Nam Định: Lo ngại vấn nạn 'hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng'
Đây là băn khoăn chung của các thành viên Ban chỉ đạo Cuộc vận động (CVĐ) 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' tỉnh Nam Định tại Hội nghị tổng kết thực hiện CVĐ năm 2024 ở tỉnh, do Ban chỉ đạo CVĐ tỉnh tổ chức ngày 23/12.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Nam Định, trong năm 2024, các cấp, các ngành trong tỉnh, đặc biệt là các cơ quan thành viên Ban chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh, đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa thiết thực của việc tham gia thực hiện CVĐ tới các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Công tác quản lý nhà nước trong thực hiện CVĐ được các sở, ngành ở tỉnh tăng cường, triển khai đồng bộ trên các mặt cụ thể, như ban hành cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn; đẩy mạnh cải cách hành chính; tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận, mở rộng thị trường; tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, về thị trường.
Trong đó, Sở Công thương tỉnh đã và đang phối hợp triển khai 17 chương trình khuyến công địa phương; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tốt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay toàn tỉnh đã công nhận 494 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.
Cũng theo đánh giá của Ban chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Nam Định, CVĐ ngày càng nhận được sự hưởng ứng tích cực của xã hội; giúp người tiêu dùng ở địa phương từng bước thay đổi hành vi, ưu tiên mua sắm tiêu dùng hàng hóa thương hiệu Việt.
CVĐ cũng đã giúp cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhận thức đầy đủ hơn về quyền lợi và trách nhiệm của doanh nghiệp, hướng đến sản xuất sản phẩm thị trường cần, chất lượng đảm bảo, giá thành phù hợp, có sức cạnh tranh…
Tuy nhiên, theo Ban chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Nam Định, quá trình thực hiện CVĐ ở địa phương vẫn bộc lộ một số hạn chế. Trong đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện CVĐ nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức; một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương chưa nhận thức hết ý nghĩa của CVĐ, còn thờ ơ, đứng ngoài cuộc, chủ yếu giao trách nhiệm cho cơ quan thường trực dẫn đến việc thực hiện còn mang tính hình thức.
Đa số các doanh nghiệp trong tỉnh là doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc đầu tư tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu; việc đầu tư trang thiết bị, công nghệ mới để nâng cao chất lượng sản phẩm còn hạn chế, sức cạnh tranh với hàng hóa trong và ngoài nước còn hạn chế.
Đặc biệt, mặc dù các cơ quan hữu quan đã có nhiều cố gắng ngăn chặn, nhưng tình trạng hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng vẫn còn nhiều. Một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng ở địa phương còn băn khoăn về giá cả, chất lượng các mặt hàng trong nước sản xuất; tư tưởng sính dùng hàng ngoại trong một bộ phận người dân có thu nhập cao còn nhiều.
Nhìn nhận CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mang mục đích, ý nghĩa thiết thực, cần thiết phải duy trì, nâng cao hiệu quả, BCĐ tỉnh Nam Định xác định thời gian tới việc thực hiện CVĐ ở tỉnh sẽ tập trung tăng cường công tác tuyên truyền về CVĐ; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tổ chức thực hiện.
Các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp đầu tư thay đổi công nghệ, quy trình sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cải cách thủ tục hành chính và các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến; đẩy mạnh sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị, gắn với truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu, công bố chất lượng sản phẩm, đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý để không ngừng nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Rà soát, bổ sung các văn bản, ban hành cơ chế chính sách thiết thực, phù hợp để khuyến khích động viên doanh nghiệp mở rộng sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu thị trường trong nước.
Đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là trong những tháng trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Hỗ trợ các chương trình, quảng bá thương hiệu sản phẩm, nêu gương tập thể, cá nhân thực hiện tốt cuộc vận động từ tỉnh đến cơ sở.
MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân ưu tiên mua sắm, dùng hàng Việt, coi đó là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của tổ chức mình.
Ban Chỉ đạo của tỉnh đề xuất, kiến nghị Thường trực Tỉnh ủy tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng quán triệt 7 nhiệm vụ và giải pháp thực hiện CVĐ theo tinh thần Chỉ thị số 03- CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư.
Đề nghị UBND tỉnh bổ sung cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chống buôn lậu, làm hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Có cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư, tham gia trực tiếp vào quá trình ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp; chế biến sâu; hỗ trợ các cơ sở/doanh nghiệp có tiềm lực tham gia dẫn dắt chuỗi liên kết; ưu tiên bố trí nguồn lực phù hợp đẩy mạnh phát triển sản xuất theo liên kết chuỗi; xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu; tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.