Nắm giữ vị thế an toàn, tránh các quyết định mua đuổi giá

Khi xu hướng ngắn hạn vẫn đang ở trạng thái trung tính, nhà đầu tư được khuyến nghị chỉ duy trì nắm giữ một vị thế an toàn và tránh các quyết định mua đuổi giá...

Chứng khoán ngày 12/11, áp lực bán tiếp tục được đẩy mạnh lên trong phiên chiều khiến VN-Index đánh rơi 5,5 điểm, tương ứng 0,44% còn 1.244,82 điểm và một lần nữa mất mốc 1.250 điểm. VN30-Index giảm 8,51 điểm tương ứng 0,65%; HNX-Index giảm 0,17 điểm tương ứng 0,08%; UPCoM-Index điều chỉnh nhẹ 0,01 điểm tương ứng 0,01%.

Nhịp độ giao dịch sôi động hơn vào buổi chiều nhưng tổng thanh khoản toàn phiên vẫn chùng xuống đáng kể so với phiên trước. Khối lượng giao dịch trên HOSE đạt 600,65 triệu đơn vị tương ứng 14.222,17 tỷ đồng; trên HNX là 38,52 triệu đơn vị tương ứng 739,85 tỷ đồng và trên thị trường UPCoM là 24,57 triệu đơn vị tương ứng 375,15 tỷ đồng. Toàn thị trường vẫn có 674 mã không xảy ra giao dịch nào.

Độ rộng thị trường nghiêng về phía các mã giảm giá với 431 mã giảm, 337 mã tăng. Trong đó, HOSE có 236 mã giảm, lấn át 120 mã tăng. Phần lớn cổ phiếu trên thị trường có biên dao động khá hẹp và điều chỉnh giá, tuy nhiên vẫn có một số mã ngược chiều, tăng giá mạnh. Có 6 mã tăng trần trên sàn HOSE.

Cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai tăng kịch biên độ HOSE, đóng cửa tại 11.200 đồng/cổ phiếu, nằm trong top cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất lên VN-Index. Khớp lệnh ở mã này cũng cao đột biến với 26,4 triệu đơn vị so với mức bình quân chưa tới 6 triệu cổ phiếu mỗi phiên trong 3 tháng trở lại đây. Riêng khớp lệnh HAG ở mức giá trần đạt xấp xỉ 13 triệu cổ phiếu, kết phiên trắng lệnh bán, dư mua giá trần.

Tương tự, mã VTP của Viettel Post sau khi điều chỉnh phiên hôm qua thì nay cũng tăng trần và hỗ trợ đáng kể cho VN-Index. Mức đỉnh lịch sử mới của VTP được thiết lập tại 113.400 đồng/cổ phiếu, ghi nhận mức tăng hơn 55% sau 3 tháng giao dịch.

Trong khi đó, tại nhóm cổ phiếu "vua", phần lớn vẫn trong trạng thái điều chỉnh, mức giảm không lớn nhưng khiến chỉ số thiếu sự hỗ trợ. NAB, CTG điều chỉnh mạnh nhất trong nhóm ngân hàng ở HOSE, mức giảm chỉ ở mức 1,3%. Các mã còn lại giảm dưới mức 1%.

Tương tự với cổ phiếu ngành bất động sản. QCG sau khi tăng lên 14.200 đồng/cổ phiếu thì đã quay đầu, giảm 2,2% còn 13.550 đồng/cổ phiếu. SZC cũng giảm 2% còn 41.800 đồng/cổ phiếu. Một loạt mã khác như HPX, DHG, LHG, LDG, NVL đều điều chỉnh. Cổ phiếu công nghệ thông tin bị chốt lời, một số mã đã ghi nhận trạng thái giảm như FPT giảm 1,1%; ICT giảm 5,9%; ITD giảm 1,4%.

 Diễn biến chỉ số VN-Index trong thời gian qua

Diễn biến chỉ số VN-Index trong thời gian qua

Theo dõi các diễn biến thị trường để đưa ra các quyết định đầu tư hợp lý

Chứng khoán SHS

VN-Index vẫn duy trì xu hướng suy giảm ngắn hạn, với vùng kháng cự quanh 1.255 – 1.260 điểm, tương ứng với mức trung bình 200 phiên hiện tại và đường xu hướng giảm giá nối các vùng cao trong tháng 10-11/2024. Mức hỗ trợ gần nhất của VN-Index là vùng 1.240 điểm, mức thấp nhất từ tháng 9/2024. Để cải thiện xu hướng ngắn hạn, chỉ số này cần vượt qua kháng cự với khối lượng giao dịch gia tăng tốt.

Về trung hạn, VN-Index có khả năng tăng trưởng trên vùng hỗ trợ quanh 1.250 điểm, với mục tiêu đạt vùng 1.300 điểm – một kháng cự rất mạnh và là vùng cao nhất từ đầu năm 2024 và đỉnh giá của tháng 6-8/2022.

SHS khuyến nghị nhà đầu tư duy trì tỉ trọng cổ phiếu hợp lý trong danh mục, đặc biệt với VN30 khi chỉ số này đang chịu áp lực điều chỉnh về mức giá thấp nhất từ tháng 9/2024 và vùng trung bình 200 phiên. Nhà đầu tư nên theo dõi các diễn biến thị trường để đưa ra các quyết định đầu tư hợp lý, đồng thời xem xét các cổ phiếu đầu ngành với nền tảng cơ bản tốt trong những phiên tới.

Hạn chế bán ra ở giai đoạn này

Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Chỉ số VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục dao động trong khoảng 1.240 – 1.250 điểm trong phiên giao dịch sắp tới. Rủi ro ngắn hạn đối với nhóm cổ phiếu Midcaps và Smallcaps có dấu hiệu giảm dần, và chỉ số VN30 hiện đang ở gần vùng hỗ trợ quan trọng 1.280 – 1.290 điểm.

Đây có thể là thời điểm mà lực cầu gia tăng nếu thị trường có những nhịp giảm mạnh trong vài phiên tới, do đó khuyến nghị nhà đầu tư hạn chế bán ra ở giai đoạn này.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn ở mức giảm. Nhà đầu tư được khuyến nghị giữ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ngắn hạn ở mức 40-45% và có thể cân nhắc mua mới với tỷ trọng thấp để thăm dò xu hướng ngắn hạn.

Nắm giữ vị thế an toàn, tránh các quyết định mua đuổi giá

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

Đà hồi phục sớm bị chặn đứng lại bởi áp lực bán chủ động gia tăng trong giai đoạn phiên chiều. Điều này cho thấy, tâm lý thận trọng vẫn đang chi phối hầu hết trạng thái giao dịch.

Mặc dù điểm tích cực là xuất hiện lực cầu chủ động bắt đáy trong các nhịp giảm sâu, với lượng cung lớn tiềm ẩn ở các vùng kháng cự trên, các phiên hồi phục sẽ khó có xác suất bật tăng mạnh.

Khi xu hướng ngắn hạn vẫn đang ở trạng thái trung tính, nhà đầu tư được khuyến nghị chỉ duy trì nắm giữ một vị thế an toàn và tránh các quyết định mua đuổi giá.

Diễn biến giằng co quanh vùng 1.240 – 1.260 vẫn có thể tiếp diễn

Chứng khoán BSC

Thị trường vẫn đang giao dịch quanh ngưỡng 1.240 – 1.260 với thanh khoản thấp. Điều này cho thấy diễn biến giằng co quanh vùng này vẫn còn có thể tiếp diễn trong các phiên tới, khuyến nghị nhà đầu tư nên giao dịch cẩn trọng.

Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.

Bảo Châu

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/nam-giu-vi-the-an-toan-tranh-cac-quyet-dinh-mua-duoi-gia-post555961.html