'Nằm giá, khóc măng' là một hay hai điển tích?
Độc giả Hoài Nam hỏi: 'Trong chuyên mục Cà kê chuyện chữ nghĩa số trước tôi có đọc bài giải thích về thành ngữ 'Quạt nồng ấp lạnh' kể về sự tích tấm gương hiếu thảo của cậu bé Hoàng Hương đời Đông Hán. Theo tôi biết thì nói về gương hiếu thảo còn có tích 'Nằm giá khóc măng'. Từ điển của Nguyễn Lân giải thích đây là tích truyện kể về một người con có hiếu đi kiếm măng cho mẹ, vì không thấy măng, nên nằm trên tuyết khóc, cuối cùng măng thương tình mọc lên. Từ đó mới có thành ngữ Nằm giá khóc măng. Nhưng có người lại cho rằng 'Nằm giá khóc măng' là hai tích truyện kể về hai tấm gương chứ không phải một.
Vậy xin chuyên mục cho biết “Nằm giá khóc măng” là một hay hai tích truyện”.
Trả lời:
Trong cả hai cuốn sách Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam và Từ điển từ và ngữ Việt Nam, GS Nguyễn Lân đều giảng như sau: “nằm giá khóc măng (theo một truyện trong nhị thập tứ hiếu: một người con có hiếu đi kiếm măng cho mẹ, không thấy măng, nằm trên tuyết khóc, măng thương tình mọc lên cho anh lấy). Nói người con có hiếu hết lòng vì cha mẹ. Tuy không nằm giá khóc măng, nhưng anh tích cực làm việc ngày đêm để có tiền nuôi mẹ ốm”.
Tuy nhiên, đúng như độc giả Hoài Nam viết. “Nằm giá, khóc măng” thực chất là cách gọi tắt hai tấm gương hiếu thảo của hai người con: Một là Vương Tường nằm giá để tìm cá chép cho mẹ kế; một là Mạnh Tông nuôi mẹ ốm, ngồi khóc dưới khóm trúc khiến trúc sinh măng, đem về nấu canh cho mẹ. Không phải là “một người” như GS. Nguyễn Lân giải thích.
Cụ thể, Ngọa băng (nằm giá) là truyện Ngọa băng cầu lý (Nằm trên băng tìm cá chép), kể về Vương Tường đời Tấn, mẹ mất sớm, ở với cha và mẹ kế. Mẹ kế chua ngoa, đặt điều nói xấu, khiến “lòng cha chẳng còn yêu như trước”. Nhưng Vương Tường không oán ghét mẹ kế, mà vẫn ăn ở rất có hiếu. Một hôm, mẹ kế nói thèm bữa cá chép tươi, nhưng “Giá đông trời lạnh tìm đâu bây giờ”. Vì có hiếu với mẹ cha, nên Vương Tường đã “ngọa băng cầu lý”, khiến cha mẹ phải “đổi giận làm lành”:
Trên váng đóng quyết cầu cho thấy,
Cởi áo nằm rét mấy cũng vui.
Bỗng đâu váng lở làm hai,
Lý ngư may được một đôi đem về.
(Nhị thập tứ hiếu toàn tập - Kim Khánh - Nhà Xuất bản Đà Nẵng - 2007).
Khóc măng là truyện Khốc trúc, hay Khốc trúc sinh duẫn (Khóc trúc sinh măng). Mạnh Tông người đời Tam Quốc, mồ côi cha, ở với mẹ, tính chí hiếu. Một hôm mẹ ốm, thèm canh măng, nhưng khi ấy đương mùa đông, chẳng cây măng nào mọc. Mạnh Tông thương mẹ, đi vào rừng tìm măng, ngồi khóc bên bụi trúc, giữa trời giá lạnh. Bỗng những cây măng từ đất mọc lên. Mạnh Tông vô cùng mừng rỡ đem về nấu canh cho mẹ ăn, khiến bà khỏi bệnh. Người đời cho rằng nết hiếu của Mạnh Tông đã động tới đất trời. Về sau một loại măng ăn rất ngon, được đặt tên là măng Mạnh Tông (nay trong các siêu thị cũng có bán một loại măng tên là măng Mạnh Tông):
Một thân ngồi tựa gốc tre,
Ôm cây kêu khóc nằn nì với cây.
Giữa bình địa phút giây bỗng nứt,
Mấy giò măng mặt đất nổi lên.
(Nhị thập tứ hiếu toàn tập - sách đã dẫn).
Như vậy, cùng là “tứ tự thành ngữ” (thành ngữ 4 chữ), nhưng nếu như Quạt nồng ấp lạnh nói về tấm gương hiếu của cậu bé Hoàng Hương thời Đông Tấn, thì Nằm giá, khóc măng lại là hai điển tích về hai người con hiếu thảo là Vương Tường đời Tấn và Mạnh Tông đời Tam Quốc.