Nam giới Việt áp lực phải trở thành 'đàn ông đích thực'
Do còn mang nặng tư tưởng 'đàn ông phải là trụ cột trong gia đình', hơn 80% nam giới cảm thấy áp lực về tình trạng tài chính, 70% không hài lòng với công việc.
Đó là kết quả của nghiên cứu “Nam giới và nam tính tại Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa” vừa được Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) công bố.
TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng ISDS, trưởng nhóm nghiên cứu - khẳng định nỗ lực bình đẳng giới sẽ là khập khiễng nếu chỉ quan tâm đến phụ nữ mà bỏ qua đàn ông.
Bất chấp quá trình toàn cầu hóa và đô thị hóa, các chuẩn mực giới truyền thống vẫn tồn tại ở Việt Nam. Theo đó, nam tính vẫn gắn liền với đặc tính sinh học, khả năng lao động và tiềm năng kinh tế của nam giới. Do đó, nam giới được mong đợi đóng vai trò trụ cột của gia đình.
Điều này gây ra áp lực lớn đối với nam giới và có thể dẫn đến những lo ngại về sức khỏe tâm thần.
“Đàn ông phải là trụ cột gia đình”
Mẫu hình một người đàn ông Việt Nam được mong muốn nhất (nam tính chủ đạo) được mô tả trong hình mẫu “người đàn ông đích thực”.
Theo quan điểm của 2.567 nam giới tham gia khảo sát (ở độ tuổi 18-64, sống tại Hà Nội, TP.HCM, Khánh Hòa và Hòa Bình), những phẩm chất được coi là phải có ở “người đàn ông đích thực” bao gồm ít nhất 23 tiêu chí thuộc 4 lĩnh vực: sự nghiệp, năng lực và tính cách, sinh lực, bổn phận đối với gia đình.
Trong đó, phần lớn đối tượng khảo sát - bất kể độ tuổi, hoàn cảnh xuất thân và địa bàn sinh sống - đều nhấn mạnh giá trị trọng tâm của “người đàn ông đích thực” là vai trò trụ cột gia đình.
Đó được coi là biểu tượng của nam tính đối với đàn ông Việt Nam, mà họ khẳng định vai trò đó chỉ có thể do nam giới đảm nhận chứ không thể là phụ nữ.
Tuy nhiên, nhóm nam giới trẻ, sống ở khu vực đô thị, có học vấn cao và tham gia nhiều vào toàn cầu hóa dường như có ít quan niệm, thực hành liên quan tới những chuẩn mực nam tính truyền thống, cứng nhắc.
Trong khi đó, những nam giới nhiều tuổi hơn, tham gia tích cực vào các nhóm xã hội, ủng hộ những chuẩn mực mang tính định kiến về giới, có trải nghiệm về bạo lực thời thơ ấu có quan điểm truyền thống hơn về “người đàn ông đích thực”. Họ thường có xu hướng kiểm soát/sử dụng bạo lực đối với vợ/bạn tình của mình và ưa thích con trai hơn.
Tác động tiêu cực
Các tiêu chí về “người đàn ông Việt Nam đích thực” được đề ra quá cao khiến nam giới phải cố gắng không ngừng để đạt được chúng. Họ phải đối mặt với áp lực xã hội rất lớn.
Gắn với quan niệm đàn ông là trụ cột gia đình, nam giới có xu hướng cho rằng một trong những bổn phận hàng đầu của họ là nuôi sống gia đình. Bởi vậy, có việc làm được trả lương cao đã trở thành một biểu tượng quan trọng về nam tính.
Thực tế, tài chính và sự nghiệp là hai vấn đề gây áp lực lớn nhất cho nam giới cả nông thôn và thành thị. Gần 1/4 đối tượng tham gia khảo sát thừa nhận họ cảm thấy áp lực trong cuộc sống. Trong đó, hơn 80% cảm thấy bị áp lực về tình trạng tài chính, gần 70% gặp áp lực về sự nghiệp.
Những áp lực này có xu hướng giảm dần theo độ tuổi, song lại gia tăng theo trình độ học vấn và thời gian làm việc.
Theo nhóm tác giả nghiên cứu, những áp lực trên có thể gây tác động bất lợi tới sức khỏe tâm thần của nam giới, đặc biệt là nhóm nam giới trẻ, sống ở khu vực đô thị.
Gần 3% số nam giới tham gia khảo sát có ý định tự tử. Tỷ lệ này tăng tới 5,4% (cao nhất) trong nhóm 18-29 tuổi. Theo đó, nguyên nhân có thể là trong khi nhóm nam nhiều tuổi hơn đã ổn định cuộc sống gia đình và sự nghiệp, nhóm nam giới trẻ gặp áp lực lớn về việc xây dựng gia đình, sự nghiệp.
Đặc biệt, đàn ông ở khu vực đô thị chịu áp lực lớn hơn bởi nơi đây có sự cạnh tranh mạnh và chi phí cho cuộc sống đắt đỏ hơn.
Hơn nữa, để đối phó với áp lực và tình trạng căng thẳng, nhiều đàn ông Việt đã tìm đến những thực hành có hại. Trong đó, hút thuốc lá và uống rượu bia là hai hành vi phổ biến nhất. Cụ thể, cứ 10 nam giới thì có 7 người hút thuốc lá, có 6 người đã từng uống tới say xỉn ít nhất một lần trong đời.
Còn giữ nhiều chuẩn mực mang định kiến giới
Một tỷ lệ cao nam giới đã nhập tâm các chuẩn mực giới thiên lệch (mang tính định kiến về giới), phản ánh những mong đợi về vai trò, giá trị, năng lực và khát vọng của đàn ông và phụ nữ.
Cứ 3 nam giới thì có 2 người tin rằng đàn ông làm việc hiệu quả hơn phụ nữ, đặc biệt là trong vai trò lãnh đạo. Trên 92% đối tượng khảo sát cho rằng thiên chức của phụ nữ là chăm sóc gia đình, trở thành hậu phương vững chắc cho chồng phát triển sự nghiệp.
Khảo sát cũng chỉ ra những nam giới khi còn nhỏ đã được dạy hoặc thường được nghe về các chuẩn mực giới thiên lệch sẽ có xu hướng tuân thủ chúng nhiều hơn khi họ trưởng thành.
Ngoài ra, những nam giới có những chuẩn mực giới thiên lệch về nam giới cũng có sự thiên lệch đối với phụ nữ và ngược lại.
Điểm sáng là trong khi các chuẩn mực giới truyền thống được chấp nhận rộng rãi ở đàn ông Việt Nam, nhóm nam giới trẻ tuổi, sống ở đô thị, có học vấn cao và tiếp cận nhiều hơn tới toàn cầu hóa có xu hướng ít chịu ảnh hưởng của những khuôn mẫu truyền thống, cứng nhắc hay chuẩn mực mang tính định kiến đối với phụ nữ.
Đặc biệt, thái độ của nhóm nam thanh niên thuộc thế hệ Thiên niên kỷ (sinh từ năm 1981 đến 1996) ở đô thị về nam tính, hôn nhân, gia đình, phụ nữ và bình đẳng giới đang chuyển dịch theo hướng tích cực hơn.
Ví dụ, 38,8% nam giới đô thị trong độ tuổi 18-29 chia sẻ việc nấu ăn với vợ so với 24,4% nam giới ở độ tuổi từ 60 trở lên. Ở vùng nông thôn, tỷ lệ này tương ứng là 29,4% so với 18,1%. Đây là những dấu hiệu của lệch chuẩn tích cực so với phân công lao động giới truyền thống.