Nắm gạo tình thương

Thời gian gần đây, tại tỉnh An Giang, nhiều cá nhân, đoàn hội, tổ chức tôn giáo đã có các hoạt động thiện nguyện như góp gạo phát cho người nghèo, mở quán cơm miễn phí giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn… Những hoạt động ý nghĩa ngày càng được nhân rộng, tô đẹp thêm truyền thống 'tương thân tương ái' của dân tộc.

Người dân đến dùng bữa tại quán cơm chay miễn phí Phước Thiện.

Người dân đến dùng bữa tại quán cơm chay miễn phí Phước Thiện.

Thời gian gần đây, tại tỉnh An Giang, nhiều cá nhân, đoàn hội, tổ chức tôn giáo đã có các hoạt động thiện nguyện như góp gạo phát cho người nghèo, mở quán cơm miễn phí giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn… Những hoạt động ý nghĩa ngày càng được nhân rộng, tô đẹp thêm truyền thống “tương thân tương ái” của dân tộc.

Mỗi tháng một nắm gạo

“Nắm gạo tình thương” là mô hình của Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Phú Vĩnh, thị xã Tân Châu. Lúc đó, trong xã có nhiều người nghèo cho nên Ban Trị sự đã bàn bạc, tìm cách giúp đỡ. “Nắm gạo tình thương” ra đời, kêu gọi người khá giả hỗ trợ mỗi tháng một nắm gạo dồn sức giúp người nghèo. Tổ vận động “Nắm gạo tình thương” ra đời vào tháng 6-2004, tới từng nhà vận động với thông điệp: Cùng nhau giúp một nắm gạo sẽ tạo thành một kho gạo to giúp những cảnh đời khó khăn. Rất nhiều người dân xúc động với cách làm này và đã nhiệt tình hưởng ứng.

Thành thông lệ, 16 năm qua, cứ vào ngày rằm (14-15 âm lịch), Tổ vận động đi góp gạo, còn người dân xã Phú Vĩnh với tinh thần “của ít lòng nhiều”, mỗi nhà đều tham gia đóng góp. Tổ nhận gạo, cân, ghi vào sổ theo dõi rồi nhanh chóng chia phát cho người nghèo. Mỗi tháng, người dân góp hơn 1,2 tấn gạo, tính ra trong 16 năm qua đã có hàng trăm tấn gạo giúp người nghèo ở xã Phú Vĩnh có bữa cơm ấm bụng.

Tại thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú, “Kho gạo tình thương” đã trở thành nơi chia sẻ với những hộ nghèo trong huyện. Bà Bùi Thị Hoàng Oanh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Cái Dầu chia sẻ, đây là kho gạo do Hội lập ra vào tháng 3-2018 để giúp người nghèo trong vùng bớt lo toan bát cơm, manh áo. Mấy tháng đầu, số gạo quyên góp được còn ít nhưng hơn sáu tháng sau, nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài huyện biết tin đã tham gia ủng hộ, thậm chí có người ủng hộ vài tấn, cho nên số lượng gạo tăng nhanh. Có kho gạo dồi dào, Hội đã mở rộng tặng gạo hộ nghèo bên ngoài thị trấn.

Lịch tặng gạo từ ngày 20 đến 25 hằng tháng. Tùy theo hoàn cảnh gia đình, mỗi hộ nghèo trong thị trấn được nhận từ 10 đến 20 kg, những người nghèo vãng lai hay ngoài huyện được tặng từ 5 đến 10 kg/gạo. Hiện nay, hơn 150 hộ được tặng gạo thường xuyên. Nhiều người được tặng gạo có hoàn cảnh hết sức khó khăn, già yếu, mất sức lao động như bà Nguyễn Thị Liễu, 73 tuổi, mưu sinh bằng nghề bán nước đá nhỏ lẻ; ông Nguyễn Văn Lẹ, 70 tuổi, hằng ngày đi lượm bọc, phế liệu để nuôi thân và nuôi cháu ngoại còn nhỏ tuổi... Ông Lẹ chia sẻ: “Nhờ có số gạo này, ông cháu tôi không phải lo đói, chạy gạo ăn từng bữa”.

Ấm lòng quán cơm từ thiện

Bệnh viện đa khoa tỉnh, các trường cao đẳng, đại học ở An Giang đóng tại phường Mỹ Phước, TP Long Xuyên cho nên các nhóm từ thiện cũng tập trung hoạt động tại đây. Nhóm bà Phan Kim The ngày nào cũng nấu cháo rồi khoảng 4 giờ sáng đem đến bệnh viện phát cho người nuôi bệnh, các lao công, bảo vệ, người bán vé số, chạy xe ôm… Một ngày như vậy, nhóm bà The phát hơn 300 bọc cháo cho hàng trăm người có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài nhóm bà The, không ít lần, các nhà hảo tâm cùng nhau góp tiền mua bánh mì đem đến bệnh viện tặng người nuôi bệnh.

Hoạt động thiện nguyện được nhiều người biết đến nhất là quán cơm chay miễn phí Phước Thiện do ông Nguyễn Văn Tấn, 74 tuổi, ngụ ở TP Long Xuyên thành lập. Quán nằm đối diện cổng bệnh viện. Từ 9 giờ đến 17 giờ 30 phút hằng ngày, quán luôn đông người tới ăn cơm. Đó thường là thợ hồ, thợ điện, người bán vé số, nhưng nhiều nhất vẫn là người đi nuôi bệnh, học sinh và sinh viên xa nhà. Anh Nguyễn Văn Bảo, 34 tuổi, ngụ huyện Tịnh Biên, An Giang có người thân nằm viện hơn một tuần, anh phải thăm nuôi. Những ngày đầu, anh đi ăn cơm tiệm, ăn hai bữa tốn hơn 50.000 đồng/ngày, là khoản chi phí không hề nhỏ đối với anh và gia đình. Thế rồi, qua giới thiệu của những người nuôi bệnh chung phòng, anh biết đến quán cơm Phước Thiện. Nhờ tiết kiệm được khoản tiền ăn uống hằng ngày, anh Bảo phần nào vơi bớt nỗi lo về chi phí ngày càng tăng trong thời gian nuôi bệnh.

Là cơm chay miễn phí nhưng ở quán Phước Thiện cơm nấu từ gạo tốt, thực đơn lại đa dạng và được thay đổi hằng ngày giúp người ăn ngon miệng. Ông Huỳnh Văn Thái, 60 tuổi, làm nghề bán vé số dạo ở TP Long Xuyên là khách hàng quen thuộc của quán chay từ thiện cho biết, do dịch Covid-19 bùng phát cho nên thu nhập hằng ngày của ông đã ít nay lại càng ít hơn. Nhờ có những quán ăn từ thiện, người có hoàn cảnh khó khăn như ông đỡ lo tiền ăn uống hằng tháng.

Ông Nguyễn Văn Tấn, người lập quán cơm chay Phước Thiện chia sẻ, mỗi ngày quán nấu hơn 130 kg gạo phục vụ miễn phí cho hàng trăm lượt người có hoàn cảnh khó khăn. Trước đây, ông Tấn từng cùng với nhiều nhà hảo tâm mở quán cơm chay từ thiện ở huyện Phú Tân (An Giang). Lúc mở quán, người góp gạo, thực phẩm, người góp sức bằng việc nấu ăn. Nhờ đó, nhiều người nghèo, học sinh ở huyện Phú Tân không còn phải nghĩ đến cảnh bữa no, bữa đói. Từ kết quả tốt đẹp đó, ông Tấn thấy nhiều người nghèo, bệnh nhân, học sinh và sinh viên tại TP Long Xuyên có hoàn cảnh khó khăn cho nên quyết tâm mở thêm quán chay từ thiện tại TP Long Xuyên. Ông Tấn vốn nổi tiếng với các hoạt động từ thiện ở An Giang cho nên khi đi vận động, nhiều bạn bè, nhà hảo tâm đã hết lòng ủng hộ. Người cho mượn đất gần bệnh viện để mở quán, người ủng hộ gạo, rau củ quả, củi, bình gas. Khai trương ngày 30-8-2017, ban đầu, quán chỉ nấu vài chục suất ăn/ngày, vài tháng sau đã tăng lên vài trăm suất/ngày và đến nay đã vài nghìn suất/ngày. Tại quán, luôn có hơn 13 người trong và ngoài tỉnh tự nguyện làm giúp. Họ thức dậy từ hơn 2 giờ sáng để chuẩn bị mọi thứ rồi âm thầm nấu nướng, bày biện và phục vụ những mảnh đời còn thương khó.

Bài và ảnh: THANH DŨNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/nhan-ai/item/43820902-nam-gao-tinh-thuong.html