Nậm Giôn nỗ lực giảm nghèo

Trung tuần tháng 10, chúng tôi trở lại xã Nậm Giôn, huyện Mường La, con đường nhựa dài hơn 70 km nối từ thị trấn Ít Ong đến trung tâm xã đi lại khá thuận lợi, thay thế cho việc di chuyển bằng đường thủy, thuyền máy trước đây. Mùa này, hai bên đường những nương sắn cao sản, vườn cây ăn quả trải dài trên nương đồi.

Phát triển chăn nuôi đại gia súc nhốt chuồng, mang lại hiệu quả kinh tế cho hộ chăn nuôi xã Nậm Giôn, huyện Mường La.

Phát triển chăn nuôi đại gia súc nhốt chuồng, mang lại hiệu quả kinh tế cho hộ chăn nuôi xã Nậm Giôn, huyện Mường La.

Là xã vùng III, Nậm Giôn hiện có 15 bản, với 851 hộ dân, thuộc 3 dân tộc Kháng, Mông và La Ha. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, từng bước xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng chí Quàng Văn Khiên, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Giôn, cho biết: Hiện nay, toàn xã còn 398 hộ nghèo. Đảng ủy đã chỉ đạo rà soát số hộ nghèo và giao chỉ tiêu giảm nghèo cho từng bản; lồng ghép các nguồn vốn, chương trình 30a, 135, Dự án hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội các dân tộc thiểu số ít người... Hỗ trợ hộ nghèo chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, trồng sắn cao sản, ngô lai, các loại lúa giống đặc sản... Ngoài kêu gọi hỗ trợ xóa nhà tạm, xây dựng nhà đại đoàn kết, xã đã phân công cán bộ, công chức phối hợp với Ban quản lý các bản giúp đỡ ngày công lao động sửa chữa nhà ở, chuồng trại chăn nuôi, hỗ trợ cây, con giống, vốn đầu tư sản xuất... Nhờ đó, đến cuối năm 2021, xã đã có hơn 35 hộ thoát nghèo.

Tạo điều kiện cho người dân có vốn đầu tư phát triển sản xuất, các tổ chức đoàn thể của xã đã nhận ủy thác với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường La hơn 12,4 tỷ đồng cho trên 500 hộ dân vay vốn. Phối hợp với Phòng Nông nghiệp, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, một số công ty giống, phân bón tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất cho người dân. Hàng năm, nông dân trong xã gieo trồng 900 ha ngô lai; 210 ha trồng lúa; 510 ha sắn cao sản... sản lượng lương thực đạt trên 5.100 tấn/năm; chăn nuôi trên 2.700 con trâu, bò; hơn 3.900 con dê, lợn. Ngoài ra, còn nuôi 156 lồng cá các loại, sản lượng đạt 3,2 tấn cá/năm; chăm sóc 130 ha cây ăn quả; trồng 60 ha cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn cho đàn gia súc.

Anh Lò Văn Pau, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Huổi Lẹ, xã Nậm Giôn, cho biết: Bản có 100% số hộ là đồng bào dân tộc La Ha. Bà con đã canh tác 95 ha ngô lai, hơn 30 ha sắn, trồng gần 20 ha cây ăn quả, 10 ha cỏ voi; chăn nuôi trên 200 con trâu, bò, hơn 400 con dê, lợn, trên 2.000 con gia cầm. Bản có trên 30 hộ có thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/năm. Trung bình mỗi năm có từ 3 - 5 hộ thoát nghèo...

Còn anh Mùa A Dệnh, bản Huổi Trà, xã Nậm Giôn, phấn khởi: Thấy đất nương của gia đình phù hợp với trồng sắn cao sản, vụ năm 2021, gia đình tôi trồng 5 ha sắn cao sản BK, KM98-7, thu hoạch được gần 100 tấn củ tươi, thu hơn 140 triệu đồng, sản phẩm được thương lái đến tận nơi thu mua. Năm nay, gia đình tôi trồng 8 ha sắn cao sản, hiện cây sắn đang phát triển tốt, ước vụ này sản lượng đạt trên 150 tấn, ước thu trên 200 triệu đồng.

Là một trong những hộ gia đình tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, bà Quàng Thị Xiên, bản Huổi Tao, chia sẻ: Gia đình tôi vay 40 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư nuôi trâu, bò nhốt chuồng và trồng 3 ha sắn cao sản, 2 ha ngô lai. Những năm qua, gia đình duy trì nuôi thường xuyên trên 10 con trâu, bò; hơn 10 con dê, trên 100 con gia cầm/lứa, mỗi năm thu nhập hơn 200 triệu đồng từ chăn nuôi, trồng trọt. Tôi đã làm được ngôi nhà mới khang trang; có thêm vốn để đầu tư sản xuất.

Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống dưới 30% vào năm 2025, với sự hỗ trợ của Nhà nước, cấp ủy, chính quyền xã Nậm Giôn tiếp tục lãnh đạo nhân dân phát huy ý chí tự lực vươn lên; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, từng bước nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Trường Sơn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nam-gion-no-luc-giam-ngheo-54277