Nấm Dẩn phát huy hiệu quả hoạt động của các nhóm sở thích

Xã Nấm Dẩn (Xín Mần) có nhiều điều kiện để phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản và các loại cây trồng. Để giúp bà con phát huy tốt thế mạnh, những năm qua, Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) đã hỗ trợ bà con có thêm nguồn lực, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi thông qua việc thành lập các nhóm cùng sở thích (NCST).

Nhóm sở thích trồng Thảo quả thôn Ngam Lâm trao đổi kinh nghiệm tại vườn rừng.

Nhóm sở thích trồng Thảo quả thôn Ngam Lâm trao đổi kinh nghiệm tại vườn rừng.

Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, xã đã thành lập được 17 NCST với 184 hộ dân tộc thiểu số tham gia; trong đó, 50 hộ là phụ nữ làm chủ, 79 hộ nghèo và 65 hộ cận nghèo. Hiện, xã có 6 nhóm trồng và chăm sóc Thảo quả; 1 nhóm trồng chuối tiêu xanh; 5 nhóm chăn nuôi trâu, bò sinh sản, vỗ béo; 1 nhóm chăn nuôi lợn đen; 4 nhóm nuôi ong mật. Các NCST chăn nuôi trâu, bò sinh sản sau khi nhận được vốn hỗ trợ đã lồng ghép với vốn vay theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh để mua trâu nái về chăm sóc. Đến nay, 17 nhóm đã nhận được hỗ trợ của chương trình với tổng số vốn là 1.620 tỷ đồng; vốn đối ứng bằng tiền mặt và cây trồng, vật nuôi của các nhóm là 6.750,87 triệu đồng.

Ông Giàng Sào May, Trưởng NCST chăn nuôi trâu thôn Nấm Dẩn, cho biết: Khi chưa thành lập nhóm, người dân chăn nuôi trâu trong thôn phần lớn phụ thuộc vào thương lái về con giống và thường bị ép giá, tính công vận chuyển cao; vì vậy, sau khi trừ chi phí chăn nuôi, bà con không còn nhiều lợi nhuận. Từ khi được Chương trình CPRP hỗ trợ thành lập nhóm, bà con đều rất phấn khởi. Nếu như trước đây, các hộ nghèo trong nhóm không có đủ tiền mua trâu; thì nay, mỗi hộ đều có từ 1 – 2 con. Chuồng trại được bà con tu sửa rộng rãi, thoáng mát; cùng đó, hầu hết các hộ đều đầu tư mua máy để nghiền tinh bột, máy thái cỏ phục vụ cho chăn nuôi; nên đời sống kinh tế các thành viên từng bước được cải thiện.

Để các nhóm hoạt động hiệu quả, Trưởng nhóm thường tổ chức các buổi họp trao đổi kinh nghiệm giữa các thành viên; bên cạnh đó, cán bộ CPRP còn tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng cỏ, bảo quản thức ăn xanh theo phương pháp ủ chua, kỹ thuật chăm sóc trâu nái hậu bị trước, sau khi sinh sản; tổ chức các buổi tham quan thực tế chăm sóc cây Thảo quả cũng như các mô hình tiêu biểu nhằm nâng cao kiến thức cho bà con.

Đồng chí Tải Kim Cương, Phó chủ tịch UBND xã Nấm Dẩn, cho biết: Các NCST chăn nuôi trâu, bò sinh sản; trồng cây kinh tế từ khi được thành lập đến nay, nhìn chung hoạt động rất hiệu quả. Chương trình CPRP đã giúp bà con thay đổi nhận thức và tập quán sản xuất; kỹ thuật chăn nuôi được nâng lên rõ rệt, nhất là phòng ngừa được các loại dịch, bệnh gây hại cho vật nuôi. Có thể nói, các NCST về trồng trọt và chăn nuôi đã giúp các thành viên có được nguồn thu nhập ổn định từ việc phát triển các loại cây, con tại chỗ. Các NCST trồng Thảo quả đã có nhiều người vươn lên làm giàu; xây được nhà ở kiên cố, sắm ô tô để vận chuyên Thảo quả bán ra thị trường. Từ hiệu quả hoạt động của các NCST chăn nuôi, trồng trọt; người dân trên địa bàn xã mong muốn chương trình thành lập thêm nhiều NCST khác để tạo điều kiện cho người dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế và làm giàu bền vững trên quê hương.

Bài, ảnh: Trọng Toan

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202006/nam-dan-phat-huy-hieu-qua-hoat-dong-cua-cac-nhom-so-thich-761598/