Năm đầu tiên vất vả của ông Biden
Ngày 20-1 là tròn một năm ngày ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ. Một năm qua, ông đã nỗ lực thực hiện những lời hứa, những cam kết đã đưa ra trong lúc tranh cử cũng như trong phát biểu nhậm chức. Giờ đây, dư luận báo chí kiểm điểm lại những gì ông đã làm được và chưa làm được trong năm qua.
Những việc làm được
Nhân dịp tròn một năm làm Tổng thống Mỹ, ông Biden đã có cuộc đối thoại một mình với báo chí tại phòng phía Đông Nhà Trắng để nhìn lại những việc ông làm được và chưa được. Trong cuộc đối thoại đó, Tổng thống Biden khẳng định một số vấn đề ông yên tâm đã làm thật tốt nhưng cũng băn khoăn, lo lắng những chính sách lớn khác của ông hiện vẫn chưa được thông qua.
Nổi bật nhất trong những vấn đề ông Biden đã làm được trong năm qua có lẽ là việc ông “xử lý” các chính sách gây tranh cãi của người tiền nhiệm Donald Trump, trong đó bao gồm việc tái gia nhập Thỏa thuận khí hậu Paris và hủy bỏ lệnh cấm đi lại đối với người Hồi giáo, trong đó việc tái gia nhập Thỏa thuận khí hậu Paris được đánh giá cao nhất. Từ lúc vận động tranh cử, ông đã tuyên bố việc tái gia nhập Thỏa thuận khí hậu Paris và thực hiện chiến lược “không khí thải” là việc không thể chậm trễ, hứa sẽ “đặt nước Mỹ trên con đường thẳng tiến tới không khí thải, toàn bộ nền kinh tế phải thực hiện vào trước năm 2050”. Ông đã thực hiện được bước đầu tiên - tái gia nhập Thỏa thuận khí hậu Paris - nhưng các hành động trong thực tế để thực hiện các bước tiếp theo thì có vẻ như ông đang làm chưa hoàn toàn đúng theo những gì mình đã hứa.
Về đối nội, ông Biden đã rất khẩn trương thực hiện chính sách dãn nợ, xóa nợ cho sinh viên, học sinh và các đối tượng người nghèo, khó khăn do ảnh hường bởi dịch bệnh COVID-19. Ông đã tuyên bố thực hiện việc này ngay khi tuyên bố nhậm chức cách đây một năm. Trên thực tế, ông Biden cũng đã làm được việc liên tục cho phép hoãn trả nợ nhiều lần trong năm qua do ảnh hưởng của COVID-19. Tuy nhiên, mức độ thành công của chính sách này hiện nay được đánh giá là rất hạn chế. Trong tổng số khoản nợ sinh viên 1.800 tỉ USD, người ta ước tính chỉ có khoảng 1% sinh viên được hưởng lợi. Ngay cả khoản miễn học phí cho cao đẳng cộng đồng 2 năm ông Biden đã đưa vào dự án luật cơ sở hạ tầng (còn gọi là Đạo luật Xây dựng lại to lớn hơn - Build Back Bigger Act) nhưng sau đó ông đã rút lại vào giờ chót.
Những thách thức lớn
Một trong những thách thức đã được ông Biden dự báo trước và sẵn sàng đối mặt ngay từ khi vận động tranh cử chính là đại dịch COVID-19. Trong các cuộc tranh luận trên truyền hình với ông Trump, ông Biden thẳng thắn tuyên bố ông sẽ dập tắt đại dịch, không để dịch tiếp tục lây lan và gây ra nhiều cái chết cho người Mỹ. Ngày ông Trump rời ghế Tổng thống (20-1-2021), nước Mỹ có 396.837 người chết vì virus SARS-CoV-2. Thế rồi, sau một năm ông Biden làm tổng thống, con số đó tăng hơn gấp đôi.
Tháng 12-2021, Tổng thống Biden đã ra tuyên bố: “Không có loại hình kinh doanh nào phải đóng cửa trong mùa đông này vì COVID-19”. Thế nhưng, sự xuất hiện của các biến chủng mới đã làm hỏng mọi kế hoạch. Với sự lây lan cực nhanh của biến chủng Omicron, số ca bệnh bùng phát mạnh trở lại và trường học, doanh nghiệp lại phải đóng cửa. Điểm sáng duy nhất trong cuộc chiến chống COVID-19 của ông Biden chính là chiến dịch tiêm chủng vaccine. Lời hứa “tiêm 100 triệu liều vaccine” của ông đã được thực hiện sớm 2 tuần, đạt 209 triệu liều vào tháng 3-2021, hơn gấp đôi kế hoạch. Người Mỹ vốn “ghét” tiêm vaccine COVID-19, đạt tỉ lệ này quả thật là rất ấn tượng.
Về đối ngoại, chính quyền của ông Biden vẫn đang theo đuổi thực hiện lời hứa đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm đối với Iran nhưng việc này hiện nay vẫn đang tiến triển đầy khó khăn. Đàm phán tại Vienna để tái khởi động Thỏa thuận hạt nhân Iran đã diễn ra đến vòng thứ 9 - với sự hỗ trợ đàm phán của Nga, Trung Quốc và cả Anh, Đức - mà hai bên chưa đạt được bất kỳ thỏa thuận nào trong khi thời gian cho đàm phán không còn nhiều, dự kiến tháng 2-2022 phải chấm dứt đàm phán. Những vấn đề khác biệt giữa Mỹ và Iran được đặt ra trong 3 văn bản dự thảo thỏa thuận đến nay vẫn còn nhiều điều Mỹ chưa thể đáp ứng theo yêu cầu của Iran. Đằng sau tất cả những vấn đề đó là lòng tin giữa hai bên vẫn còn khoảng cách khá xa.
Tình hình cũng không khả quan hơn đối với quan hệ với nước Nga. Các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga, giữa Nga và NATO trong vài tuần lễ qua đã không đưa đến kết quả khả quan nào. Mỹ, NATO và Nga đã không thể có tiếng nói chung xung quanh vấn đề Ukraine, xung quanh việc NATO mở rộng sang phía Đông nhằm lấn sát biên giới nước Nga. Việc Nga điều động quân đội đến gần biên giới Ukraine đặt ra bài toán chính trị, ngoại giao rất khó khăn cho Mỹ và đồng minh và Tổng thống Biden cũng chỉ có thể tuyên bố rằng “nếu Nga mà tấn công Ukraine sẽ phả trả giá đắt”.
Trong các vấn đề đối nội, Tổng thống Biden vẫn đau đáu việc thông qua đạo luật về quyền bầu cử, mong muốn trong năm thứ hai này Quốc hội Mỹ sẽ thay đổi cái nhìn và thông qua nó để tạo cơ sở vững chắc cho ông khi xử lý các vấn đề liên quan đến việc đàn áp trong bầu cử xảy ra tại các bang do đảng Cộng hòa kiểm soát.
Những việc làm còn dở dang, những vấn đề chưa giải quyết được và nhất là các chính sách thiết thân với đời sống người dân Mỹ được triển khai thiếu sinh khí đã khiến tỉ lệ người dân đánh giá tích cực công việc điều hành đất nước của ông khá thấp so với nhiều tổng thống tiền nhiệm. Theo một kết quả thăm dò ý kiến công bố đầu tháng 1-2022, tỉ lệ ủng hộ ông Biden đã giảm còn 44% so với 46% hồi tháng 9-2022.
Bước sang năm 2022, dư luận Mỹ và quốc tế tiếp tục theo dõi và kỳ vọng Tổng thống Mỹ Biden tiếp tục thực hiện những lời hứa của mình một cách cụ thể hơn và mang lại kết quả rõ ràng hơn. Bản thân ông Biden cũng kỳ vọng Thượng viện sẽ thông qua Đạo luật Build Back Bigger đầy tham vọng của ông. Nhưng, trở ngại lớn nhất đang nằm ở phe Cộng hòa và kể cả 2 thành viên Dân chủ trong Thượng viện.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/hau-truong/nam-dau-tien-vat-va-cua-ong-biden-i642611/