Nam Định thu hút đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp
Để tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thời gian qua, tỉnh Nam Định đã thực hiện những giải pháp đồng bộ nhằm tập trung huy động nguồn lực thu hút đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Cấp ủy, chính quyền trong tỉnh Nam Định đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội hóa để xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; đồng thời chú trọng, quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng, sẵn sàng bàn giao mặt bằng “sạch” để thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo động lực phát triển trên địa bàn.
Đẩy mạnh xây dựng hạ tầng
Chính thức đi vào hoạt động từ năm 2010, Khu công nghiệp Bảo Minh (huyện Vụ Bản) mặc dù có quy mô không lớn (165 ha) nhưng được xem là điểm sáng trong xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư và quản lý vận hành khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định.
Ông Nguyễn Văn Kiểm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Bảo Minh cho biết: Khu công nghiệp đã lấp đầy 100% diện tích với 14 dự án, trong đó có 12 dự án FDI; tổng vốn thu hút đầu tư đến năm 2022 đạt khoảng 550 triệu USD vốn đầu tư FDI và khoảng 2.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, tạo việc làm thường xuyên cho 15.000 lao động, với mức thu nhập bình quân khoảng 6,5 triệu đồng/người/tháng. Nhờ chọn lọc những nhà đầu tư thứ cấp có quy mô và tiềm lực tốt, ngay cả trong giai đoạn khó khăn vì Covid-19, các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Bảo Minh cũng không bị gián đoạn sản xuất.
Thời gian qua, tỉnh Nam Định đã chỉ đạo huyện Vụ Bản và các đơn vị liên quan tập trung hoàn thiện thủ tục, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Bảo Minh mở rộng, với diện tích khoảng 45 ha. Đến nay, dù mới trong giai đoạn hoàn tất giải phóng mặt bằng, nhưng Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Bảo Minh đã chủ động tiếp xúc khoảng 50 doanh nghiệp, đặt mục tiêu trong năm 2023 hoàn tất cơ sở hạ tầng và đạt tất cả các thỏa thuận về thuê đất với các nhà đầu tư thứ cấp.
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Nam Định, ngoài Khu công nghiệp Bảo Minh, toàn tỉnh hiện có bốn khu công nghiệp khác đã và đang được triển khai xây dựng, đưa vào khai thác gồm: Khu công nghiệp Hòa Xá (đã lấp đầy 100%); Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông (quy mô 503,38 ha) đang triển khai xây dựng hạ tầng giai đoạn 2, đã thu hút được hai nhà đầu tư thứ cấp vào đầu tư; Khu công nghiệp Mỹ Trung đã được đầu tư một phần hạ tầng kỹ thuật và Khu công nghiệp Mỹ Thuận (quy mô 158 ha) đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng.
Nam Định cũng đang đầu tư xây dựng 24 cụm công nghiệp với tổng diện tích 495,21 ha; trong đó có 22 cụm công nghiệp (tổng diện tích 445,41 ha) đã đi vào hoạt động. Tỉnh hiện tập trung đầu tư xây dựng hai cụm công nghiệp mới là Cụm công nghiệp Yên Bằng (huyện Ý Yên) và Cụm công nghiệp Thanh Côi (huyện Vụ Bản) đều có quy mô 50 ha.
Gần đây, Nam Định đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) về nghiên cứu và đề xuất dự án đầu tư các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ trên địa bàn. Đồng thời, tỉnh cũng tích cực tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi để thu hút nhiều doanh nghiệp về khảo sát, nghiên cứu để đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp mới như các khu công nghiệp Hồng Tiến, Trung Thành, Hải Long; các cụm công nghiệp Đại An, Nam Thanh...
Mời gọi, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp
Từ thực tiễn chỉ đạo, điều hành, khắc phục các hạn chế và các điểm bất cập của quy hoạch cũ, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đã rà soát, báo cáo, đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển khu công nghiệp tỉnh đến năm 2020 gồm 10 khu công nghiệp với tổng diện tích 2.046 ha. Mới đây, tỉnh đã tổ chức rà soát hiện trạng, xây dựng dự thảo phương án phát triển các khu, cụm công nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tích hợp vào quy hoạch tỉnh.
Bên cạnh các chính sách chung của Nhà nước, Nam Định cũng nỗ lực xây dựng các cơ chế, chính sách riêng trong ưu đãi, thu hút nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp và đầu tư sản xuất, kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp của tỉnh. Nam Định chủ trương thu hút, khuyến khích, hỗ trợ các nhà đầu tư có vốn lớn, công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường. Trong tháng 5 vừa qua, tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư, do đồng chí Phạm Đình Nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Tổ trưởng.
Việc đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số trở thành cơ sở quan trọng để Nam Định thu hút các nhà đầu tư. Năm 2022, tỉnh có chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) xếp thứ 31 trong số 63 tỉnh, thành phố; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đứng thứ 19 trong số 61 tỉnh, thành phố; chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) đứng thứ 34 trong số 63 tỉnh, thành phố, tăng 5 bậc so năm 2021.
Thời gian qua, tỉnh Nam Định liên tiếp thu hút thành công hàng loạt dự án của các nhà đầu tư lớn trên thế giới. Tỉnh đã tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án sản xuất máy vi tính của Tập đoàn Quanta (Đài Loan, Trung Quốc) với tổng mức đầu tư 120 triệu USD tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận; thu hút thành công Tập đoàn Jia Wei và các doanh nghiệp phụ trợ đầu tư nhóm dự án có tổng vốn dự kiến 100 triệu USD; thu hút thành công Tập đoàn Sunrise Material (Singapore) đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất màng bọc polyme công nghệ cao với giá trị 100 triệu USD…
Phát huy những kết quả đã đạt được, Nam Định đang chuyển mình mạnh mẽ trong phát triển các khu, cụm công nghiệp, thu hút đầu tư, từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, hướng đến mục tiêu tạo sức bật phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.