Nam Định - Phát huy lợi thế phát triển du lịch
Nam Định là tỉnh đồng bằng ven biển nằm ở trung tâm vùng Nam đồng bằng châu thổ sông Hồng, phía Đông giáp tỉnh Thái Bình, phía Tây giáp tỉnh Ninh Bình, phía Nam và Đông Nam giáp biển Đông, phía Bắc giáp tỉnh Hà Nam. Hiện nay, với thế mạnh về tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn, Nam Định đang đầu tư phát triển nhiều loại hình du lịch trong đó du lịch văn hóa, du lịch sinh thái là hai hướng được ưu tiên phát triển.
Danh lam thắng cảnh
Nam Định có bờ biển dài 72km bắt đầu từ cửa sông Ba Lạt là nơi dòng sông Hồng chảy về với biển Đông đến cửa sông Đáy với những bãi biển như Thịnh Long (huyện Hải Hậu), Quất Lâm (huyện Giao Thủy). Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có Vườn quốc gia Xuân Thủy - vùng đất ngập nước cửa sông Hồng đổ ra biển Đông với hệ sinh thái rừng ngập mặn, nơi dừng chân của các loài chim di trú, là điểm ramsar quốc tế đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á (1989).
Vườn quốc gia Xuân Thủy
Vườn quốc gia Xuân Thủy cách thành phố Nam Định 60km xuôi theo quốc lộ 21, có tổng diện tích là 12.000ha thuộc vùng của sông hồng trải dài qua Cồn Lu, Cồn Ngang, Cồn Xanh. Vườn quốc gia Xuân Thủy được công nhận là khu ramsar đầu tiên của Việt Nam (1989), được UNESCO xác định là vùng lõi số một của Khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng (2004). Đến thăm Vườn quốc gia Xuân Thủy, du khách không chỉ được hòa mình trong không gian khoáng đạt của rừng ngập mặn, tìm hiểu đời sống của những loài chim nước bản địa và chim di trú mà còn có cơ hội trải nghiệm cuộc sống của cư dân các xã vùng đệm trong nếp nhà bồi đơn sơ, thăm khu nuôi tôm, nuôi vạng, bến cá, chợ hải sản sầm uất.
Khu du lịch biển Quất Lâm
Khu du lịch biển Quất Lâm thuộc thị trấn Quất Lâm, huyện Giao Thủy, cách thành phố Nam Định 40km xuôi theo quốc lộ 21. Du khách đến với Quất Lâm không chỉ được nô đùa cùng sóng biển, thưởng thức những món hải sản tươi ngon mà còn có cơ hội thử làm diêm dân, nâng niu những hạt muối trắng ngần do chính mình làm ra trên đồng muối.
Di tích lịch sử - Văn hóa
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nam Định có trên 1.330 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 81 di tích cấp quốc gia và 282 di tích cấp tỉnh, với nhiều quần thể di tích có giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc có sức hấp dẫn như: quần thể di tích văn hóa đền Trần, Phủ Dầy, nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh, chùa Cổ Lễ, chùa Keo Hành Thiện, cầu Ngói, chùa Lương...
Quần thể di tích quốc gia đặc biệt đền Trần
Quần thể Di tích lịch sử - văn hóa đền Trần nằm trải rộng trên phạm vi các phường Lộc Vượng, Lộc Hạ (thành phố Nam Định) và một số xã Mỹ Thành, Mỹ Phúc… của huyện Mỹ Lộc bao gồm 45 di tích gắn với lịch sử vương triều Trần. Các di tích: đền Trần, chùa Tháp, đền Bảo Lộc, đền Cao Đài... có giá trị về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật kiến trúc đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Tại đây còn lưu giữ và trưng bày nhiều hiện vật lịch sử về cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông của quân dân Đại Việt thế kỷ 13. Xưa kia, nơi đây là hành cung Thiên Trường từng được ví như kinh đô thứ hai thời Trần với các cung điện Trùng Quang, Trùng Hoa (nơi dành cho các Thái Thượng Hoàng và các vua đương triều ngự), cung Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Tứ (dành cho các thái hoàng thái hậu, các phi tần, tôn nữ ở).... Quần thể di tích lịch sử văn hóa Trần là cụm điểm du lịch văn hóa có sức hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế. Du khách có thể đến tham quan tại các điểm: đền Thiên Trường, đền Trùng Hoa, đền Cố Trạch, chùa
Phổ Minh, đền Bảo Lộc...
Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy
Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy là một quần thể kiến trúc tín ngưỡng truyền thống của người Việt trải rộng trên địa bàn 3 xã Kim Thái, Quang Trung, Đại An thuộc huyện Vụ Bản, cách thành phố Nam Định 14km về phía Tây Nam. Quần thể di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy bao gồm 21 di tích liên quan đến sự tích, truyền thuyết về Thánh Mẫu Liễu Hạnh - một trong “tứ bất tử” của điện thần Việt Nam. Một số di tích quan trọng như phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát, lăng Mẫu đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Vào dịp lễ hội mùng 3/3 âm lịch du khách đến đây vừa để thưởng ngoạn cảnh đẹp, vừa là dịp lễ Mẫu cầu mong điều lành và sự may mắn. Năm 2017, Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy được vinh dự là nơi tổ chức lễ đón bằng UNESCO ghi danh “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo Hành Thiện
Chùa Keo Hành Thiện tọa lạc tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường cách thành phố Nam Định khoảng 35km về phía quốc lộ 21B - quê hương cố Tổng Bí thư Trường Chinh - người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quy mô chùa bề thế với 13 tòa rộng dài, 121 gian nối tiếp, với kiến trúc chủ yếu bằng gỗ mang phong cách thời Hậu Lê. Ngoài vẻ đẹp về kiến trúc, trong chùa còn lưu giữ, bảo tồn những di vật cổ có giá trị của thế kỷ 17. Năm 2016, di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Keo Hành Thiện được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt.
Lễ hội Nam Định
Hằng năm, trên địa bàn tỉnh Nam Định có trên 100 lễ hội truyền thống được tổ chức vào dịp đầu xuân, cuối thu. Các lễ hội truyền thống trong tỉnh thu hút đông du khách tham dự như: Hội chợ Viềng Xuân, Lễ hội đền Trần, Lễ hội đền Bảo Lộc, Lễ hội Phủ Dầy, Hội chùa Keo Hành Thiện, Hội chùa Cổ Lễ...
Lễ hội đền Trần
Lễ hội đền Trần diễn ra từ ngày 15 đến 20/8 âm lịch hằng năm. Những năm chẵn hội mở to hơn năm lẻ. Song không đợi đến chính hội từ trước ngày hội, khách thập phương đã nô nức trẩy về đền Trần. Hành hương về cội nguồn du khách đều cầu mong những điều tốt lành, thịnh vượng. Lễ hội được cử hành trang nghiêm. Đám rước với cờ quạt, chiêng trống, kiệu lễ, kiệu bát cống, kéo dài hàng nửa cây số. Hội có nhiều trò vui hấp dẫn, trong đó có múa bài bông và hát văn. Tại khu di tích đền Trần hằng năm còn diễn ra Lễ khai ấn đền Trần. Lễ Khai ấn đền Trần diễn ra vào đêm 14 tháng giêng hằng năm với ý nghĩa nhân văn thể hiện lòng thành kính biết ơn non sông, cha ông dựng nước, giữ nước. Tục lệ khai ấn được nhân dân đón nhận, truyền tụng và đi vào lòng người như một dấu ấn văn hóa đặc sắc của dân tộc.
Hội chợ Viềng Xuân
Nam Định có hai chợ Viềng cùng họp một phiên duy nhất trong năm từ đêm ngày mùng 7 đến hết ngày mùng 8 tháng giêng âm lịch là chợ Viềng Chùa ở thị trấn Nam Giang (cách ga Nam Định 12km) và chợ Viềng Phủ gắn với quần thể di tích Phủ Dầy (cách ga Nam Định 15km). Chợ Viềng mang tính chất chợ truyền thống, vui xuân mang sắc thái tín ngưỡng dân gian của cư dân nông nghiệp ở đồng bằng Bắc Bộ. Người đi chợ trước là để du xuân, đi lễ đầu năm, sau là để mua sắm khước lộc. Chợ Viềng hội tụ sản vật đặc trưng của nhiều miền quê như: đồ rèn Vân Chàng, Trung Thành, đồ đồng Tống Xá, đồ gỗ La Xuyên, cây cảnh Nam Điền, Vị Khê...
Lễ hội Phủ Dầy
Hội Phủ Dầy diễn ra tại Quần thể di tích Phủ Dầy từ mồng 1đến mồng 10/3 âm lịch hằng năm, chính hội là mồng 3/3. Trong dân gian, bà Chúa Liễu Hạnh được suy tôn là Thánh Mẫu, là một trong "tứ bất tử" của Việt Nam. Nghi lễ rước Thánh Mẫu và hội kéo chữ là những nét tiêu biểu của hội. Trong hội còn có nhiều trò vui như hát chèo, hát trống quân, hát xẩm, hát văn, múa hầu bóng… và các hình thức thi đấu như đấu vật, kéo co, chọi gà, đánh cờ… Lễ hội Phủ Dầy còn là ngày hội chợ, là nơi dân trong vùng bày bán nhiều loại sản phẩm của địa phương như giường tủ, đồ khảm, hoành phi, câu đối… Đặc biệt ở đây còn có món đặc sản thịt bò thui chấm tương gừng và các cây cảnh được trồng, tỉa cầu kỳ, đẹp mắt.
Lễ hội chùa Keo Hành Thiện
Hằng năm, tại chùa Keo Hành Thiện có hai lần mở hội. Đó là hội xuân vào dịp Tết Nguyên Đán và hội tháng 9 mở vào ngày 13, 14, 15 để kỷ niệm ngày sinh của Thánh tổ Không Lộ. Trong đó, hội tháng 9 được tổ chức trọng thể, ngoài những nghi thức lễ tiết mang tính chất tôn giáo, còn là nơi tụ hội của những sinh hoạt văn hóa tinh thần của cư dân nông nghiệp. Đặc biệt, ở đây thường tổ chức hội thi bơi chải với những hình ảnh đẹp đã ghi sâu vào tâm hồn những người dự hội chùa Keo.
Làng nghề truyền thống
Nam Định còn có trên 90 làng nghề truyền thống trong đó có nhiều làng nghề nổi tiếng đã trở thành điểm đến tham quan hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước như: làng nghề trồng hoa cây cảnh Vị Khê, đúc đồng Tống Xá, sơn mài Cát Đằng, chạm khắc gỗ La Xuyên, ươm tơ Cổ Chất, dệt Cự Trữ, trồng hoa cây cảnh Vị Khê…
Làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên
Trên hành trình về với mảnh đất La Xuyên, huyện Ý Yên, cách thành phố Nam Định 20km, du khách sẽ không khỏi trầm trồ trước những tác phẩm nghệ thuật, sản phẩm điêu khắc từ gỗ với sự tinh xảo, đường nét hài hòa. Lịch sử ngàn năm và sự phát triển của làng nghề từ thời vua Đinh, vua Lê đã nói lên mức độ nổi tiếng của làng nghề này. Nghề mộc truyền thống ở La Xuyên mà đỉnh cao là nghệ thuật chạm khắc đã đạt đến độ hoàn hảo. Sản phẩm phong phú và thông dụng như hương án, bát biểu, tượng, cửa, võng, sập gụ, tủ chè… nổi tiếng trong và ngoài nước.
Làng nghề trồng hoa cây cảnh Vị Khê
Làng nghề trồng hoa cây cảnh Vị Khê nằm ven sông Hồng, Điền Xá, Nam Trực cách thành phố Nam Định khoảng 8km, là một làng nghề truyền thống đã có tuổi đời hơn 700 năm, được mệnh danh là đất tổ của nghề trồng hoa, cây cảnh ở Việt Nam. Nơi đây nổi danh với cây cảnh, cây thế, bonsai... được uốn tỉa chăm sóc công phu thành các dáng, thế, đầy nghệ thuật và đẹp mắt. Hằng năm, từ ngày 12 đến 16 tháng giêng âm lịch, Lễ hội hoa cây cảnh Vị Khê được tổ chức tại đình làng, để tri ân công đức tổ làng nghề và là dịp để các nghệ nhân giao lưu học hỏi, trưng bày những tác phẩm đẹp, tìm kiếm cơ hội hợp tác và giới thiệu nghề truyền thống đến du khách thập phương. Một số tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu của làng nghề như: tháp Effel, tháp Phổ Minh, Khuê Văn Các…
Làng nghề sơn mài Cát Đằng
Làng Cát Đằng (xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) nổi tiếng với nghề làm sơn mài, cách thành phố Nam Định khoảng 22km. Bằng đôi bàn tay khéo léo, người Cát Đằng không chỉ làm nghệ thuật sơn mài tỏa sáng trên những bức tranh mà còn cách tân trên các sản phẩm gia dụng. Nội dung thể hiện trên những tác phẩm rất phong phú, từ những thú vui đơn giản cho đến tình mẫu tử thiêng liêng với đa dạng chất liệu: gỗ, nứa. Những sản phẩm này không chỉ được tiêu thụ trong nước mà đã vươn xa đến với khắp các châu lục.
Làng nghề đúc đồng Tống Xá
Cách thành phố Nam Định 27km, làng nghề đúc đồng Tống Xá thuộc thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định được xem là một trong những cái nôi của nghề đúc đồng truyền thống ở nước ta. Ngày nay, sản phẩm ở làng nghề đúc đồng truyền thống Tống Xá không chỉ làm giàu cho làng, mà còn trở thành niềm tự hào lớn của cả Thành Nam nhờ nhiều năm qua, hàng ngàn các công trình - tác phẩm tượng đồng tầm cỡ quốc gia đã được chính những nghệ nhân trong ngôi làng này thực hiện bằng chính hoa tay, tâm sức của họ. Một số tác phẩm tiêu biểu của làng như: tượng đài vua Lý Thái
Tổ (hồ Gươm, Hà Nội), tượng đài Thánh Gióng (Sóc Sơn), tượng Tam Thế Phật (chùa Bái Đính), tượng Phật Thích Ca Mâu Ni (Trúc Lâm Thiên Trường, Nam Định)…
Ẩm thực
Đến với Nam Định, du khách được thưởng thức các đặc sản nông nghiệp của làng quê trù phú, đại diện tiêu biểu của làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ như phở Nam Định, bánh cuốn làng Kênh, bánh gai bà Thi, kẹo lạc Sìu Châu, nem nắm Giao Thủy, gạo tám xoan Xuân Đài, bánh nhãn Hải Hậu…
Bánh gai bà Thi
Du khách về Nam Định, đi dọc phố Trần Hưng Đạo, đường Điện Biên, cùng nhiều tuyến phố khác dễ dàng bắt gặp rất nhiều cửa hàng bày bán bánh gai Bà Thi - thứ quà quê “không ăn lấy no mà chỉ ăn cho đỡ thèm”. Bánh được làm từ bột gạo nếp xay mịn trộn với lá gai giã nhỏ, nhân làm bằng đỗ xanh đồ trộn với đường trắng, điểm thêm vài hạt mứt sen, một ít cùi dừa nạo nhỏ, vài ba miếng mỡ thái khổ, vỏ ngoài bánh rắc ít vừng rang thơm và được gói lại bằng lá chuối sạch. Bánh gai vừa có độ thơm, dẻo của gạo nếp, vừa có độ ngọt của đường, độ béo ngậy của mỡ, bùi bùi của đỗ xanh và dừa nạo… tất cả tạo nên một hương vị độc đáo, riêng biệt.
Phở
Phở Nam Định được vinh danh trong top 100 món ẩm thực nổi tiếng của Việt Nam năm 2016, khẳng định được thương hiệu của mình trên khắp mọi miền đất nước. Làng nghề Giao Cù (Xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) được coi là thủy tổ nghề phở của Việt Nam. Với những công đoạn chế biến khắt khe từ khâu chọn gạo, xay bột, hầm xương, kén thịt… và đặc biệt là pha chế nước dùng, người ta đã nấu thành những bát phở tỏa hương nghi ngút, vị ngon đậm đà, làm say lòng du khách thập phương.
Bánh nhãn Hải Hậu
Bánh nhãn là loại bánh đặc sản của huyện ven biển Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Gạo làm bánh là loại gạo đều hạt đem ngâm và xay thành bột thật nhuyễn nhào với trứng gà. Rán bánh và thắng đường phải thật tinh tế để mỡ ngấm từ vỏ vào trong ruột. Lúc rán phải giữ cho ngọn lửa nhỏ, phồng đủ độ thì vớt ra để ráo mỡ. Đun chảy đường trong chảo đến khi sánh vừa độ thì cho bánh đã được rán vào đảo đều tay, lớp nước đường thấm cả vào bên trong và bọc lấy bên ngoài bánh tạo thành lớp vỏ có độ bóng và thêm vị ngọt, giòn cho bánh. Bánh nhãn là món quà biếu không thể thiếu trong những chuyến đi xa của những người con xa xứ đất Thành Nam.
Kẹo Sìu Châu
Kẹo Sìu Châu là loại kẹo lạc nổi tiếng của Nam Định, được làm từ lạc, đường, mạch nha, bột nếp hương. Lạc phải chọn kỹ để loại bỏ những hạt lép, hạt sâu, khi rang phải chín thấu không ngả màu nhưng lại giòn và thơm ngậy. Sau khi thắng cùng đường trắng và mạch nha, dùng con lăn dàn kẹo ra thành từng tấm phẳng phiu rồi cắt thành từng thanh nhỏ, ủ trong bột nếp hương cho thơm dịu. Khi ăn cắn từng miếng kẹo ngậm tơi bột, cảm nhận được vị đậm đà của kẹo, vị thơm của bột nếp, bùi ngậy của lạc và độ giòn và ngọt của mạch nha. Ngắm nhìn những thanh kẹo trong suốt tinh tế và nghe được tiếng vỡ giòn tan trong lưỡi cùng với chén trà ướp sen thật thú vị biết bao.
Gạo tám xoan
Ở nước ta nhiều nơi có gạo tám, nhưng gạo tám Xuân Đài, Nam Định nổi tiếng thơm ngon. Xuân Đài nằm ở vùng đất phù sa trẻ của châu thổ sông Hồng, giàu dinh dưỡng, tỷ lệ sét cao vàn tầng canh tác sâu, ảnh hưởng mặn rất thích hợp để trồng lúa tám thơm. Gạo tám Xuân Đài hạt nhỏ dài, thổi cơm rất mau chín, có màu trắng xanh, dẻo, mùi thơm ngào ngạt, hàm lượng chất bổ cao hơn các loại gạo khác… nhờ được chăm sóc bởi bàn tay cần cù, chịu thương chịu khó của người nông dân xứ Xuân Đài. Một nét khác biệt nữa của tám Xuân Đài là mỗi năm chỉ thu hoạch một vụ, vì thế thứ gạo độc đáo này luôn được du khách chọn làm món quà quê mỗi khi về với quê hương Nam Định.
Nem nắm Giao Thủy
Nếu khi nào nhớ vị bùi bùi của thính gạo, ngầy ngậy vị thịt mỡ lẫn nạc, cảm giác sừn sựt của bì lợn thái nhỏ, bạn có thể tìm đến với món nem nắm Giao Thủy của Nam Định. Bì lợn làm nem được thái thủ công bằng tay, tuyệt đối không dùng máy thái. Thịt lợn được chọn ở phần đầu, phần thịt có lẫn chút mỡ. Vị thơm của món nem phần nhiều là do thính gạo tạo nên. Người Giao Thủy đã dùng thứ gạo thơm ngon nhất vùng chiêm trũng để làm thính, do đó tạo nên hương vị đặc trưng khác biệt với vùng khác. Mắm để chấm nem nắm phải là mắm Sa Châu mới đúng vị. Để thưởng thức, bạn cuốn nem nắm vào chiếc lá sung sần sần, thêm ít rau thơm rồi chấm qua bát nước mắm Sa Châu. Ăn hết chiếc nem mà vẫn cứ xuýt xoa cái vị béo béo, ngầy ngậy nhưng không ngán.
Với tiềm năng và lợi thế về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn đa dạng, Du lịch Nam Định đang từng bước khẳng định thương hiệu, là điểm đến hấp dẫn thu hút nhiều du khách./.