Nam Cực đã đạt đến điểm tới hạn?

Trong tuần này, gần 1.500 học giả, nhà nghiên cứu và nhà khoa học chuyên về Nam Cực đã tập trung tại miền nam Chile để tham dự Hội nghị Ủy ban Khoa học về Nghiên cứu Nam Cực lần thứ 11 để chia sẻ những nghiên cứu tiên tiến nhất từ 'lục địa trắng' rộng lớn.

Một tảng băng trôi khổng lồ ở Nam Cực. Nguồn: AP.

Một tảng băng trôi khổng lồ ở Nam Cực. Nguồn: AP.

Hầu như mọi khía cạnh của khoa học đều được đề cập tại hội nghị, nhưng có một luồng chảy ngầm lớn đã chạy qua: Nam Cực đang thay đổi nhanh hơn dự kiến.

Các sự kiện thời tiết khắc nghiệt ở lục địa băng giá không còn là những bài thuyết trình mang tính giả thuyết nữa mà là những tường thuật trực tiếp từ các nhà nghiên cứu về lượng mưa lớn, đợt nắng nóng dữ dội và các sự kiện gió khô mạnh đột ngột tại các trạm nghiên cứu dẫn đến hiện tượng tan chảy hàng loạt, các sông băng khổng lồ vỡ ra và các điều kiện thời tiết nguy hiểm có tác động toàn cầu.

Với dữ liệu vệ tinh và trạm thời tiết chỉ có từ khoảng 40 năm trước, các nhà khoa học tự hỏi, liệu những sự kiện này có khiến Nam Cực đạt đến điểm tới hạn và không thể đảo ngược từ lớp băng Tây Nam Cực hay chưa?

Theo ước tính của NASA, khối băng Nam Cực có đủ băng để nâng mực nước biển trung bình toàn cầu lên tới 58m nếu nó tan ra. Khi đó, khoảng 1/3 dân số thế giới sẽ sống dưới mực nước biển 100m.

Mặc dù rất khó để xác định liệu chúng ta đã đạt đến “điểm không thể quay lại” hay chưa, nhưng bà Liz Keller - một chuyên gia về khí hậu cổ đại từ Đại học Victoria Wellington ở New Zealand cho biết, rõ ràng tốc độ thay đổi là chưa từng có. “Chúng ta có thể thấy cùng một mức gia tăng CO2 trong hàng nghìn năm và bây giờ nó đã xảy ra trong 100 năm” - bà Keller nêu ví dụ.

Ông Mike Weber - một nhà đại dương học cổ từ Đại học Bonn của Đức, chuyên nghiên cứu về sự ổn định của khối băng Nam Cực cho biết, các hồ sơ trầm tích có niên đại từ 21.000 năm trước cho thấy các giai đoạn tan bang cũng tăng tốc tương tự như mức gia tăng CO2.

Tuy nhiên, các nhà khoa học đồng ý rằng, vẫn có thể tránh được những kịch bản xấu nhất bằng cách giảm đáng kể lượng khí thải nhiên liệu hóa thạch. Theo ông Weber, nếu giữ mức phát thải thấp, chúng ta có thể ngăn chặn được tình trạng này. Còn nếu lượng phát thải vẫn ở mức cao, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng mất kiểm soát và không thể làm gì được.

Mai Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nam-cuc-da-dat-den-diem-toi-han-10289052.html