Nấm Dẩn mạch ngầm văn hóa lưu truyền từ nghề nhuộm chàm

Nằm dười đỉnh Đèo gió, xã Nấm Dẩn (Xín Mần) là nơi sinh sống lâu đời của đồng bào dân tộc Nùng. Một dân tộc gần như vẫn giữ nguyên nếp văn hóa cổ truyền ít bị tác động ngoại lai gây ảnh hưởng. Trong đó phải kể đến trang phục truyền thống được may từ vải nhuộm chàm.

Vải nhuộm chàm được đánh bóng để giữ màu bền hơn

Vải nhuộm chàm được đánh bóng để giữ màu bền hơn

Đến Xín Mần, điều khiến mọi người để ý nhất chính là văn hóa và trang phục của các dân tộc vẫn còn giữ nguyên vẹn. Những nếp nhà sàn đơn sơ nép bên dòng suối, những người phụ nữ Mông, Nùng trong trang phục cổ truyền lao động trên ruộng, nương tạo thành nét chấm phá cho khung cảnh yên bình, nên thơ của vùng cao phía Tây Hà Giang. Nghề nhuộm vải đậm chất văn hóa miền Bắc gắn với cây chàm tạo ra thứ màu sắc mang đặc trưng của miền núi. Tới thôn Nấm Dẩn, ngắm những phiến đá khổng lồ có chứa đựng hoa văn kỳ lạ vào giờ trưa, chúng tôi được gặp những người phụ nữ Nùng U gùi quẩy tấu củ nâu về nhà. Củ nâu được hái từ rừng già mang về để làm phụ gia trong quá trình nhuộm vải chàm. Nấm Dẩn có làng nghề Nùng U với hơn 30 thành viên cùng nhau lưu giữ nghề và làm các sản phẩm từ vải nhuộm chàm.

Vải được mang phơi sau khi nhuộm chàm.

Vải được mang phơi sau khi nhuộm chàm.

Đối với người phụ nữ Nùng, cây chàm là một trong những loại cây đầu tiên trên rừng được bà, mẹ chỉ mặt, bảo tên. Cô gái Nùng nào trước khi đi lấy chồng cũng phải biết trồng chàm, ủ cây chàm và nhuộm vải, may vá…Cây chàm được thu hái về rồi ủ trong chum từ 1-3 ngày khi thân và lá tiết hết ra nước tạo thành cao họ đổ vôi bột vào khoắng đều từ 15 -30 phút. Vôi gặp nước ngâm cây chàm tạo ra thứ màu xanh ngọc đặc trưng bắt mắt, nước thừa và bọt váng được vớt ra chỉ để lại phần nước cốt chàm màu xanh như ngọc, thứ nước này sẽ để trong chum cho đến khi khô thành bột chàm. Qua nhiều công đoạn và thêm nhiều phụ gia, chàm được đem nhuộm, những thớ vải dệt từ cây bông, cây lanh trắng tinh được ngâm hấp thụ màu chàm chuyển dần màu xanh đen và sẽ trở thành màu vĩnh viễn của tấm vải. Vải nhuộm thủ công bằng chàm rất bền màu, đặc biệt sau khi phơi khô trong nắng, vải được đánh bóng bằng những viên đá tạo độ bóng cho vải và tăng thêm sức bền của màu nhuộm. Bộ váy áo của phụ nữ Nùng sau khi may từ vải chàm gần như được mặc cả đời sẽ không bao giờ phai màu.

Sản phẩm vỏ gối được may thủ công từ vải nhuộm chàm.

Sản phẩm vỏ gối được may thủ công từ vải nhuộm chàm.

Làng nghề Nùng U được thành lập từ năm 2019, thành viên là chị em phụ nữ sinh sống ở thôn Nấm Dẩn, hiện còn 12 thành viên chủ chốt duy trì hoạt động. Hàng ngày, những người phụ nữ này tự thu hái, ủ chàm ở nhà rồi tụ về một gia đình để khâu, may những sản phẩm thủ công như: Vỏ gối, khăn trải bàn, địu, túi đựng điện thoại… Từ những tấm vải chàm mang màu sắc núi rừng trước đây chỉ để phục vu nhu cầu bản thân và gia đình, giờ đã được tạo thành các sản phẩm hàng hóa đa dạng, nhiều màu sắc phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của khách hàng.

Để giúp Làng nghề Nùng U hoạt động, UBND xã đã xin kinh phí hỗ trợ cho bà con mua giống trồng chàm, mua máy khâu… Đồng thời phối hợp với các ban, ngành quảng bá, trưng bày sản phẩm giúp đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Bảo lưu văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch đang là hướng đi mà xã Nấm Dẩn nói riêng, huyện Xín Mần nói chung hướng tới. Những nét giá trị văn hóa đặc sắc được bảo tồn và truyền lại sẽ là “bảo vật” vô giá cho con cháu đời sau và tạo thành sản phẩm du lịch trải nghiệm quý báu. Người Nùng ở Xín Mần đã và đang giữ gần như nguyên vẹn giá trị văn hóa bản địa của mình, đây sẽ là điểm khám phá trải nghiệm và nghiên cứu văn hóa lý tưởng của du khách nhà nghiên cứu dân tộc học.

Bài, ảnh: Trọng Toan

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202111/nam-dan-mach-ngam-van-hoa-luu-truyen-tu-nghe-nhuom-cham-784031/