Năm đầu tiên xuất vải thiều sang Trung Quốc qua ga Kép
Năm nay sẽ là năm đầu tiên vải thiều Bắc Giang xuất khẩu bằng đường sắt qua ga liên vận quốc tế Kép (Lạng Giang, Bắc Giang) sang Trung Quốc.
Ngày 7.6, tỉnh Bắc Giang đã tổ Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2023 tại huyện Lục Ngạn. Đây là cơ hội tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước tìm kiếm đối tác, hợp tác, ký kết tiêu thụ vải thiều cho người dân địa phương.
Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, năm 2023, tổng diện tích vải thiều của tỉnh Bắc Giang là 29.700ha (tăng 1.400ha so với năm 2022), sản lượng ước đạt trên 180.000 tấn. Trong đó vải chín sớm là 7.700ha, sản lượng ước 57.000 tấn; vải chính vụ diện tích là 22.000ha, sản lượng ước trên 120.000 tấn; vải an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là 15.600ha, sản lượng khoảng 113.800 tấn; vải sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 82ha, sản lượng ước đạt 1.000 tấn.
Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn La Văn Nam cho biết, năm 2023 tổng diện tích sản xuất vải của huyện là 17.000ha, trong đó có gần 13.500ha áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Dự kiến sản lượng toàn huyện đạt khoảng 98.000 tấn. Thời gian thu hoạch bắt đầu từ ngày 25.5 đến cuối tháng 7.2023. Từ đầu vụ đến nay, toàn huyện đã thu hoạch, tiêu thụ được khoảng 6.000 tấn vải chín sớm, trong đó 59% sản lượng được tiêu thụ trong nước và khoảng 41% xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Hiện nay, huyện Lục Ngạn đã thực hiện số hóa vùng sản xuất vải tập trung với 88 mã số vùng trồng đảm bảo đáp ứng các điều kiện xuất khẩu chính ngạch (Trung Quốc - 35 mã; Mỹ, Úc, EU - 19 mã; Nhật Bản - 32 mã; Thái Lan - 2 mã). Trên địa bàn huyện có 173 cơ sở đóng gói được cấp mã số đủ điều kiện hoạt động xuất khẩu.
Đến nay đã có 204 thương nhân Trung Quốc được Cục Quản lý xuất nhập cảnh của Bộ Công an đồng ý cho vào huyện Lục Ngạn để phối hợp thu mua vải thiều.
Liên quan đến việc vận chuyển và xuất khẩu vải thiều, dự kiến năm nay là năm đầu tiên vải thiều Bắc Giang xuất khẩu bằng đường sắt qua ga liên vận quốc tế Kép (Lạng Giang, Bắc Giang).
Ông Trần Thế Hùng - Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải và thương mại đường sắt Ratraco (đơn vị vận hành ga Kép) cho biết, hiện nay các điều kiện để vận chuyển vải thiều bằng đường sắt qua ga liên vận quốc tế Kép sang Trung Quốc như hạ tầng, container, toa xe và các điều kiện khác đã sẵn sàng, công ty đang làm việc với các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc để hợp tác.
Theo đó, trung bình một ngày có thể vận chuyển được 300 tấn vải từ ga Kép (Lạng Giang) sang ga Bằng Tường (Trung Quốc). Việc vận chuyển bằng đường sắt sẽ giúp thời gian di chuyển nhanh hơn, khắc phục được tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu, nhờ đó chất lượng quả vải sẽ được đảm bảo hơn.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn đề nghị các địa phương trồng vải trong tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn bà con vùng trồng vải tiếp tục thực hiện đúng quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, đảm bảo chất lượng tốt nhất và an toàn từ khâu sản xuất, thu mua, lưu thông, tiêu thụ, ứng dụng công nghệ, tem truy xuất nguồn gốc, quản lý mã số vùng trồng, mã số đóng gói đảm bảo các điều kiện sạch và an toàn thực phẩm.
Tiếp tục chủ động trong khâu kết nối, xúc tiến tiêu thụ, đa dạng hóa thị trường cả trên các kênh truyền thống và các sàn thương mại điện tử; khuyến khích người dân tham gia tiêu thụ trên nền tảng online, mạng xã hội...
Tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng ngành đường sắt Việt Nam, hải quan, quản lý cửa khẩu; các công ty khai thác vận tải đường sắt, các doanh nghiệp… để vận chuyển vải thiều tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc bằng hệ thống đường sắt, giảm tải áp lực xuất khẩu vải thiều qua các cửa khẩu đường bộ.