Nam Định tổ chức chấm thi tốt nghiệp THPT đảm bảo đúng tiến độ

Tỉnh Nam Định đang tổ chức chấm 116.365 bài thi tốt nghiệp THPT năm 2023 theo đúng kế hoạch, trong đó chú trọng khâu lựa chọn và tập huấn nhân sự.

Toàn tỉnh Nam Định có hơn 20.000 thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Đình Tuệ.

Toàn tỉnh Nam Định có hơn 20.000 thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Đình Tuệ.

Chuẩn bị kỹ khâu chấm thi

Trong những năm qua, ngành Giáo dục Nam Định liên tục nằm trong tốp dẫn đầu toàn quốc về kết quả thi tốt nghiệp THPT. Sở GD&ĐT Nam Định tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 theo đúng Quy chế thi và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2023 và xét tuyển vào đại học.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định Nguyễn Xuân Hồng cho biết, để kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng, Sở GD&ĐT Nam Định đã tổ chức thanh tra/kiểm tra tất cả các khâu của kỳ thi, trong đó có khâu chấm thi theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Toàn tỉnh có tổng số 116.365 bài thi ở tất cả các phân môn.

Các thí sinh được giám thị gọi vào phòng thi tại điểm thi Trường THPT Ngô Quyền - TP Nam Định.

Các thí sinh được giám thị gọi vào phòng thi tại điểm thi Trường THPT Ngô Quyền - TP Nam Định.

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh đã ra quyết định thành lập các Ban của Hội đồng thi: Ban Thư ký, ban coi thi; ban làm phách bài thi tự luận; ban chấm thi trắc nghiệm; ban chấm thi tự luận. Sở GD&ĐT đã phối hợp với Công an tỉnh xây dựng phương án vận chuyển và giao nhận bài thi trắc nghiệm, bài thi tự luận đã làm phách bảo đảm an toàn theo đúng quy định

Các trường đã giới thiệu cán bộ, giáo viên tham gia chấm thi. Tất cả các nhân sự tham gia đều có phẩm chất, năng lực chuyên môn tốt và được học tập Quy chế thi, hướng dẫn chấm thi của Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT. Trên cơ sở giới thiệu của đơn vị, Sở GD&ĐT đã lựa chọn đội ngũ nhân sự tham gia chấm thi bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Ngoài ra, Sở GD&ĐT đã tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho lãnh đạo các đơn vị, lãnh đạo, thư ký làm nhiệm vụ chấm thi, đội ngũ làm công tác thanh tra/kiểm tra, bảo vệ của kỳ thi. Trước khi tổ chức chấm thi Hội đồng thi yêu cầu lãnh đạo các Ban chấm thi tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên… về Quy chế thi, quy trình chấm thi và các văn bản hướng dẫn về công tác chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Lãnh đạo tỉnh Nam Định trực tiếp đến động viên tinh thần các thí sinh trước giờ thi Ngữ văn tại Trường THPT Ngô Quyền, TP Nam Định sáng 28/6.

Lãnh đạo tỉnh Nam Định trực tiếp đến động viên tinh thần các thí sinh trước giờ thi Ngữ văn tại Trường THPT Ngô Quyền, TP Nam Định sáng 28/6.

Căn cứ nhiệm vụ được giao, Ban chấm thi bài thi tự luận và Ban chấm thi bài thi trắc nghiệm đều đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên để triển khai công tác chấm thi. Khu vực chấm thi được chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện phục vụ chấm thi theo quy định.

Khu vực chấm thi có tường bao quanh, cách biệt với nhà dân, có các phòng chấm thi, chấm kiểm tra, phòng thư ký, phòng làm việc chung, phòng làm việc của lãnh đạo Ban chấm thi; có đủ các trang thiết bị, phương tiện phòng cháy, chữa cháy… phục vụ cho chấm thi.

"Các phòng chấm thi được bố trí hợp lý và an toàn; số lượng cán bộ chấm thi, Công an, bảo vệ, nhân viên phục vụ đáp ứng yêu cầu quy định của Quy chế thi và hướng dẫn của ngành Giáo dục; phối hợp với lực lượng Công an để triển khai công tác an ninh, an toàn cho khu vực chấm thi, nhất là phòng bảo quản bài thi" - ông Nguyễn Xuân Hồng nhấn mạnh.

Phối hợp nhịp nhàng các bộ phận

Từ trái qua: Ông Trần Lê Đoài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định; NGƯT Cao Xuân Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định kiểm tra tại Trường THPT Giao Thủy.

Từ trái qua: Ông Trần Lê Đoài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định; NGƯT Cao Xuân Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định kiểm tra tại Trường THPT Giao Thủy.

Cũng theo đại diện Sở GD&ĐT Nam Định, công tác làm phách bài thi tự luận được triển khai từ 18h ngày 29/6 đến khi hoàn thành nhiệm vụ; quy trình làm phách theo phương thức một vòng đảm bảo theo đúng Quy chế thi.

Công tác chấm bài thi tự luận tại các tổ chấm được tổ chức tại Trường THPT Nguyễn Khuyến, TP Nam Định. Số cán bộ, giáo viên tham gia gồm 5 lãnh đạo ban (1 Trưởng ban và 4 phó ban); 162 cán bộ chấm thi chia thành 6 tổ chấm thi, mỗi tổ gồm 1 Tổ trưởng, 2 Tổ phó và 24 cán bộ chấm thi.

Trưởng Ban chấm thi tự luận đã ban hành Quyết định số 01/QĐ-BChTTL ngày 30/6/2023 thành lập Tổ chấm kiểm tra gồm 20 người (1 Tổ trưởng do 1 Phó trưởng ban kiêm nhiệm; 1 Tổ phó; 18 Cán bộ chấm kiểm tra). Tại đây cũng bố trí 5 chiến sĩ Công an tỉnh; Bảo vệ, phục vụ, y tế là 11 người.

Các thí sinh tan thi môn Ngữ văn tại điểm thi Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - TP Nam Định sáng 28/6.

Các thí sinh tan thi môn Ngữ văn tại điểm thi Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - TP Nam Định sáng 28/6.

Tương tự, Ban chấm thi trắc nghiệm đã khai mạc, học hướng dẫn chấm bài thi trắc nghiệm từ 14h ngày 30/6 tại Trường THPT Nguyễn Khuyến - TP Nam Định. Số cán bộ, giáo viên tham gia gồm 5 lãnh đạo ban (1 Trưởng ban; 4 Phó ban); 13 ủy viên; 4 ủy viên giám sát; 8 thư ký; 2 chiến sĩ Công an tỉnh; Bảo vệ, phục vụ, y tế là 5 người.

Ngoài ra, Ban thư ký hội đồng thi cũng được kiện toàn gồm 25 thành viên. Trong đó có 1 trưởng ban, 2 phó ban và 22 ủy viên.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Nam Định, thời hạn Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương công bố điểm thi của thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 vào đúng ngày 18/7. Do đó, công tác chấm thi phải vừa đảm bảo tính minh xác, chặt chẽ, đúng quy trình, vừa phải đúng tiến độ. Các nhân sự tham gia chấm thi phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, công tâm, nghiêm túc để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đánh giá của Sở GD&ĐT Nam Định sau khi kết thúc kỳ thi cho thấy, công tác chỉ đạo tổ chức thi tại 35 điểm thi trên toàn tỉnh được thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình; đảm bảo an ninh, an toàn tại các điểm thi. Công tác in sao, vận chuyển, bảo quản đề thi, bài thi được thực hiện đúng quy định, quy chế hiện hành...

Đình Tuệ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nam-dinh-to-chuc-cham-thi-tot-nghiep-thpt-dam-bao-dung-tien-do-post645474.html