Nam giới châu Á sẵn sàng 'dao kéo' để tìm việc, kiếm người yêu?
Không ngại bỏ ra số tiền lớn để phẫu thuật thẩm mỹ, nhiều thanh niên Trung Quốc, Hàn Quốc hay Thái Lan coi đây như 'lối tắt' giúp đem lại thuận lợi trong cuộc sống, công việc.
Lần đầu tiên Zhao Hongshan tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ là vào 4 năm trước, khi anh tiêm chất làm đầy vào da để xóa mờ nếp nhăn. Kể từ đó, người đàn ông 33 tuổi đã chi 80.000 nhân dân tệ (khoảng 260 triệu đồng) để tân trang gương mặt, bao gồm cả phẫu thuật mí mắt.
“Phẫu thuật thẩm mỹ cũng như tập thể hình thôi, cả hai đều khiến ta đẹp trai và tự tin hơn”, người đàn ông sở hữu một phòng tập gym ở Bắc Kinh (Trung Quốc) nói.
Zhao là một trong số ngày càng nhiều đàn ông tại đất nước tỷ dân nói riêng và châu Á nói chung tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ để trở nên tự tin hoặc giúp thuận lợi hơn trong cuộc sống.
Làm đẹp đâu còn là "đặc quyền" của phụ nữ
3 năm trước, Ratchadapong Prasit (25 tuổi) là chàng trai Thái Lan bình thường, thậm chí sở hữu ngoại hình có phần "kém sắc".
Prasit ước mơ trở thành vũ công, từng 7 lần đến một nhà hát ở Pattaya để thử sức nhưng đều bị từ chối với nhiều lý do khác nhau. Anh hiểu vẻ ngoài không ưa nhìn của mình là một trong số đó. Hơn nữa, chẳng có người phụ nữ nào thực sự muốn hẹn hò với Prasit.
Sau 2 năm dành dụm tiền, trải qua khoảng 30 lần phẫu thuật lớn nhỏ với số tiền lên tới 300.000 baht (gần 214 triệu đồng), chàng trai 26 tuổi đã sở hữu gương mặt điển trai không kém các tài tử nổi tiếng.
Sự "lột xác" và câu chuyện của Prasit từng "gây bão" mạng xã hội Thái Lan năm 2018.
Diện mạo đẹp cũng khiến cuộc sống của Prasit thay đổi theo hướng tích cực. Không chỉ nổi tiếng trên mạng xã hội, Prasit còn thực hiện được ước mơ trở thành vũ công. Anh đã lọt vào tới vòng chung kết cuộc thi One Man tại xứ sở chùa Vàng nhờ bình chọn của khán giả.
Theo Gengmei - một ứng dụng mạng xã hội dành cho phẫu thuật thẩm mỹ - thị trường y học thẩm mỹ ở Trung Quốc năm 2018 có giá trị hơn 495 tỷ nhân dân tệ. Trong đó, đối tượng khách hàng là nam giới chiếm 15%.
“Có khoảng 20% bệnh nhân của tôi là nam giới. Một số muốn loại bỏ mụn trứng cá và trông đẹp hơn khi chụp ảnh cưới, số khác thì gặp rắc rối với chứng hói đầu và hy vọng sẽ trông trẻ trung hơn sau khi cấy tóc”, Zhang, bác sĩ da liễu tại một bệnh viện thẩm mỹ tư nhân ở Bắc Kinh, nói.
Theo các bác sĩ, cấy ghép tóc, xóa bọng mắt, trị mụn và chỉnh nha cũng là những thủ thuật thẩm mỹ được các đấng mày râu yêu cầu nhiều nhất. Bên cạnh đó, nhiều chàng trai còn mạnh dạn đầu tư "tạc cơ bụng" để có thân hình 6 múi quyến rũ trong thời gian ngắn nhất.
Wang Jun - phó giám đốc marketing của Gengmei - cho biết xu hướng nam giới trẻ tuổi tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ ngày càng tăng, hầu hết là thanh thiếu niên và trong độ tuổi 20.
Theo đó, những áp lực từ xã hội và quan niệm sai lầm rằng đẹp là “đường tắt” để đi tới thành công thường là những nguyên nhân khiến họ chọn “dao kéo”.
“Một số thì chỉ đơn giản là muốn làm hài lòng chính bản thân họ, trong khi số khác lại hy vọng một gương mặt ưa nhìn hơn sẽ giúp tìm được việc làm hoặc cải thiện tình trạng hẹn hò”, Wang nói.
Theo Korea Herald, nghiên cứu được thực hiện bởi một trang web việc làm của Hàn Quốc cho thấy 44% nam sinh viên đại học dự tính sẽ phẫu thuật thẩm mỹ trong tương lai.
Hiệp hội bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Hàn Quốc cũng ước tính rằng tỷ lệ đàn ông nước này đã phẫu thuật thẩm mỹ trong năm 2010 là khoảng 15%.
Chang Li, một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình ở Bắc Kinh, đều đặn tiêm dưới da 3 lần mỗi năm để cải thiện da mặt. Người đàn ông 39 tuổi hài lòng với kết quả khi anh trông trẻ hơn khá nhiều so với tuổi thật.
Chang nhận định trong xã hội hiện đại, đàn ông ngày càng phải chịu nhiều áp lực xã hội không kém phụ nữ. Sự tự tin, khả năng cạnh tranh của họ cũng sẽ giảm đi phần nào nếu sở hữu một gương mặt có khiếm khuyết.
“Tại sao lại không xóa mờ những dấu hiệu lão hóa nếu ta có thể?”, Chang đặt câu hỏi.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Trang điểm và phẫu thuật thẩm mỹ không chỉ còn là “lãnh địa” của phụ nữ, trong bối cảnh phái mạnh ngày càng hướng đến cái đẹp và không ngần ngại để có được vẻ ngoài "đạt chuẩn" của xã hội.
Theo Andrew Dunne, giảng viên ĐH Chosun ở Gwangju, nhiều người Hàn Quốc xem phẫu thuật thẩm mỹ là một khoản đầu tư xứng đáng.
Ông cũng chỉ ra tại xứ sở kim chi, những định kiến liên quan đến vẻ ngoài rất phổ biến và tồn tại trong nhiều khía cạnh của cuộc sống.
Hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã cũng đã phỏng vấn 86 người ngẫu nhiên trên mạng. Theo đó, có khoảng 77% cho rằng việc nam giới phẫu thuật thẩm mỹ là lựa chọn cá nhân của họ và quyết định đó nên được tôn trọng.
Tuy nhiên, dù đem lại hiệu quả không thể phủ nhận, phẫu thuật thẩm mỹ cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các đấng mày râu.
Fan Jufeng, giám đốc khoa Phẫu thuật thẩm mỹ tại bệnh viện Triều Dương Bắc Kinh, không khuyến khích bất cứ ai, dù là nam hay nữ, mù quáng chạy theo cơn sốt dao kéo.
Theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, có 2.772 trường hợp liên quan đến phẫu thuật thẩm mỹ bất hợp pháp được phát hiện và xử lý trong các đợt truy quét bắt đầu từ tháng 5/2017.
Ông Fan cũng cảnh báo về tác động tiêu cực của người nổi tiếng trên các trang livestream, khi họ cổ vũ những quan điểm sai lệch như “có sắc đẹp là có tất cả”.
“Kể cả khi phẫu thuật thẩm mỹ là lựa chọn cá nhân, mọi người không nên quá phụ thuộc vào nó tới mức ‘nghiện’. Sau tất cả, một thế giới nội tâm phong phú và đẹp đẽ vẫn quan trọng hơn nhiều so với một gương mặt xinh đẹp”, ông nói.