Xây dựng cơ sở giết mổ tập trung ở các huyện - 'bài toán' khó giải

Việc xây dựng cơ sở giết mổ tập trung đang là 'bài toán' khó giải với nhiều địa phương ở Hải Dương, nhất là kiểm soát giết mổ ở các huyện.

Cơ sở giết mổ gia cầm của Công ty TNHH Chicken P.T là một trong số ít cơ sở giết mổ được đầu tư bài bản nhưng chỉ phục vụ việc giết mổ gia cầm của doanh nghiệp

Cơ sở giết mổ gia cầm của Công ty TNHH Chicken P.T là một trong số ít cơ sở giết mổ được đầu tư bài bản nhưng chỉ phục vụ việc giết mổ gia cầm của doanh nghiệp

Hàng nghìn cơ sở giết mổ nhỏ lẻ

Gia trại chăn nuôi của ông Nguyễn Văn Hùng ở xã Hiệp Cát (Nam Sách) nuôi gần 100 con lợn thịt. Toàn bộ lợn thịt được cơ sở này tự giết mổ trước khi đưa ra thị trường. Lượng giết mổ ít nên không phải đầu tư cơ sở vật chất. Đây là ưu điểm lớn nhất của việc giết mổ nhỏ lẻ. Tuy nhiên, sau đó là hàng loạt vấn đề kèm theo về môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Hùng chia sẻ: "Giết mổ tập trung tất nhiên là sạch hơn nhưng phải di chuyển đêm hôm, đường xa vừa bất tiện lại tăng chi phí vận chuyển. Mỗi ngày gia đình tôi chỉ giết mổ 1 - 2 con lợn để phục vụ nhu cầu của người dân địa phương. Vào những dịp lễ Tết, nhu cầu của người dân tăng thì chúng tôi cũng chủ động được nguồn cung. Hơn nữa thịt được giết mổ thủ công, không dấu kiểm dịch khi mang ra chợ vẫn bán bình thường giống như thịt giết mổ công nghiệp".

Chợ Vé ở xã Đồng Tâm (Ninh Giang) nổi tiếng với món đặc sản thịt trâu. Ở đây đang tồn tại nhiều điểm giết mổ trâu nhỏ lẻ trong khu dân cư. Theo quy hoạch của tỉnh và huyện, các xã Đồng Tâm, Tân Hương dành hơn 3 ha để xây dựng cơ sở giết mổ bán công nghiệp loại II với công suất từ 5 - 10 con trâu, bò; 50 - 100 con lợn, 200 - 300 con gia cầm/ngày. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa triển khai được.

Hiện nay, việc xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung ở các huyện còn lại cũng rất khó khăn. Nguyên nhân chính do ở nhiều nơi địa bàn rộng, vận chuyển gia súc sống đến lò mổ, sau đó vận chuyển thịt đến chợ, cộng với công giết mổ khiến chi phí tăng lên từ 500.000-600.000 đồng/con. Một nguyên nhân khác là lực lượng kiểm dịch viên tại các địa phương quá mỏng, không đáp ứng được yêu cầu kiểm dịch giết mổ.

Các điểm giết mổ nhỏ lẻ thường tự phát, tự tiêu thụ, gắn với thói quen sinh hoạt của người dân nên rất khó quản lý cũng như quy hoạch lại theo đúng quy định của ngành chăn nuôi. Việc các cơ sở này tồn tại ngay cạnh các khu dân cư sinh sống là nguồn đe dọa lây lan các dịch bệnh rất lớn, gây ô nhiễm môi trường và mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có hàng nghìn cơ sở giết mổ nhỏ lẻ với phương thức thủ công không được chính quyền địa phương cấp phép hoạt động. Trong khi đó, nguồn kinh phí xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung lại rất lớn, lên đến hàng chục tỷ đồng, đặc biệt là chi phí cho việc xử lý chất thải, nước thải bảo đảm vệ sinh môi trường. Các cơ sở giết mổ tập trung vì thế vẫn khó cạnh tranh với cơ sở giết mổ nhỏ lẻ.

Doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư

Toàn tỉnh Hải Dương mới chỉ có 4 cơ sở giết mổ gia súc tập trung

Toàn tỉnh Hải Dương mới chỉ có 4 cơ sở giết mổ gia súc tập trung

Cơ sở giết mổ gia cầm của Công ty TNHH Chicken P.T ở xã Cẩm Phúc (Cẩm Giàng) là một trong số ít cơ sở giết mổ cơ bản đáp ứng các điều kiện về môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Cơ sở này được Dự án LIFSAP hỗ trợ đầu tư xây dựng từ năm 2016 với công suất giết mổ từ 3 - 5 tấn/ngày. Tuy nhiên, cơ sở này chỉ phục vụ việc giết mổ gia cầm từ các trại của công ty và các trại liên kết. Gia cầm được giết mổ, sơ chế, cấp đông và vận chuyển đến các bếp ăn tập thể trong tỉnh.

Chị Nguyễn Thị Tuyền, quản lý cơ sở giết mổ gia cầm của Công ty TNHH Chicken P.T cho biết, hiện không ít cơ sở giết mổ tập trung ở các tỉnh, thành phố khác "chết yểu" chỉ sau thời gian ngắn hoạt động bởi khi chuyển sang giết mổ công nghiệp, chi phí giết mổ sẽ cao hơn và phải chịu sự quản lý gắt gao về quy trình sản xuất thực phẩm. "Chúng tôi hoàn toàn có tiềm lực để đầu tư, nâng cấp mở rộng dây chuyền giết mổ. Tuy nhiên, khi mở rộng quy mô, doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh với tiểu thương của các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Doanh nghiệp phải chịu nhiều khoản chi phí, lệ phí, sản phẩm đưa vào giết mổ phải được kiểm soát chất lượng chặt chẽ trong khi các tiểu thương không phải trả chi phí nào, rất khó kiểm soát chất lượng.

Năm 2017, UBND tỉnh Hải Dương đã có quyết định phê duyệt Quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đến năm 2025, định hướng năm 2030. Mục tiêu chung của tỉnh là từng bước xóa bỏ các điểm giết mổ nhỏ lẻ và hình thành cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; cung cấp sản phẩm động vật an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Đồng thời bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.

Theo đó, đến năm 2025, Hải Dương duy trì 2 cơ sở giết mổ lợn sữa là Công ty TNHH Thắng Lợi (TP Hải Dương) và Công ty CP Hương Quỳnh Đăng (Ninh Giang); quy hoạch phát triển 4 cơ sở giết mổ công nghiệp loại I với diện tích mỗi cơ sở khoảng 2 ha. Tỉnh cũng sẽ xây 35 cơ sở bán công nghiệp loại II với diện tích từ 0,5 – 1ha. Thành lập 102 cơ sở thủ công tập trung loại III bảo đảm sản lượng thịt hơi (không kể lợn sữa) được giết mổ tập trung chiếm khoảng 50% sản lượng tiêu thụ trong tỉnh và khoảng 65% sản lượng tiêu thụ ngoài tỉnh.

Chính phủ cũng ban hành Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Theo đó, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm sẽ được hỗ trợ 60% kinh phí đầu tư và không quá 15 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị trong hàng rào dự án.

Tuy nhiên, thực tế đến nay, ngoài 2 cơ sở giết mổ lợn sữa xuất khẩu thì toàn tỉnh mới chỉ có 4 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Trong đó, chỉ có duy nhất 1 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung ở phường Thạch Khôi (TP Hải Dương). 3 điểm giết mổ còn lại đều phục vụ việc giết mổ gia cầm của chính các doanh nghiệp đầu tư.

Thực tế cho thấy, do nhiều nguyên nhân khách quan nên chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi dây chuyền giết mổ gia súc. Những doanh nghiệp đã bỏ vốn đầu tư hiện cũng gặp khó khăn, nhất là ở các huyện. Việc chỉ đạo phối hợp giữa các cấp, các ngành còn chưa đồng bộ, chính quyền một số địa phương ở huyện và xã chưa thực sự quan tâm đến công tác an toàn thực phẩm nên việc thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân còn hạn chế. Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động giết mổ, kinh doanh, vận chuyển gia súc, gia cầm chưa đồng bộ, hiệu quả.

Ông Vũ Văn Hoạt, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Dương cho biết, theo quy hoạch, Hải Dương dành 65 ha đất để xây dựng cơ sở giết mổ tập trung. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là rất ít doanh nghiệp muốn đầu tư vào lĩnh vực này. Việc đầu tư ở cấp huyện cũng nhiều bất cập do địa bàn các xã cách xa nhau, nếu giết mổ tập trung thì nhiều chi phí phát sinh tăng cao, nhất là chi phí vận chuyển. Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm đều hoạt động kém hiệu quả trong khi chi phí đầu tư lớn. Thói quen tiêu dùng thực phẩm tươi sống của người dân cũng khiến các doanh nghiệp không mặn mà đầu tư...

Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng chú trọng tới chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm thì việc xây dựng cơ sở giết mổ tập trung sẽ đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an toàn thực phẩm từ khâu chăn nuôi tới chế biến. Làm tốt công tác giết mổ tập trung là chìa khóa để nâng cao chất lượng đàn vật nuôi theo hướng “tự giác từ gốc” của các hộ chăn nuôi, đây cũng là tiền đề để xây dựng chuỗi chế biến sạch.

Khó khăn cho công tác kiểm dịch động vật

Hiện nay, tại xã Nam Hồng (Nam Sách) có hơn chục điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ. Hoạt động giết mổ chủ yếu diễn ra vào ban đêm, các điểm giết mổ nằm cách xa nhau nên rất khó kiểm soát.

Hoạt động giết mổ trong điều kiện không bảo đảm vệ sinh dễ làm thịt bị nhiễm khuẩn, ảnh hưởng đến chất lượng thịt và an toàn vệ sinh thực phẩm. Trước đây, việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm được thực hiện tại chợ nhưng nay không thực hiện được do việc quản lý còn lỏng lẻo.

Việc xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ thú y cơ sở kiểm dịch động vật, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn.

Nguyễn Thị Thụy, cán bộ thú y xã Nam Hồng (Nam Sách)

Bảo đảm chất lượng thịt tại các chợ truyền thống

Thời gian gần đây, tôi thấy nhiều trường hợp thực phẩm, nhất là thịt gà, thịt lợn tại các chợ bị lực lượng chức năng phát hiện nhiễm khuẩn. Khâu giết mổ chưa được kiểm soát, thực phẩm bày bán tràn lan, không được bảo quản cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Để nâng cao chất lượng thịt gia súc, gia cầm thì lực lượng chức năng phải kiểm soát chặt chẽ ngay tại các cơ sở giết mổ. Tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ động vật nhỏ lẻ, tự phát; kiên quyết đóng cửa các điểm không đạt tiêu chuẩn, điều kiện quy định, gây ô nhiễm môi trường. Song song với đó, chỉ đạo ban quản lý các chợ xây dựng quy chế, nghiêm cấm việc kinh doanh thịt gia súc, gia cầm không có dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y.

Phạm Thị Hồng, thôn Quỳnh Khê, xã Kim Xuyên (Kim Thành)

TRẦN HIỀN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/xay-dung-co-so-giet-mo-tap-trung-o-cac-huyen-bai-toan-kho-giai-392414.html