'Nắm đấm thép' của phương Tây và kịch bản không mong muốn đối với Nga
Ukraine hy vọng 'nắm đấm thép' của phương Tây sẽ giúp chọc thủng các tuyến phòng thủ kiên cố mà Nga thiết lập ở phía Đông, đồng thời ngăn chặn cuộc tấn công lớn của Nga vào mùa Xuân.
Cuộc xung đột tại Ukraine đã đẩy Nga vào thế đối đầu với liên minh NATO do Mỹ dẫn đầu ở mức độ nghiêm trọng chưa từng có. Chính quyền Tổng thống Biden một mặt tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine, mặt khác nỗ lực củng cố sức mạnh và sự đoàn kết trong NATO để áp đảo lợi thế của Moscow.
“Nắm đấm thép” của phương Tây
Tổng thống Biden ngày 25/1 tuyên bố chuyển giao 31 xe tăng Abrams tiên tiến của Mỹ cho Ukraine, quyết định được cho là giúp phá vỡ thế bế tắc ngoại giao với Đức xoay quanh cách tốt nhất để hỗ trợ quân sự cho Kiev, đồng thời khích lệ các nước thành viên khác trong châu Âu thực hiện bước đi tương tự. Có thể nói, lần đầu tiên kể từ khi xung đột nổ ra, Tổng thống Biden đã có hành động quyết đoán, đảo ngược lập trường của Mỹ bấy lâu nay và khép lại những rạn nứt trong liên minh.
Đây cũng được coi là thành công mang tính biểu tượng về mặt chính trị và quân sự đối với Ukraine trong nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm hối thúc phương Tây tăng cường viện trợ. Họ hy vọng cái gọi là “nắm đấm thép” sẽ giúp chọc thủng các tuyến phòng thủ kiên cố của Nga ở phía Đông, phá vỡ câu cầy đất liền mà Moscow đang cố gắng thiết lập kéo dài đến bán đảo Crimea ở phía Nam, đồng thời ngăn chặn cuộc tấn công lớn của Nga vào mùa Xuân.
Trước đây, Mỹ từng tuyên bố, xe Abrams là phương tiện rất phức tạp, đòi hỏi nỗ lực bảo dưỡng, bảo trì lớn do đó không phù hợp với cuộc xung đột tại Ukraine. Nhưng chính quyền Biden đã bất ngờ thay đổi lập trường, quyết định cung cấp phương tiện này cho Ukraine. Điều đó nêu bật quan điểm của Washington cho rằng, sự thống nhất của NATO là vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ Ukraine đẩy lùi Nga ra khỏi lãnh thổ.
“Quyết định chuyển giao xe tăng sẽ giúp Ukraine phòng thủ và bảo vệ đất nước. Đây không phải là mối đe dọa tấn công đối với Nga. Nếu quân đội Nga quay trở về nước, cuộc xung đột sẽ kết thúc ngay hôm nay. Đó là điều mà tất cả chúng ta đều muốn”, ông Biden nói.
Thông báo này được đưa ra cùng thời điểm Đức tuyên bố sẽ chuyển giao 14 xe tăng Leopard 2 cho Ukraine. Anh cũng cam kết chuyển giao 12 xe tăng còn một số quốc gia Tây Âu khác đã đồng ý cung cấp xe bọc thép và nhiều khí tài quân sự.
Mỹ chưa từng đưa ra lời tuyên chiến với Nga, nhưng những gì đang diễn ra tại Ukraine được coi là trường hợp điển hình của một cuộc xung đột ủy nhiệm với sự can dự ngày càng gia tăng của Mỹ và NATO. Mỹ đã dành cho Ukraine sự hỗ trợ không ngừng nghỉ trong những tháng đầu tiên của cuộc xung đột. Thời gian gần đây, nước này đã mở rộng quy mô với việc huấn luyện cho các binh sỹ Ukraine vận hành hệ thống phòng không ngay trên đất Mỹ.
Sau quyết định cung cấp xe tăng của Washington và Berlin, nhiều người đã đặt câu hỏi liệu “nắm đấm thép” của phương Tây có giúp Ukraine thay đổi cục diện chiến trường?
Củng cố sức mạnh cho Ukraine
Việc phương Tây quyết định chuyển giao xe tăng tiên tiến cho Ukraine sẽ giúp bổ sung kho dự trữ khí tài quân sự đang dần cạn kiệt của nước này. Cho đến thời điểm hiện tại, quân đội Ukraine vẫn phụ thuộc chủ yếu vào những xe tăng T-72 có từ thời Liên Xô.
Quyết định nói trên cũng báo hiệu rằng phương Tây muốn giúp Ukraine có thêm cơ hội và giành lại những vùng lãnh thổ đã bị mất kể từ tháng 2/2022 và đối phó với cuộc tấn công của Nga. Ngoài chuyển giao xe tăng, Mỹ và châu Âu còn cam kết huấn luyện binh sỹ Ukraine cách vận hành xe tăng và nhiều phương tiện khác. Phương Tây cho rằng, với những phương tiện mới này, Ukraine sẽ có lợi thế nhiều hơn so với trước đây.
Xe tăng NATO có thể xoay chuyển cục diện chiến trường?
Vẫn chưa rõ liệu Ukraine có thể sớm triển khai xe tăng mà NATO cung cấp ra chiến trường hay không, vì còn rất nhiều yếu tố cần phải xem xét.
M1 Abrams được coi là biểu tượng sức mạnh của quân đội Mỹ. Nếu kíp lái của những xe tăng này không được đào tạo bài bản và thiếu cơ sở hạ tầng đi kèm cũng như sự bảo trì cần thiết thì điều đó có thể dẫn tới hệ quả tiêu cực. Chúng sẽ không thể giúp Ukraine xoay chuyển tình thế.
Mặt khác, hình ảnh xe tăng M1 Abrams bị phá hủy trong giao tranh có thể làm xói mòn niềm tự hào của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ, giảm uy tín của Washington với tư cách là nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới. Do vậy, trước khi phương tiện này được triển khai trong chiến đấu, Mỹ cần phải chuẩn bị sẵn sàng nguồn cung cấp phụ tùng thay thế, huy động các đơn vị sửa chữa xe tăng và đào tạo kíp lái bài bản để tránh những hậu quả đáng tiếc.
Theo giới phân tích, để có thể giành lợi thế trước Nga trên chiến trường, Ukraine cần một số lượng lớn xe tăng, ít nhất từ 200 tới 300 chiếc. Vì thế việc Washington cung cấp cho Ukraine một đại đội M1 Abrams (từ 10 đến 15 chiếc) sẽ không tạo ra sự khác biệt đáng kể.
Theo một số nguồn tin, tính đến thời điểm hiện tại, Nga được cho là không gặp quá nhiều khó khăn trong việc đối phó với vũ khí và khí tài của đối phương. Đây là điều mà cả Bộ Quốc phòng Nga và hầu hết các nhà phân tích phương Tây dường như đều thừa nhận. Trung tướng Igor Konashenkov, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga cho biết, kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine, lực lượng nước này đã phá hủy 376 máy bay, 203 trực thăng, 2.944 UAV, 402 hệ thống tên lửa phòng không, 3.898 khẩu pháo và súng cối cùng 7.614 xe tăng và các phương tiện bọc thép khác của đối phương.
Moscow cần chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất
Một số chuyên gia quân sự cho rằng, nhiều khả năng những chiếc xe tăng đầu tiên mà NATO cung cấp cho Ukraine sẽ được sử dụng làm phương tiện huấn luyện của quân đội nước này trên chiến trường và Ba Lan sẽ là nước cung cấp năng lực bảo dưỡng và sửa chữa cho các xe tăng của Mỹ hoặc Đức. Tuy nhiên, quá trình đào tạo sẽ không kéo dài. Theo một số nguồn tin, một chương trình huấn luyện đầy đủ có thể mất vài tuần, trong khi việc huấn luyện các kíp lái xe tăng T-64/84 sử dụng M1 Abrams hoặc Leopard 2A5 có thể hoàn thành trong vài ngày.
Điều quan trọng là phương Tây đã quyết định vượt qua “lằn ranh đỏ” từ trước đến nay đã ngăn cản họ cung cấp phương tiện bọc thép hạng nặng cho Ukraine. Một khi quyết định của Mỹ và Đức được thực thi, số lượng xe tăng mà Ukraine được chuyển giao có thể không dừng lại ở con số vài chục, mà thậm chí lên đến vài trăm hoặc vài nghìn. Và như vậy, Kiev có khả năng tạo ra một lực lượng tấn công lớn ở mặt trận để chọc thủng các tuyến phòng thủ của Nga.
Với kịch bản này, giới phân tích cho rằng các lực lượng vũ trang Nga cần phải giành được những thắng lợi rõ ràng về mặt quân sự và chính trị trước khi khả năng cung cấp vũ khí của phương Tây đạt tới mức tối đa./.