Nam Cường: Hàng chục hộ dân khốn khổ vì bãi thải quặng bủa vây
Đứng dưới sân nhà, chỉ về phía bãi thải, ông Trần Văn Thu ngao ngán: “Trước kia, khi chưa có công trường khai thác quặng apatit, nơi đây có suối trong, ruộng vườn tươi tốt, đời sống nhân dân tương đối khấm khá. Từ khoảng năm 2014, khi Công ty TNHH Một thành viên Apatit Việt Nam mở rộng khai trường Ngòi Đum – Đông Hồ, khai thác quặng apatit loại 2 và đến năm 2016 hình thành một bãi thải nằm phía trên khu dân cư thì mọi thứ xáo trộn. Hằng ngày, luôn ồn ã tiếng máy khoan, máy xúc và tiếng gầm rú của các xe chở quặng tải trọng lớn, nhiều hôm trời nắng bụi bay mù mịt. Đặc biệt, tình trạng nổ mìn làm rung nứt nhà dân và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị, phản ánh nhưng vẫn chưa nhận được một sự hỗ trợ nào”.
Trong quá trình khai thác, khai trường nổ mìn lấy quặng, khi những cơn mưa trút xuống, nước mưa cuốn theo bùn đất, bột quặng vùi lấp ruộng, vườn, ao, hồ đã từng làm cá chết. Anh Sầm Văn Inh, một hộ dân sinh sống tại khu vực này cho biết, nhiều lần đơn vị khai thác xuống thống kê nhưng đến nay, sau nhiều năm tất cả vẫn “án binh bất động”, chỉ có người dân phải chịu thiệt. “Nặng nhất là ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt và nuôi thủy sản. Hàng chục năm nay, các hộ dân chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị các cấp, các ngành có phương án thu hồi đất, di chuyển các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm nhưng đến nay chưa được giải quyết", anh Inh bộc bạch.
Lo lắng về sự an toàn cũng như ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, người dân sống tại khu vực này đã nhiều lần có ý kiến lên cấp trên nhưng chưa được giải quyết kịp thời. Đồng chí Nguyễn Minh Trọng, Phó Chủ tịch UBND phường Nam Cường khẳng định: Trên địa bàn phường có tổ 16, 17 nằm trong khu vực khai thác của mỏ Apatit; trong đó, trên địa bàn tổ 17 có khai trường 14 với bãi đổ thải khối lượng đất đá khá lớn. Dưới chân có nhiều hộ dân sinh sống chủ yếu bằng nông nghiệp, nuôi thủy sản. Hoạt động khai thác quặng tại đây đã làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của người dân. Chính quyền địa phương đã yêu cầu đơn vị khai thác phải có giải pháp đảm bảo an toàn về tính mạng và hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế của người dân. Tuy nhiên, những lúc trời mưa, lượng nước từ bãi thải, khu vực khai thác tràn xuống khu dân cư. Từ năm 2016, Công ty TNHH Một thành viên Apatt Việt Nam (Công ty Apatit) có dự án di chuyển toàn bộ khu dân cư này để làm bãi thải, đã thực hiện thống kê nhưng chưa áp giá đền bù.
Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường, bãi thải tại khu vực tổ 17, phường Nam Cường, thuộc Dự án khai thác quặng apatit loại 2, Khai trường Ngòi Đum – Đông Hồ được triển khai từ ngày 22/12/2014. Sau khi dự án đi vào hoạt động, Công ty Apatit đã phối hợp với UBND thành phố Lào Cai tổ chức thống kê thu hồi đất của các hộ dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng. Sau đó, mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ do giấy phép khai thác của Công ty Apatit hết hạn. Tiếp đó, ngày 8/6/2017, UBND thành phố Lào Cai đã ra Thông báo số 717/TB-UBND hủy các thông báo thu hồi đất đã được ban hành đối với các hộ dân để đảm bảo các quyền sử dụng đất cho nhân dân.
Đến ngày 31/1/2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục cấp giấy phép khai thác Dự án khai thác quặng apatit loại 2, Khai trường Ngòi Đum – Đông Hồ cho Công ty Apatit với thời hạn 17,2 năm. Giấy phép cũng nêu rõ, trước khi khai thác phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đơn vị khai thác phải đảm bảo môi trường, phải thực hiện quản lý nguồn gây ô nhiễm môi trường.
Tại thời điểm phóng viên thực hiện phóng sự, trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Quyết, Giám đốc Chi nhánh khai thác 1, Công ty Apatit cho biết: Hiện tại, khai trường đang dừng khai thác do chờ đánh giá lại báo cáo tác động môi trường. Vị này còn khẳng định việc nổ mìn không làm ảnh hưởng đến các hộ dân và bãi thải cũng chưa được sử dụng.
Còn trên thực tế, thời điểm phóng viên liên lạc với ông Quyết khi đang tác nghiệp tại hiện trường, các máy xúc của Chi nhánh khai thác 1 vẫn đang hoạt động, nhiều xe tải trọng lớn nối nhau chở quặng từ khai trường ra khu tập kết K3 (phường Nam Cường).
Các xe chở quặng chạy rầm rậptrên tuyến đường từ khai trường Ngòi Đum - Đông Hồ về khu tập kết quặng K3, trong khi đơn vị khai thác khẳng định đã tạm dừng hoạt động.
Theo tìm hiểu của phóng viên, vào năm 2019, trước các vi phạm của Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam tại Khai trường Ngòi Đum - Đông Hồ (diện tích 74,81 ha), UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định số 3109/QĐ-XPVPHC ngày 2/10/2019về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, môi trường (chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường) đối với đơn vị này. Đồng thời, buộc Công ty phải thực hiện các biện pháp cải tạo, phục hồi môi trường các khu vực đã chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn, chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định.
Nhiều lần cơ quan chức năng đã kiểm tra và có xử phạt đơn vị khai thác tại Khai trường Ngòi Đum – Đông Hồ nhưng việc khắc phục hậu quả vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc.
Theo văn bản số 861, ngày 26/5/2020 của UBND thành phố Lào Cai trả lời ý kiến cử tri phường Nam Cường, Dự án khai thác quặng Apatit loại 2, khai trường Ngòi Đum – Đông Hồ được công bố quy hoạch và triển khai thực hiện dự án ngày 22/12/2014, địa phận phường Nam Cường có 17 hộ bị ảnh hưởng. Trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng của dự án, UBND thành phố Lào Cai đã ban hành Thông báo thu hồi đất đối với 17 hộ gia đình, cá nhân thuộc tổ 17 phường Nam Cường. Tuy nhiên, tại thời điểm triển khai công tác giải phóng mặt bằng của dự án thì giấy phép khai thác của Công ty Apatit hết thời hạn, do vậy công tác giải phóng mặt bằng phải dừng lại để Công ty Apatit xin cấp giấy phép khai thác. Sau khi làm việc với Công ty Apatit, ngày 8/6/2017, UBND thành phố Lào Cai đã ban hành Thông báo số 717/TB-UBND hủy các Thông báo thu hồi đất đã được ban hành đối với các hộ để đảm bảo các quyền sử dụng đất cho nhân dân.
Cũng theo văn bản này, không có quy định về việc hỗ trợ cho nhân dân theo ý kiến cử tri kiến nghị.
Những ảnh hưởng đến môi trường, tác động xấu đến hoạt động sản xuất và đời sống của người dân rất cần sớm được khắc phục để đảm bảo an ninh, an toàn khu vực này.