Nam Định: Chính quyền 'hối thúc' 7 nhà đầu tư loạt dự án trọng điểm
Cùng với hối thúc các nhà đầu tư khẩn trương thực hiện các thủ tục liên quan, lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định hối thúc các sở, ngành tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án không sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn.
Chiều ngày 31/1, Văn phòng UBND tỉnh Nam Định phát đi văn bản gửi 13 sở, ngành liên quan; UBND 10 huyện, thành phố; 7 doanh nghiệp đang là nhà đầu tư các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh để truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện một số dự án đầu tư không sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Theo văn bản, thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ (về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023), Kế hoạch liên quan của UBND tỉnh Nam Định, để tăng cường hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp và giải quyết các khó khăn, vướng mắc đối với một số dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, an sinh xã hội cho cộng đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Anh Dũng yêu cầu các sở, ngành, các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phải thực hiện rà soát, nghiên cứu và nâng cao chất lượng tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án không sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các dự án trọng điểm, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định đồng thời đề nghị nhà đầu tư các dự án: Nhà máy thép xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định, Nhà máy thép xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng, Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nam Định, Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Mỹ Thuận, Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN dệt may Rạng Đông, Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Bảo Minh Mở rộng, Khu xử lý rác thải tại xã Mỹ Thành, Đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN Yên Bằng, Đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN Thanh Côi… khẩn trương triển khai thực hiện các thủ tục có liên quan đến các dự án đang đầu tư trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường…
“Thường xuyên cập nhật tiến độ thực hiện, báo cáo tình hình triển khai thực hiện dự án và các khó khăn vướng mắc (nếu có) để xem xét, giải quyết theo đúng quy định”, văn bản của Văn phòng UBND tỉnh dẫn lời Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.
Được biết, thời gian qua 7 nhà đầu tư gồm: Công ty CP Xuân Thiện Nam Định, Công ty CP Năng lượng Greenity Nam Định, Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Rạng Đông, Công ty CP Đầu tư hạ tầng KCN Bảo Minh, Công ty CP Xây dựng hạ tầng Đại Phong, Công ty CP Thương mại - xây dựng 379, Công ty CP Đầu tư phát triển Việt Nam Hàn Quốc đã và đang triển khai các dự án lớn trên địa bàn tỉnh Nam Định. Trong đó Công ty CP Xuân Thiện Nam Định triển khai quy trình đầu tư 3 dự án thuộc Tổ hợp dự án Thép xanh với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 100 nghìn tỷ đồng ở khu vực bãi bồi ven biển huyện Nghĩa Hưng, một trong ba dự án là Nhà máy cấu kiện bê tông Xuân Thiện đã được khởi công hồi trung tuần tháng 11/2022.
Đáng chú ý, trong số 7 dự án được Nam Định xác định là dự án trọng điểm, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội cho Nam Định, dự án Xây dựng khu xử lý rác thải tại xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc đã nhiều lần phải gia hạn thời điểm triển khai.
Như Báo Đại Đoàn Kết đã phản ánh, dự án được UBND tỉnh Nam Định ra quyết định chủ trương đầu tư vào ngày 22/10/2019, sau đó đã 3 lần được điều chỉnh.
Trong quyết định điều chỉnh gần nhất (lần 3, ngày 4/4.2022), ngoài phê duyệt điều chỉnh thông tin nhà đầu tư, UBND tỉnh Nam Định còn phê duyệt điều chỉnh về tên dự án, mục tiêu đầu tư, quy mô dự án, tổng vốn đầu tư. Trong đó, tên dự án được điều chỉnh từ “Nhà máy điện rác Greenity Nam Định" thành “Xây dựng khu xử lý rác thải".
Mục tiêu dự án từ “Xử lý và tiêu hủy rác thải không độc hại, chưa qua phân loại; sản xuất điện từ chất thải; tạo thêm việc làm cho khoảng 100 lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương" điều chỉnh thành “Xử lý và tiêu hủy rác thải không độc hại, chưa qua phân loại; tạo thêm việc làm cho khoảng 100 lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương" (bỏ mục tiêu sản xuất điện từ chất thải - PV).
Quy mô dự án từ "Công suất xử lý khoảng 300 tấn rác hỗn hợp/ngày đêm và phát điện với công suất khoảng 6MW. Trong đó công suất xử lý rác thải sinh hoạt chưa phân loại khoảng 250 tấn/ngày đêm, rác thải công nghiệp thông thường khoảng 50 tấn/ngày đêm; sử dụng công nghệ lò đốt nguyên khối sử dụng bộ ghi đốt động trên sàn nghiêng nhiều bậc của Hitachi, Nhật Bản" điều chỉnh thành "Xây dựng nhà máy xử lý rác thải với công suất xử lý khoảng 495 tấn rác hỗn hợp/ngày đêm bằng Công nghệ lò đốt nguyên khối sử dụng bộ ghi đốt động trên sàn nghiêng nhiều bậc của Hitachi, Nhật Bản"(tăng công suất xử lý rác gần 200 tấn ngày/đêm; bỏ nội dung phát điện - PV).
Đáng chú, theo quyết định phê duyệt điều chỉnh trên, tổng vốn đầu tư dự án từ 785 tỷ đồng tăng lên 1.437,039 tỷ đồng (tăng hơn 652 tỷ đồng - PV).
Tiến độ thực hiện dự án cũng được điều chỉnh từ “tiếp nhận rác và xử lý rác bằng công nghệ cuốn bao bắt đầu từ ngày 31/10/2020; hoàn thành và đưa vào hoạt động Nhà máy điện rác Greenity Nam Định vào tháng 12/2021" thành “Khởi công dự án chậm nhất ngày 20/5/2022; hoàn thành, đưa vào hoạt động và tiếp nhận, xử lý rác thải trong năm 2023".
Hai quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư trước đó của UBND tỉnh Nam Định là quyết định số 2889/QĐ-UBND ngày 20/12/2019 và số 1823/QĐ-UBND ngày 27/7/2020.
Theo quyết định điều chỉnh lần 3, dự án phải được khởi công chậm nhất vào tháng 5/2022 nhưng đến thời điểm trên vẫn chưa thể khởi công.
Tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ triển khai thực hiện dự án Xây dựng khu xử lý rác thải tại xã Mỹ Thành, tổ chức ngày 2/11/2022, sau khi nghe ý kiến của các sở, ngành, địa phương về tình hình triển khai thực hiện dự án và đề xuất, kiến nghị của nhà đầu tư, lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định khi đó đã kết luận dự án triển khai rất chậm, chưa đảm bảo tiến độ nhà đầu tư đã đăng ký (có cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan), gây ảnh hưởng đến tình hình thu gom và xử lý rác thải tại TP Nam Định, huyện Mỹ Lộc và các vùng lân cận.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Anh Dũng khi đó dã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Công thương, Tư pháp, UBND TP Nam Định, UBND huyện Mỹ Lộc và các cơ quan, đơn vị có liên quan làm việc với nhà đầu tư để thống nhất lộ trình, tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư dự án, đảm bảo điều kiện khởi công dự án chậm nhất vào ngày 15/5/2023 với công nghệ, quy mô, công suất đáp ứng tiếp nhận rác cho địa bàn TP Nam Định, huyện Mỹ Lộc và khu vực lân cận theo quy định…
Trường hợp không hoàn thành thủ tục khởi công dự án đúng tiến độ, nhà đầu tư có cam kết tự chấm dứt hoạt động dự án theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020. Đối với nhà đầu tư là Công ty CP Năng lượng Greenity Nam Định, lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định khi đó yêu cầu phải chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan lập bảng tiến độ chi tiết gửi UBND tỉnh, các sở, ngành và đơn vị liên quan.
Có cam kết về tiến độ thực hiện dự án đảm bảo tiến độ khởi công chậm nhất vào ngày 15/5/2023 gửi UBND tỉnh, các sở, ngành trong tháng 11/2022; cam kết phải được Hội đồng cổ đông thông qua và ban hành Nghị quyết theo đúng quy định.
Đồng thời yêu cầu nhà đầu tư chủ động liên hệ, làm việc với các sở, ngành địa phương liên quan để được hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, thủ tục liên quan về: Môi trường, công nghệ, đơn giá xử lý rác (đúng theo quy định và phù hợp với tình hình thực tế tại tỉnh Nam Định), thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công, giao đất, cho thuê đất, phòng cháy chữa cháy, cấp phép xây dựng,… đảm bảo hồ sơ, thủ tục để khởi công dự án chậm nhất vào ngày 15/5/2023.
Khi đó, vào chiều 3/11/2022, trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng cho biết một trong những nguyên nhân dẫn đến việc triển khai dự án bị chậm trễ là do những vướng mắc về thủ tục đầu tư, trong đó có liên quan đến Quy hoạch điện VIII Quốc gia...
Như Báo Đại Đoàn Kết đã nhiều lần phản ánh, việc đầu tư dự án nhà máy xử lý rác trên gắn liền với nỗi bức xúc của người dân một số thôn làng ở phường Lộc Hòa (TP Nam Định) và các xã liền kề Mỹ Hưng, Mỹ Thành (thuộc huyện Mỹ Lộc). Nguyên nhân, từ năm 1999 chính quyền tỉnh Nam Định cho “đặt” tại làng Man, trước đây là xã nay là phường Lộc Hòa một bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt của toàn bộ TP Nam Định, rộng 23 ha; giao Công ty CP môi trường Nam Định thu gom, vận chuyển, tập kết, xử lý.
Theo thời gian, bãi chôn lấp rác ngày một đầy, mở rộng, “tiến sát” khu dân cư, gây ô nhiễm mùi, không khí, nguồn nước, khiến người dân các thôn làng sinh sống xung quanh bãi rác khổng lồ này bức xúc, nhiều lần kiến nghị các cấp chính quyền ở tỉnh Nam Định có biện pháp giải quyết.