Nắm giữ kim loại quý, đầu tư hay lãng phí?

Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, không ít nhà đầu tư đã chuyển sang nắm giữ kim loại quý như một kênh 'trú ẩn an toàn'. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia tài chính, việc mua kim loại quý với tâm lý đầu tư phòng thủ có thể sẽ là một sự lãng phí.

Ảnh minh họa: AI

Ảnh minh họa: AI

Trong khoảng 2 tháng gần đây, bất chấp diễn biến giá vàng có lúc tăng vọt rồi lại lao dốc mạnh, người dân vẫn đổ xô xếp hàng mua vàng. Theo bà Vũ Thị Ngà, chủ hiệu vàng tại Thanh Xuân, Hà Nội, khi giá lên, người dân lo ngại sẽ còn tăng tiếp, vội vã mua vào, khi giá giảm họ lại kỳ vọng “bắt đáy”… nên mấy tuần nay dù giá lên hay giảm thì người dân vẫn không dừng xếp hàng mua vàng.

Còn theo anh Trần Văn Công, chuyên kinh doanh bạc ta tại phố Hàng Bạc, Hà Nội, với mức giá vàng hiện xung quanh mốc 120 triệu đồng/lượng, nhiều người không đủ khả năng mua vàng nên quay sang bạc, giá vốn chỉ hơn 1 triệu đồng/lượng. Sự quan tâm của nhà đầu tư với mặt hàng bạc chủ yếu vì bạc cũng là kim loại quý có thể trú ẩn chống trượt giá, phù hợp với kỳ vọng vốn ít lời nhiều.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia tài chính, tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội) và thiếu kiến thức đầu tư khiến dòng tiền đổ vào vàng, bạc ngày càng nhiều mà chưa chắc đã mang lại hiệu quả đầu tư như kỳ vọng.

TS. Nguyễn Tuấn Anh, chuyên gia, giảng viên tài chính ngân hàng Đại học liên kết quốc tế Latrob nhận định: “Không ít người đang bỏ tiền vào kênh tưởng như an toàn, nhưng thực tế lại đang lãng phí. Vàng hay bạc về bản chất chỉ có khả năng giữ giá, rất khó tạo ra lợi nhuận đột phá như cổ phiếu hay bất động sản”. Theo ông, việc cất giữ kim loại quý trong thời gian dài có thể khiến nhà đầu tư bỏ lỡ những cơ hội tăng trưởng tài sản mạnh mẽ từ các kênh đầu tư năng động hơn.

TS. Đinh Trọng Thạo, Viện Tài chính chiến lược NGO thì chỉ ra bất cập trong việc nắm giữ kim loại quý. “Bạc ít có khả năng tăng đột biến và không dễ bán ra nếu bạn cần vốn gấp, đặc biệt là bạc miếng do không phổ biến trên thị trường tài chính. Trong khi đó, cổ phiếu hay quỹ mở cho phép nhà đầu tư rút vốn linh hoạt hơn. Ngoài ra, khi nắm giữ vàng, bạc, đa phần người nắm giữ chỉ nghĩ đến cơ hội, ít khi nghĩ đến rủi ro trong khi rủi ro từ việc mất trộm luôn hiện hữu và là rủi ro rất lớn”, ông Thạo phân tích.

Còn theo TS. Trần Hoàng Nga, chuyên gia tư vấn chiến lược chính sách tiền tệ U.K Bank phân tích, mức chênh lệch giữa giá mua và bán vàng miếng tại Việt Nam hiện đang ở mức cao, thường từ 1,5–2,5 triệu đồng/lượng, thậm chí hơn. Khoảng cách giữa giá mua vào – bán ra của bạc còn lớn hơn vàng, trong khi bạc lại không có giá trị cầm cố và phụ thuộc vào sự phát triển của công nghiệp sản xuất. “Khi đầu tư theo tâm lý đám đông, việc giảm giá trị đầu tư ngay từ khi giao dịch diễn ra rất nhiều người không nhận thấy”, bà Nga nhấn mạnh.

Ông Ngô Minh Tú, chuyên gia của công ty tài chính đa quốc gia cũng cảnh báo khả năng lãng phí khi mua vàng theo phong trào: “Nhiều người mua vàng chỉ theo tâm lý đám đông, "ai cũng mua thì mình cũng nên mua", chứ không dựa trên phân tích thị trường. Đây là kiểu đầu tư cảm tính, cũng là cách nhanh nhất để lãng phí tài sản”.

Theo ông Tú, một danh mục đầu tư hiệu quả cần được đa dạng hóa hợp lý và duy trì dòng tiền lưu chuyển liên tục nhằm tối ưu hóa lợi nhuận và hạn chế rủi ro. Việc dồn toàn bộ nguồn lực vào kim loại quý chỉ vì lo ngại biến động thị trường là một lựa chọn thiếu chiến lược và có thể dẫn đến hệ quả lãng phí nguồn vốn.

Ông Tú nhấn mạnh: “Mua vàng để cất giữ cũng đồng nghĩa với việc cất đi toàn bộ cơ hội đầu tư, sản xuất và phát triển kinh doanh. Nếu thay vì tích trữ thụ động, dòng tiền đó được đưa vào các hoạt động tạo giá trị như mở rộng sản xuất thì không chỉ mang lại lợi nhuận bền vững, dòng tiền ổn định mà còn góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế quốc gia”.

"Nguồn vốn lẽ ra có thể được phân bổ vào các kênh đầu tư sinh lời như quỹ trái phiếu, cổ phiếu, chứng chỉ tiền gửi hoặc dùng để phát triển hoạt động kinh doanh lại bị “chôn” vào một loại tài sản gần như chỉ có chức năng cất giữ. Việc nắm giữ vàng trong 5–10 năm chỉ để đảm bảo an toàn vô hình trung là hành động đóng băng dòng vốn – một nguồn lực đáng lẽ có thể giúp nhà đầu tư nhân rộng giá trị tài sản theo thời gian", TS. Trần Hoàng Nga phân tích thêm.

TS. Nguyễn Tuấn Anh cũng cho rằng việc mua vàng, bạc là biểu hiện của sự cẩn trọng, điều rất cần thiết trong bối cảnh kinh tế bất ổn. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo: “Nếu chỉ dừng lại ở việc giữ tiền mà không đánh giá đúng các yếu tố rủi ro, chi phí cơ hội hay lợi suất, nhà đầu tư đang tự giới hạn mình và bỏ lỡ tiềm năng sinh lời lớn hơn. Tư duy “mua vàng để yên tâm” có thể làm hạn chế nhà đầu tư trong việc cập nhật kiến thức và ứng dụng các công cụ đầu tư hiện đại như quỹ ETF (hoán đổi danh mục niêm yết), đầu tư định kỳ DCA, fintech (công nghệ tài chính)...".

Sáng 16/5, Công ty SJC niêm yết giá vàng nhẫn 1–5 chỉ ở mức 112,5–115,5 triệu đồng/lượng (mua – bán). Tập đoàn DOJI cũng niêm yết vàng nhẫn 9999 ở mức tương tự. Tại Hà Nội, giá bạc miếng Phú Quý ở mức từ 1.223.000 – 1.261.000 đồng/lượng (mua- bán).

Theo phân tích từ FX Empire, từ ngày 14/5 thị trường tài chính thế giới ghi nhận lực bán mạnh ở kim loại quý do tâm lý nhà đầu tư chuyển sang chấp nhận rủi ro, kéo dòng tiền rời khỏi tài sản trú ẩn. Nếu mua vào với đỉnh tháng 4, nhiều nhà đầu tư lướt sóng vàng hiện đã chịu mức lỗ đáng kể.

“Nhà đầu tư hiện đại cần chuyển từ tư duy “giữ cho an toàn” sang “đầu tư để phát triển tài sản". Không nên chỉ ngồi im nắm giữ vàng hay bạc rồi rơi vào trạng thái thiếu kiến thức, không nắm bắt được các công cụ tài chính linh hoạt rồi để mất đi những cơ hội tốt hơn”, ông Ngô Minh Tú khuyến nghị.

Thanh Bình

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nam-giu-kim-loai-quy-dau-tu-hay-lang-phi-10305959.html