Năm của những siêu bão 'mạnh chưa từng thấy'

Năm 2024, thế giới chứng kiến sự ra đời của hàng loạt siêu bão với sức phá hoại khủng khiếp. Điển hình như Yagi, Helene, Krathon... Vậy nguyên nhân do đâu, siêu bão xuất hiện ngày càng nhiều?

Siêu bão xuất hiện ngày càng nhiều gây ảnh hưởng lớn và hậu quả nặng nề. Theo lý giải của chuyên gia, hiện tượng thời tiết này là do tác động của một số yếu tố khí hậu và môi trường.

Siêu bão Milton mạnh chưa từng thấy trên hành tinh.

Siêu bão Milton mạnh chưa từng thấy trên hành tinh.

Điều đáng nói, siêu bão được biết đến với sức mạnh khủng khiếp, không chỉ mang theo lượng mưa cực lớn mà còn gây lũ lụt và sạt lở đất ở các khu vực có địa hình núi cao. Tại vùng duyên hải, bão thường kèm theo sóng lớn, đe dọa cộng đồng ven biển.

Theo Lao Động tháng 9/2024, siêu bão Yagi đã tấn công Philippines, Trung Quốc và đổ bộ vào miền Bắc Việt Nam, gây thiệt hại nặng nề. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, mưa từ bão Yagi là lớn nhất trong nhiều thập kỷ, khiến nhiều tỉnh thành chìm trong biển nước, với thiệt hại lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.

Bão Boris cũng gây ảnh hưởng lớn tại Trung Âu, dẫn đến trận lũ lụt lớn nhất trong hơn 20 năm, khiến ít nhất 26 người thiệt mạng. Cuối tháng 9, siêu bão Helene đổ bộ vào Mỹ, gây thiệt hại hơn 110 tỷ USD và cướp đi sinh mạng của 162 người. Cùng thời điểm, mưa lớn tại Nepal cũng khiến 192 người tử vong do sạt lở và lũ quét.

Một số siêu bão khác như Beryl, Helene hay Boris cũng thể hiện những đặc tính khó lường và có sức tàn phá chưa từng thấy, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao khả năng dự báo và ứng phó thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.

Lý giải nguyên nhân vì sao thời gian qua trên toàn cầu xuất hiện những trận siêu bão gây ảnh hưởng lớn và hậu quả nặng nề, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia chia sẻ với Vietnam+, nhiệt độ bề mặt đại dương ấm lên khiến lượng hơi nước trong khí quyển gia tăng, điều này tạo điều kiện cho các cơn bão mạnh lên về cường độ và trong tương lai những cơn bão có cường độ mạnh trên cấp 17 sẽ gia tăng.

Ảnh chụp từ vệ tinh một trận siêu bão.

Ảnh chụp từ vệ tinh một trận siêu bão.

Nguyên nhân tiếp đến từ sự thay đổi trong các hoàn lưu và sự phân bổ lại khí áp có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành bão và duy trì cường độ của chúng trong thời gian dài hơn.

Ngoài ra, sự chênh lệch nhiệt độ mặt đất với bề mặt nước cũng khiến độ ẩm tăng cao dọc khu vực bờ biển, dẫn đến áp suất và lưu thông gió đẩy độ ẩm vào tầng bình lưu giữa, tạo điều kiện để bão phát triển", ông Khiêm lý giải.

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nam-cua-nhung-sieu-bao-manh-chua-tung-thay-204241101181400876.htm