng Hầu A Lềnh nói.
Về chương trình MTQG vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vừa qua, Nghị quyết của Quốc hội đã phê chuẩn điều chỉnh một số nội dung. Vì vậy, Ủy ban dân tộc đang khẩn trương tham mưu hoàn thành sửa đổi Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để phù hợp với Nghị quyết của Quốc hội và rà soát các văn bản sau khi Quyết định số 1719/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ sửa đổi để triển khai tổ chức thực hiện trong năm 2024 và 2025.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cũng nhấn mạnh lĩnh vực công tác dân tộc, chính sách dân tộc là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, bao gồm sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp, sự điều hành, chỉ đạo của chính quyền, tham mưu của cơ quan làm công tác dân tộc và sự phối hợp của các cơ quan, bộ, ngành ở Trung ương, các sở, ban, ngành ở địa phương.
Do đó, thời gian tới, cần sự phối hợp nhuần nhuyền hơn nữa giữa các ngành, các cấp, giữa Trung ương với địa phương, giữa các địa phương với nhau.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác theo dõi, nắm tình hình địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, không để bị động, bất ngờ. Đây là việc hết sức quan trọng, bởi chỉ khi nào nắm chắc tình hình, kịp thời phản ánh, giải quyết khó khăn thì chính sách dân tộc mới có hiệu quả. Đây là cái gốc của mọi vấn đề.
Bộ trưởng Hầu A Lềnh cũng đề nghị đẩy nhanh tiến độ vào bảo đảm chất lượng triển khai các chủ trương, chính sách, chương trình MTQG liên quan đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó trọng tâm là Chương trình MTQG dân tộc thiểu số...
Các bộ, ban, ngành cần phối hợp với Ủy ban Dân tộc để thiết kế chính sách liên quan đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong quá trình xây dựng các dự án luật.
Cũng tại Hội nghị,Ủy ban Dân tộc đã công bố Quyết định thành lập 6 cụm thi đua gồm Cơ quan công tác dân tộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 4 Khối thi đua gồm các vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc.