'Nắm đấm thép' của hải quân Indonesia

Indonesia là một trong những quốc gia có thể tự đóng các mẫu tàu chiến hiện đại trên 2.000 tấn, trong đó một phần dựa vào công nghệ được chuyển giao từ các nước phương Tây.

Ví dụ rõ nhất chính là lớp tàu hộ vệ tàng hình Martadinata được công ty PT PAL của Indonesia liên doanh với tập đoàn hàng hải Damen của Hà Lan đóng mới dựa trên thiết kế khinh hạm Sigma 10514.

 Tàu hộ vệ tàng hình Martadinata của hải quân Indonesia. Ảnh: Planet Minecraft

Tàu hộ vệ tàng hình Martadinata của hải quân Indonesia. Ảnh: Planet Minecraft

Ấn tượng đầu tiên với con tàu này là nó rất đẹp, thiết kế góc cạnh tối ưu cho khả năng tàng hình trước radar đối phương. Tàu có lượng giãn nước khoảng 2.400 tấn, dài 105m, rộng 14m, thủy thủ đoàn 120 người, tốc độ tối đa 52km/h và tầm hoạt động tối đa đến 9.300km liên tục trong 20 ngày.

Martadinata được đánh giá là một trong những tàu chiến mạnh ở Đông Nam Á có năng lực tác chiến chống hạm, chống ngầm và phòng không rất toàn diện.

Các hệ thống vũ khí gồm: Tổ hợp 8 tên lửa hành trình chống hạm MM40 Exocet tầm bắn 70km; 6 ống phóng ngư lôi 324mm Eurotorp B515; pháo hạm OTO Melara 76mm; 2 pháo bắn nhanh 20mm; cùng hệ thống phóng thẳng đứng VLS triển khai 12 đạn tên lửa hải đối không VL-MICA và hệ thống phòng thủ cực ngắn Millennium với pháo tự động 35mm.

Martadinata được đánh giá là một trong những tàu chiến mạnh ở Đông Nam Á. Nguồn: AI Biruni ID

Tàu lắp trang bị hệ thống radar mảng pha SMART-S Mk2 có khả năng phát hiện máy bay tàng hình, hệ thống quản lý chiến đấu TACTICOS, hệ thống điều khiển hỏa lực STIR 1.2 EO Mk2 và hệ thống tác chiến điện tử RESM do hãng Thales của Pháp phát triển. Bên cạnh đó, đuôi tàu trang bị hangar (khoang chứa máy bay) cho phép triển khai trực thăng săn ngầm Eurocopter AS565 Panther.

CHUNG ANH (theo Navy Recognition)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới để tiếp tục cập nhật, xem các tin, bài về vũ khí, trang bị, khí tài và hoạt động tác chiến của các nước trên thế giới.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/nam-dam-thep-cua-hai-quan-indonesia-743601