Nắm đất từ miền Nam mang ra dâng Bác

Tháng 10/1950, thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Quân sự Nam bộ vào tháng 4/1950, Bộ Tư lệnh khu 8 thành lập 2 Trung đoàn chủ lực là Trung đoàn Cửu Long và Trung đoàn Đồng Tháp, đồng thời giải tán Trung đoàn 115. Tiểu đoàn 311 là 1 trong 3 Tiểu đoàn thuộc Trung đoàn Đồng Tháp (gồm Tiểu đoàn 307 chủ lực Khu, Tiểu đoàn 309 của Mỹ Tho và Tiểu đoàn 311 của Sa Đéc).

Ông Lê Chí Đức

Ông Lê Chí Đức

Ban Chỉ huy Trung đoàn Đồng Tháp do đồng chí Đồng Văn Cống làm Trung đoàn Trưởng, đồng chí Lê Văn Thời làm Chính ủy, đồng chí Lê Quốc Sản làm Trung đoàn Phó và đồng chí Nguyễn Văn Sĩ là Tham mưu trưởng. Còn Tiểu đoàn 311 trên cơ sở của Tiểu đoàn 343 thuộc Trung đoàn 115 cũ có bổ sung và tăng cường binh lực lẫn vũ khí do đồng chí Nguyễn Phước Trẫm là Tiểu đoàn Trưởng, Nguyễn Văn Tòng làm Chính trị viên và La Duy Giông là Tiểu đoàn Phó. Tiểu đoàn 311 có quân số 591 đồng chí với 3 Đại đội là Đại đội 947, 948, 949. Cho đến cuối năm 1951, Tiểu đoàn 311 cùng các Đại đội địa phương quân huyện Tân Châu, Hồng Ngự, Cao Lãnh phối hợp cùng bộ đội Ixarắc (Campuchia) kiểm soát cả một khu vực chạy theo dọc sông Tiền, mở rộng kiểm soát cả vùng Đồng Tháp Mười và đảm bảo nối thông đường vận chuyển từ sông Tiền lên Tây Ninh. Theo ký ức của những người chiến sĩ của Tiểu đoàn 311 thì đơn vị này vinh dự được tiếp thu vị trí tập kết đầu tiên với lá quân kỳ gắn nhiều Huân chương đỏ chói lấp lánh tung bay trên bầu trời Cao Lãnh.

Sau ngày Hiệp định Giơnevơ, Tiểu đoàn 311 di chuyển về Cao Lãnh đóng quân, học tập chính trị, củng cố tổ chức và chịu trách nhiệm giữ gìn an ninh ở khu vực tập trung lực lượng chuẩn bị cho công tác tập kết. 100 ngày tập kết ở Cao Lãnh là 100 ngày đầy kỷ niệm với người đi, kẻ ở. Một trong những việc làm có ý nghĩa nhất của Tiểu đoàn 311 trong khoảng thời gian ngắn ngủi này là các cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 311 đã cùng cán bộ địa phương xây dựng lại phần mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Theo ông Lê Hoàng Kế, tại trang 107 trong quyển Hồi ký “Đi vinh quang - Ở anh dũng” do Tỉnh ủy Đồng Tháp tổ chức thực hiện và được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành vào tháng 10/2014 thì công việc tu bổ phần mộ do Đại đội 949 thực hiện. Tuy nhiên, tại trang 229 của quyển sách này thì ngoài Tiểu đoàn 311 ra còn có nhiều đơn vị bộ đội khác có mặt ở Cao Lãnh cùng tham gia vào việc tu bổ, xây dựng lại phần mộ. Một trong những đơn vị đó là Tiểu đoàn 309 của Mỹ Tho cũng thuộc Trung đoàn Đồng Tháp (trang 227 - sách đã dẫn).

Theo ông Lê Chí Đức, trước khi lên tàu rời Cao Lãnh ra miền Bắc, ông và một số đồng chí ở Ban Chính trị Tỉnh đội Mỹ Tho được biên chế vào một đơn vị đặc biệt ra miền Bắc sớm nhất để nhận nhiệm vụ mới. Nhưng trước khi ra Bắc, đơn vị ông có nhiệm vụ tìm hiểu, ghi chép thật kỹ về cuộc kháng chiến chống Pháp ở Đồng Tháp Mười. Trong số những người tham gia công việc này có Văn Lê, Minh Đỗ, Hà Mậu Nhai (sau này là Giám đốc Nhà xuất bản Văn nghệ TP Hồ Chí Minh), họa sĩ Lê Vinh và nhiếp ảnh Lê Hưng. Những ngày đóng quân tại Cao Lãnh, ông Lê Chí Đức đã cũng đồng đội tham gia tu bổ phần mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. “Không khí khi đó rất nhộn nhịp. Tất cả xúm vào, mỗi người một việc. Chỉ trong 1 ngày là phần mộ Cụ Phó bảng đã hoàn thành. Tự dưng chúng tôi bỗng nghĩ ra một chuyện. Mình phải chụp lại một vài bức ảnh để đem ra miền Bắc cho Bác Hồ xem phần mộ cha mình ra sao chớ. Vậy là mấy anh em đứng xung quanh ngôi mộ. Nhiếp ảnh Lê Hưng bấm liền mấy kiểu. Riêng tôi, sau khi chụp ảnh xong liền cúi xuống phần mộ Cụ Phó bảng bọc lấy một nắm đất mang theo” - ông Lê Chí Đức bồi hồi nhớ lại câu chuyện của hơn 60 năm trước trong sự xúc động.

Tháng 8/1954, Đoàn công tác đặc biệt, trong đó có ông Lê Chí Đức lên tàu từ Doi Me ra Bắc. Vừa tới Sầm Sơn, ông cùng các đồng đội trong đoàn được lệnh tiếp tục lên đường ra Hà Nội. Thì ra, cả đoàn phải tập hợp hình ảnh, tư liệu ghi chép được tham gia vào cuộc triển lãm “Những hình ảnh chiến đấu và trưởng thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp tại Hà Nội cuối năm 1954”. Cuộc triển lãm này sẽ được Bác Hồ đến tham dự.

Xác nhận của ông Lê Chí Đức

Xác nhận của ông Lê Chí Đức

Ông Lê Chí Đức nhớ lại: “Khi biết mình được tham gia vào cuộc triển lãm này, tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào được góp phần báo công với Bác về những hy sinh gian khổ và những chiến công anh dũng của đồng bào Đồng Tháp Mười suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến. Tôi đi dọc theo bờ hồ Hoàn Kiếm suy nghĩ, mình phải làm cách nào để đưa những bức ảnh chụp được từ Cao Lãnh và nắm đất mang ra từ dưới chân ngôi mộ Cụ Phó bảng. Thôi thì, trước khi có điều kiện trao cho Bác, mình phải để những thứ này vào phòng triển lãm Nam bộ trong khu vực triển lãm chung cái đã. Nghĩ vậy, tôi ghé vào một cửa hàng bên đường mua 1 chiếc hộp sơn mài thiệt đẹp đem về đơn vị, rồi dùng giấy báo gói nắm đất cẩn thận đặt vào và đặt lên trên đó 2 bức ảnh. Trong chiếc hộp đó còn có mảnh giấy ghi dòng chữ: Kính dâng Bác Hồ nắm đất miền Nam được lấy tại mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc”.

Phòng triển lãm Nam bộ được xây dựng rất cẩn thận và trưng bày nhiều tư liệu. Trong đó, Đoàn công tác của ông Lê Chí Đức còn làm cả một sa bàn về Đồng Tháp Mười, về Cao Lãnh và mô hình mộ Cụ Nguyễn Sinh Sắc. Những hiện vật trưng bày còn có cả chiếc hộp sơn mài mà cả đoàn hết sức nâng niu, giữ gìn. “Khoảng cuối tháng 12/1954, Bác Hồ đến xem triển lãm. Người dừng lại rất lâu tại Phòng triển lãm Nam bộ và nhiều lần lấy khăn lau nước mắt trước tấm ảnh có tên là Bộ đội miền Nam xây lại ngôi mộ Cụ Phó bảng. Sau khi xem xong triển lãm, chúng tôi được biết Ban Tổ chức đã trao lại cho Bác Hồ chiếc hộp sơn mài của đoàn chúng tôi. Lúc ấy, ước mơ của mình đã thành hiện thực, chúng tôi mừng không sao nói hết”.

Giải phóng miền Nam, ông Lê Chí Đức về Cao Lãnh và đứng thật lâu bên ngôi mộ. Sau hơn 20 năm vật đổi sao dời. Cảnh cũ người xưa không còn nữa. Nhưng ngôi mộ thân sinh của Bác Hồ đã được xây dựng khang trang hơn so với ông tưởng tượng. Nhưng có một điều khiến ông không khỏi băn khoăn là vị trí ngôi mộ. Gặng hỏi người hướng dẫn mấy lần rằng, ngôi mộ di dời hay vị trí con đường di dời và khi nghe trả lời rằng con đường hồi xưa nằm trước ngôi mộ nay dời sang sau ngôi mộ thì ông Đức mới thở phào nhẹ nhõm và thốt lên rằng: Lòng dân Cao Lãnh tốt quá!

Còn chiếc hộp sơn mài có 2 tấm ảnh và nắm đất đem từ Cao Lãnh ra miền Bắc, ông Lê Chí Đức cứ ngỡ sẽ được đưa vào Bảo tàng Quân đội. Nào ngờ nó lại được Bác đặt ở vị trí cao nhất trên chiếc tủ trong phòng làm việc của mình. Về sự kiện này, theo tư liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Nghệ An: Cuối năm 1954, Văn phòng Phủ Chủ tịch nhận được công văn từ khu IV gửi ra Hà Nội báo tin bà Nguyễn Thị Thanh (chị gái Bác Hồ) mất. Công văn này đến chậm. Bác Hồ xem kỹ công văn đó, đăm chiêu suy nghĩ rồi Bác gấp cẩn thận, cho vào phong bì, xếp vào một chỗ riêng trong ngăn để sách của Bác. Cũng dịp này, trong gói công văn từ miền Nam gửi ra Văn phòng Phủ Chủ tịch, có bức thư gửi Hồ Chủ tịch, có tấm ảnh chụp bộ đội ta đứng 2 bên mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Cao Lãnh. Ảnh này nhỏ, nước ảnh mờ nhưng vẫn nhìn thấy rõ hàng chữ khắc trên mộ chí. Văn phòng Phủ Chủ tịch chuyển thư và ảnh đó cho Bác Hồ nhưng không thấy Bác chuyển lại. Mãi đến giữa tháng 9/1969, sau khi Bác qua đời, mới thấy bức thư và tấm ảnh để trong chiếc hộp gỗ khảm đựng thiếp in hoa, để trên ngăn sách cao nhất trong buồng làm việc tại ngôi nhà sàn Bác ở.

Người dân huyện Tân Hồng dâng hương tại mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Phường 4, TP Cao Lãnh (Ảnh: P.Lộc)

Người dân huyện Tân Hồng dâng hương tại mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Phường 4, TP Cao Lãnh (Ảnh: P.Lộc)

Như vậy, cùng với cây vú sữa của Bà Mẹ liệt sĩ Lê Thị Sảnh (còn gọi là mẹ Tư Tố) ở Ranh Hạt thuộc Ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau và nắm đất do ông Lê Chí Đức lấy từ phần mộ của Cụ Nguyễn Sinh Sắc mãi mãi sẽ trở thành những câu chuyện gắn liền với 3 tiếng Hồ Chí Minh mà mỗi khi nhắc đến: Thưa Bác - miền Nam luôn có mặt. Trong trái tim Người đã nhập vào hồn Tổ quốc thiêng liêng.

Hữu Nhân

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/xa-hoi/nam-dat-tu-mien-nam-mang-ra-dang-bac-127735.aspx