Năm học 2024- 2025: Đảm bảo học viên Giáo dục thường xuyên theo được chương trình mới

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Công văn số 3933/BGDĐT-GDTX gửi các sở Giáo dục và Đào tạo; Cục Nhà trường, Bộ Quốc phòng về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2024-2025 đối với Giáo dục thường xuyên.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ thăm lớp học tại Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đông Anh (Hà Nội). Ảnh minh họa: moet.gov.vn

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ thăm lớp học tại Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đông Anh (Hà Nội). Ảnh minh họa: moet.gov.vn

Theo đó, căn cứ vào tình hình thực tế của các địa phương, để triển khai hiệu quả nhiệm vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị đẩy mạnh các hoạt động xây dựng xã hội học tập. Đồng thời, tăng cường công tác tham mưu, chỉ đạo hoàn thiện mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên; thực hiện đa dạng hóa các chương trình giáo dục trong các cơ sở giáo dục thường xuyên.

Đối với nhiệm vụ đẩy mạnh các hoạt động xây dựng xã hội học tập, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”; tăng cường sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả giữa ngành Giáo dục với các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các hội, đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh để thực hiện kế hoạch bằng nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế.

Về việc thực hiện Chương trình Giáo dục thường xuyên cấp Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông, năm học 2024-2025 là năm học kết thúc lộ trình thực hiện chương trình cũ, các cơ sở giáo dục thường xuyên xây dựng kế hoạch, rà soát nội dung, kiến thức của chương trình cũ và mới; tổ chức ôn tập, bồi dưỡng kiến thức, phương pháp học tập chương trình giáo dục thường xuyên cấp Trung học Phổ thông mới đảm bảo học viên mới nhập học theo học được chương trình mới.

Các cơ sở giáo dục thường xuyên chủ động ôn tập, hướng dẫn học viên làm quen với cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2025.

Đối với công tác xóa mù chữ, các địa phương chú trọng xóa mù chữ tại những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nơi có tỷ lệ người mù chữ cao.

Các tỉnh có tỷ lệ biết chữ còn thấp, chưa mở được lớp xóa mù chữ, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu rà soát, tổng hợp số liệu thống kê xóa mù chữ của tỉnh, chú trọng thống kê chính xác số người mù chữ và số người chưa đạt chuẩn biết chữ mức độ 1. Từ đó, tham mưu cho UBND tỉnh giao chỉ tiêu mở lớp xóa mù chữ cho các huyện, thị xã, thành phố còn người mù chữ, người chưa đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 và người chưa đạt chuẩn biết chữ mức độ 2.

Các Trung tâm học tập cộng đồng, Trung tâm giáo dục thường xuyên… chủ trì phối hợp với các trường học, các thiết chế văn hóa, các hội quần chúng trên địa bàn xã vận động người mù chữ, người chưa đạt chuẩn biết chữ tham gia các lớp xóa mù chữ; tổ chức các lớp học xóa mù chữ linh hoạt về thời gian, địa điểm, phù hợp với đối tượng học viên, tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện thực tế địa phương để duy trì sĩ số học viên, hạn chế tình trạng lớp học gián đoạn.

Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý, quản trị cơ sở và trong các hoạt động giáo dục thường xuyên, các Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trung tâm cải thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý dạy - học trên môi trường số; khuyến khích xây dựng, khai thác học liệu số, học liệu mở.

Các địa phương có trung tâm được hỗ trợ, tiếp nhận trung tâm thông minh, lớp học thông minh tiếp tục triển khai, thí điểm các mô hình dạy học tiên tiến trên nền tảng số theo hướng dạy học kết hợp (nhóm học tương tác, tự học với trợ lý ảo…), khai thác công cụ trí tuệ nhân tạo tạo trong dạy và học.

Việt Hà (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giao-duc/nam-hoc-20242025-dam-bao-hoc-vien-giao-duc-thuong-xuyen-theo-duoc-chuong-trinh-moi-20240802163046052.htm