Năm chị em 'trời đày' ngày ấy - bây giờ
Nếu không có bác sĩ Nguyễn Quốc Bảo, nếu không có sự kết nối và kêu gọi mạnh thường quân giúp đỡ của Báo Người Lao Động, các con tôi đã không được sống kiếp người
Đó là tâm sự của ông Lục Văn Quân - SN 1955, người Sán Dìu; trú xóm Đá Bạc, xã Bàn Đạt, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Hơn 10 năm trước, phóng viên Báo Người Lao Động đã lặn lội cả trăm cây số, băng qua những con đường lầy lội bùn đất để đến nhà đưa 5 người con của ông về Hà Nội chữa căn bệnh kỳ dị.
Hồi sinh những khuôn mặt "quỷ ám"
Ông Quân có 6 người con nhưng hết 5 người bị "trời đày", "quỷ ám" - như cách ông nói - vì cứ đến 6-7 tuổi, trên mặt họ bỗng xuất hiện những khối u khổng lồ. Bị dân làng hắt hủi, xa lánh, vợ chồng ông phải làm lán trong rừng cho các con sống.
Từ sự hỗ trợ về tài chính và sự kết nối của Báo Người Lao Động, những người con của ông Quân đã gặp được bác sĩ Nguyễn Quốc Bảo, khi đó là Trưởng Khoa Ngoại đầu - cổ Bệnh viện K trung ương. Sau những ngày trăn trở, tìm kiếm thông tin về bệnh tình của họ, bác sĩ Bảo và đồng nghiệp quyết định thực hiện ca mổ mà nhiều bệnh viện đã từ chối vì quá khó. Nhưng rồi ca phẫu thuật cho chị Lục Thị Hai (SN 1979) - người con thứ 3 - đã được thực hiện với những giờ phút cân não.
Ca mổ thành công ngoài dự kiến. Sau 2 đợt phẫu thuật cắt khối u nặng khoảng 7 kg và tạo hình, bệnh nhân Lục Thị Hai đã được xuất viện, khối u không tái phát. Từ thành công đó, lần lượt 4 người con còn lại trong gia đình ông Quân được bác sĩ Bảo và đồng nghiệp phẫu thuật cắt khối u.
Hàng chục lần phẫu thuật trong vòng 3-4 năm với sự hỗ trợ từ bạn đọc Báo Người Lao Động và Ban Giám đốc Bệnh viện K trung ương đã trả lại khuôn mặt bình thường cho 5 người con của ông Quân. Từ đó, họ tự tin về nhà sống với cha mẹ, đến trường...
Lần đầu dám soi gương!
Hơn 10 năm mang gương mặt bình thường như bao người, 4 trong 5 chị em bị "trời đày" đã được dựng vợ, gả chồng. Trong đó, chị Lục Thị Hai giờ sống hạnh phúc trong gia đình nhỏ với 2 con trai. Khi đứa con đầu chào đời, chị gọi điện đến "bố Bảo" nhờ đặt tên cho bé. Bác sĩ Bảo đã đặt tên bé là Lý Thiên Ân - như món quà cảm tạ trời đất.
"Không bao giờ tôi quên được cái ngày mình tỉnh dậy với khuôn mặt nhẹ bẫng. Tôi biết ơn bác sĩ Bảo và xem ông như người cha đã sinh ra mình một lần nữa. Lần đầu tiên, tôi dám cầm chiếc gương để soi chính mình. Tôi ngỡ ngàng vì "quả bưởi" đã không còn. Những lần mổ sau đó đã đưa tôi trở về với cuộc sống như hôm nay" - chị Hai xúc động.
Được trở lại cuộc sống như bao người bình thường, anh Lục Văn Cường (SN 1985) bày tỏ: "Trước đây, tôi chưa từng nghĩ đến chuyện sẽ lấy vợ, có con, vì nhiều lúc sợ những đứa con sẽ mắc bệnh giống mình. Thế nhưng, ông trời đã thương tôi. Bác sĩ Bảo đã hồi sinh tôi".
Với Lục Thị Long (SN 1990) - người con thứ 4, sau 3 lần nạo vét khối u, khuôn mặt vẫn còn méo mó nhưng sau đó, cô đã có một công việc ổn định và 2 đứa con - 1 trai, 1 gái. Còn con gái út Lục Thị Linh (SN 1996), cách đây hơn 2 tháng, vợ chồng ông Quân đã tổ chức lễ cưới cho cô. Linh là trường hợp được mổ sớm nhất khi khối u còn rất bé, khuôn mặt chưa biến đổi nhiều.
"Hôm tiễn cháu Linh về nhà chồng, người mà chúng tôi nhắc đến nhiều nhất là cố bác sĩ Nguyễn Quốc Bảo - ân nhân của gia đình. Thật buồn khi ông trời đã mang ông ấy đi sớm quá... Bây giờ, các con tôi đã được sống kiếp người, đều đã yên bề gia thất. Nhiều lúc ngồi chơi cùng mấy đứa cháu, tôi nghĩ mọi chuyện như một giấc mơ!" - ông Quân thổ lộ.
Những ngày cuối đời vẫn còn trăn trở
Hàng chục năm cầm dao mổ, giành giật cuộc sống khỏi bàn tay "thần chết" cho biết bao người nhưng sau những ngày phải gồng mình chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác, cuối năm 2016, bác sĩ Nguyễn Quốc Bảo đã từ giã cõi đời.
Những ngày cuối đời trên giường bệnh, bác sĩ Bảo vẫn cứ trăn trở vì chưa kịp tái khám cho chị Lục Thị Hai như đã hẹn và tạo hình thêm một lần nữa cho chị Lục Thị Mói.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/nam-chi-em-troi-day-ngay-ay-bay-gio-20190727190224908.htm