Đề xuất cho sinh viên vay tín dụng lãi suất 0% nhưng phải có cam kết

Các trường đề xuất mở rộng đối tượng, nâng mức ưu đãi cho vay tín dụng, tính đến cho vay với lãi suất 0%, có chương trình vay tín dụng linh hoạt, theo ngành học...

Tại Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế", đã nhấn mạnh nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Trong đó, có nội dung được quan tâm: "Hoàn thiện chính sách hỗ trợ người học từ ngân sách Nhà nước thông qua cấp học bổng hoặc hỗ trợ miễn giảm học phí đối với các ngành, nghề Nhà nước cần ưu tiên phát triển ở các trình độ đào tạo, mở rộng đối tượng và nâng mức ưu đãi cho vay tín dụng".

Trường đại học hỗ trợ sinh viên thủ tục vay vốn giáo dục để phục vụ học tập, sinh hoạt

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Quang Dũng, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải cho biết, ngoài các chính sách học bổng truyền thống, nhà trường đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ học phí khác như bảo lãnh vay tín dụng, tài trợ học bổng từ Quỹ khuyến học được vận động từ nguồn doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, cựu sinh viên…

 Tiến sĩ Phạm Quang Dũng, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải. Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Phạm Quang Dũng, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải. Ảnh: NVCC.

Cụ thể, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải đã phối hợp với các ngân hàng, các quỹ tín dụng xã hội, giúp sinh viên có thể vay tín dụng với lãi suất ưu đãi, giảm bớt gánh nặng tài chính.

Theo Thạc sĩ Lê Văn Vĩ, Phó Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), nhà trường thực hiện đúng quy định, kịp thời về chính sách hỗ trợ sinh viên thuộc các đối tượng: miễn, giảm học phí; trợ cấp xã hội, chính sách giáo dục.

Đồng thời, đối với các trường hợp sinh viên gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, dịch bệnh, nhà trường cũng kịp thời chia sẻ, động viên sinh viên bằng các hỗ trợ tài chính thiết thực nhằm giúp sinh viên sớm ổn định cuộc sống, yên tâm học tập.

Trường tiến hành gia hạn đóng học phí đối với sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện cho sinh viên gia hạn thời gian đóng học phí vào đầu mỗi học kỳ và có thể linh hoạt đóng học phí theo điều kiện hoàn cảnh cá nhân.

Hàng năm, có khoảng từ 5% - 6% số lượng sinh viên được nhà trường đồng ý hỗ trợ, tạo điều kiện về gia hạn học phí.

Bên cạnh nguồn học bổng khuyến khích học tập từ nguồn ngân sách, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) tiếp nhận các nguồn tài trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, cựu sinh viên để trao học bổng cho các đối tượng sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, có ý chí, nỗ lực vươn lên trong học tập.

Ngoài ra, nhà trường hỗ trợ thủ tục cho sinh viên thực hiện vay vốn học tập tại Ngân hàng Chính sách xã hội tại các địa phương. Hằng năm, nhà trường luôn tạo điều kiện thuận lợi, thực hiện xác nhận cho hơn 1.000 sinh viên để làm thủ tục vay vốn (thống kê theo năm học).

Đặc biệt, chương trình vay tín dụng với lãi suất ưu đãi, đặc biệt là lãi suất 0% của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh được triển khai vào đầu mỗi năm học. Các sinh viên được xét duyệt tiếp tục vay trong những năm tiếp theo nếu có nhu cầu.

Hằng năm, có khoảng từ 10 - 20 sinh viên được vay vốn, bổ sung mới từ nguồn Quỹ Phát triển của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

Điều này giảm được không ít áp lực tài chính cho sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), tạo điều kiện cho các em có cơ hội tập trung nhiều hơn cho học tập mà không cần phải tham gia làm thêm quá nhiều.

Còn tại Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), chia sẻ với phóng viên, Thạc sĩ Nguyễn Vinh San - Trưởng phòng Hành chính kiêm Giám đốc trung tâm Hỗ trợ Sinh viên và Quan hệ Doanh nghiệp thông tin: “Bên cạnh các chính sách về học bổng khuyến khích học tập theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hơn 50% sinh viên nhà trường hiện đang được hưởng chính sách hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

Cùng với các chính sách của Nhà nước, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) luôn quan tâm tìm kiếm các nguồn hỗ trợ khác cho người học thông qua vận động các tổ chức, doanh nghiệp và các mạnh thường quân, trung bình mỗi năm nhà trường huy động được hơn 3 tỷ tiền học bổng ngoài ngân sách cho sinh viên.

Trong quá trình xét giới thiệu học bổng, nhà trường dành sự ưu tiên nhiều hơn cho sinh viên khối ngành ngoài sư phạm. Bên cạnh đó, trường cũng quan tâm giải quyết các chế độ chính sách miễn giảm học phí, trợ cấp xã hội một cách kịp thời cho sinh viên. Hỗ trợ sinh viên các thủ tục vay vốn giáo dục để phục vụ học tập và sinh hoạt.

Về việc nộp học phí, sinh viên có thể chọn nộp 1 lần, 2 lần hoặc hàng tháng trong học kỳ. Việc lựa chọn số lần nộp học phí do sinh viên lựa chọn trong quá trình đăng ký tín chỉ sao cho phù hợp với điều kiện của mỗi gia đình”.

 Sinh viên Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) nhận học bổng của tổ chức giáo dục phi lợi nhuận, phi chính trị và phi tôn giáo AMA Vietnam Ltd. Ảnh: Website trường.

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) nhận học bổng của tổ chức giáo dục phi lợi nhuận, phi chính trị và phi tôn giáo AMA Vietnam Ltd. Ảnh: Website trường.

Mở rộng đối tượng, nâng mức ưu đãi cho vay tín dụng là giải pháp tích cực hỗ trợ người học

Có ý kiến cho rằng, việc mở rộng đối tượng và nâng mức ưu đãi cho vay tín dụng là một trong những giải pháp hỗ trợ tích cực người học, đặc biệt tính đến cho vay tín dụng với lãi suất 0%. Đại diện các trường đại học đều đồng ý với quan điểm trên.

Tiến sĩ Phạm Quang Dũng chia sẻ: “Điều này giúp giảm bớt gánh nặng tài chính, tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận giáo dục mà không bị áp lực về kinh tế.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính hiệu quả và công bằng, sinh viên khi nhận hỗ trợ hoặc được tạo điều kiện vay tín dụng cần đáp ứng một số cam kết và điều kiện. Ví dụ, sinh viên cần cam kết về điều kiện học tập và rèn luyện, duy trì kết quả học tập ở mức Khá trở lên, đảm bảo không bỏ học hoặc vi phạm kỷ luật.

Đối với khoản vay vốn tín dụng, sinh viên cần cam kết hoàn trả sau khi tốt nghiệp, với lộ trình và điều kiện cụ thể tùy theo từng chương trình hỗ trợ”.

Thạc sĩ Lê Văn Vĩ khẳng định, việc cung cấp các khoản vay tín dụng với lãi suất ưu đãi giúp nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn về tài chính có cơ hội tiếp cận giáo dục đại học, từ đó nâng cao kiến thức và kỹ năng của mỗi cá nhân.

Lãi suất 0% sẽ giảm bớt gánh nặng tài chính cho sinh viên và gia đình, cho phép sinh viên tập trung hơn vào việc học tập mà không phải lo lắng, áp lực quá nhiều về việc trả nợ, trả lãi.

Khi có sự hỗ trợ tài chính, sinh viên có thể tham gia nhiều hoạt động học tập và ngoại khóa hơn, từ đó phát triển toàn diện về cả kiến thức lẫn kỹ năng mềm.

“Tất nhiên, khi nhận hỗ trợ hoặc vay tín dụng từ phía trường, sinh viên cần đáp ứng một số điều kiện và thực hiện các cam kết

Đối tượng vay vốn là sinh viên thuộc hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bao gồm hộ nghèo, hộ cận nghèo; hộ có mức sống trung bình theo quy định của pháp luật, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn đột xuất, có xác nhận của chính quyền địa phương do tác động của điều kiện kinh tế - xã hội.

Sinh viên năm nhất cần có giấy báo trúng tuyển hoặc giấy xác nhận được vào học của nhà trường. Sinh viên từ năm thứ hai, cần có xác nhận của trường về việc đang theo học.

Sinh viên phải cam kết sử dụng khoản vay đúng mục đích, bao gồm chi phí học tập, mua sắm sách vở, phương tiện học tập, chi phí ăn ở và đi lại. Sinh viên và gia đình cũng cần cam kết trả nợ đúng hạn theo thỏa thuận với Ngân hàng Chính sách xã hội.

Ngoài ra, nhà trường có thể yêu cầu sinh viên duy trì kết quả học tập ở mức nhất định để tiếp tục được hưởng ưu đãi vay tín dụng.

Việc sinh viên đáp ứng các điều kiện, thực hiện cam kết giúp đảm bảo rằng các khoản vay được sử dụng hiệu quả và sinh viên có thể hoàn thành chương trình học tập đúng thời hạn” - thầy Vĩ phân tích.

Thạc sĩ Nguyễn Vinh San cũng chỉ ra: “Việc mở rộng đối tượng và nâng mức ưu đãi cho vay tín dụng là một trong những giải pháp tích cực hỗ trợ cho người học khi mức vay hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu của người học, đặc biệt ở những gia đình khó khăn có nhiều con cùng theo học.

Lãi suất dù thấp hơn thị trường nhưng đây vẫn là vấn đề đối với các gia đình khó khăn và phải vay số tiền lớn cho các con đi học. Nếu hạ mức lãi suất xuống 0%, sẽ là điều khiến nhiều gia đình vui mừng và sinh viên có thêm cơ hội học tập, sinh hoạt tốt hơn.

Muốn làm được điều đó, trước hết, sinh viên phải đáp ứng đúng yêu cầu về hoàn cảnh gia đình để tránh cho vay sai đối tượng.

Sinh viên và gia đình phải cam kết sử dụng số tiền vay đúng mục đích như nộp học phí và trang trải chi phí sinh hoạt trong quá trình theo học, duy trì kết quả học tập nhất định để tiếp tục được vay vốn và nhận ưu đãi.

Có như vậy, số tiền cho vay mới thực hiện hết sứ mệnh của nó là giúp cho sinh viên nghèo có cơ hội tiếp cận điều kiện học tập tốt nhất, đạt thành tích tốt và thoát nghèo trong tương lai”.

 Thạc sĩ Nguyễn Vinh San - Thạc sĩ Nguyễn Vinh San - Trưởng phòng Hành chính kiêm Giám đốc trung tâm Hỗ trợ Sinh viên và Quan hệ Doanh nghiệp, Trường Đại học sư phạm (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: NVCC.

Thạc sĩ Nguyễn Vinh San - Thạc sĩ Nguyễn Vinh San - Trưởng phòng Hành chính kiêm Giám đốc trung tâm Hỗ trợ Sinh viên và Quan hệ Doanh nghiệp, Trường Đại học sư phạm (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: NVCC.

Tồn tại một số khó khăn, thách thức đối với các cơ sở giáo dục đại học

Đại diện Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải khẳng định, việc triển khai các chính sách hỗ trợ người học thông qua hoạt động cấp học bổng, hỗ trợ học phí và cho vay tín dụng có ý nghĩa rất lớn. Tuy nhiên, cũng có một số rào cản trong quá trình thực hiện...

Tiến sĩ Phạm Quang Dũng chia sẻ: “Các cơ sở giáo dục đại học thường gặp khó khăn trong việc huy động và quản lý nguồn lực tài chính, dẫn đến Quỹ khuyến học không được dồi dào.

Việc quản lý, giám sát, đảm bảo sự công bằng trong phân bổ học bổng, hỗ trợ là một thách thức lớn. Điều này đòi hỏi một hệ thống quản lý chặt chẽ, minh bạch và đôi khi rất phức tạp.

Các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước và các tổ chức thường không đồng bộ, dẫn đến sự khó khăn trong việc phối hợp và thực hiện. Điều này có thể gây ra những bất cập trong việc triển khai chính sách tại các cơ sở giáo dục.

Tại Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải, những khó khăn trên cũng là những thách thức mà chúng tôi đang nỗ lực vượt qua. Nhà trường luôn cố gắng cải thiện hệ thống quản lý, tăng cường huy động nguồn lực và mở rộng hợp tác với các đối tác để hỗ trợ tốt hơn cho sinh viên”.

 Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải trao Học bổng khuyến học cho học sinh nghèo vượt khó năm học 2023 - 2024. Ảnh: NTCC.

Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải trao Học bổng khuyến học cho học sinh nghèo vượt khó năm học 2023 - 2024. Ảnh: NTCC.

Đại diện Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) cũng chỉ ra một số khó khăn liên quan đến cơ sở pháp lý, nguồn lực tài chính, quản lý và giám sát, rủi ro tín dụng…

Thạc sĩ Lê Văn Vĩ lý giải: “Các cơ sở giáo dục không được phép thực hiện các hoạt động tín dụng, đều phải thông qua phối hợp với các ngân hàng để thực hiện. Việc huy động đủ nguồn tài chính để cung cấp các khoản vay tín dụng với lãi suất ưu đãi, đặc biệt là lãi suất 0% cũng gặp không ít khó khăn.

Hiện nay, Quỹ Phát triển của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị phối hợp với ngân hàng để triển khai chương trình sinh viên vay ưu đãi để học tập lãi suất 0% tại Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh”.

Ngoài ra, việc quản lý và giám sát các khoản vay tín dụng cũng đòi hỏi hệ thống quản lý chặt chẽ và minh bạch.

“Điều này có thể gây áp lực lên các cơ sở giáo dục trong việc đảm bảo các khoản vay được sử dụng đúng mục đích và trả nợ đúng hạn. Đồng thời, có thể cần phải đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin, hay đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu.

Vấn đề mở rộng đối tượng vay tín dụng cũng có thể dẫn đến việc phải xử lý nhiều hồ sơ cũng như những tình huống khác nhau, đòi hỏi sự linh hoạt, khả năng xử lý tốt từ phía cơ sở đào tạo và làm phát sinh thêm các yêu cầu về vị trí việc làm mới.

Cũng không thể không nhắc đến khi cho vay tín dụng với lãi suất 0% có thể tăng rủi ro, đặc biệt khi người vay không có khả năng trả nợ. Việc trên đòi hỏi các cơ sở giáo dục phải có các biện pháp phòng ngừa và quản lý rủi ro hiệu quả” - thầy Vĩ chia sẻ.

 Thạc sĩ Lê Văn Vĩ, Phó Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: NVCC.

Thạc sĩ Lê Văn Vĩ, Phó Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: NVCC.

Đơn giản hóa thủ tục, kéo dài thời gian trả nợ, linh hoạt chương trình vay tín dụng, cho vay theo ngành học

Trong bối cảnh lạm phát tăng nhanh, việc tăng cường các phương thức vay tín dụng cho sinh viên là vô cùng cần thiết để đảm bảo các em có thể tiếp tục học tập mà không bị ảnh hưởng bởi áp lực kinh tế.

Đại diện Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) cũng đưa ra một số kiến nghị và đề xuất. Cụ thể:

Tăng mức vay tối đa:Đề xuất tăng mức vay tối đa để phù hợp với chi phí học tập và sinh hoạt ngày càng tăng, đặc biệt trong bối cảnh các trường đại học tự chủ tài chính dẫn đến mức học phí tăng cao.

Hiện nay, mức vay tối đa là 2,5 triệu đồng/tháng, nhưng nhiều ý kiến cho rằng cần tăng lên để đáp ứng nhu cầu thực tế của sinh viên.

Giảm lãi suất vay: Đề xuất giảm lãi suất vay hoặc áp dụng lãi suất 0% cho sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Điều này giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho sinh viên và gia đình của sinh viên.

Tăng cường hỗ trợ từ ngân hàng: Bên cạnh Ngân hàng Chính sách xã hội, Nhà nước nên có chính sách khuyến khích các ngân hàng thương mại tham gia và tăng cường hỗ trợ vay vốn cho sinh viên, bao gồm việc mở rộng đối tượng vay và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Đơn giản hóa thủ tục vay:Đề xuất đơn giản hóa các thủ tục và điều kiện vay vốn, giúp sinh viên dễ dàng tiếp cận các khoản vay hơn. Điều này bao gồm việc giảm bớt các giấy tờ cần thiết và rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ.

Những kiến nghị và đề xuất trên nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sinh viên trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, từ đó giúp sinh viên có thể tập trung vào học tập và phát triển bản thân.

Ngoài những kiến nghị đã đề cập liên quan đến chính sách của Nhà nước, đại diện Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) có một số đề xuất khác để tăng cường các phương thức vay tín dụng cho sinh viên.

Hợp tác với doanh nghiệp:Nhà trường có thể hợp tác với các doanh nghiệp để tạo ra thêm nhiều chương trình học bổng dành riêng cho sinh viên. Doanh nghiệp có thể tài trợ hoặc bảo lãnh cho các khoản vay, đồng thời tạo cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Chương trình vay tín dụng theo ngành học: Xây dựng các chương trình vay tín dụng đặc thù cho từng ngành học, đặc biệt là các ngành có nhu cầu nhân lực cao. Điều này giúp sinh viên trong các ngành này có cơ hội tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn và đảm bảo việc làm sau khi ra trường.

Tăng cường giáo dục tài chính: Tổ chức các khóa học hoặc hội thảo về quản lý tài chính cá nhân cho sinh viên, giúp người học hiểu rõ hơn về việc vay vốn, quản lý nợ và lập kế hoạch tài chính. Việc làm này giúp sinh viên sử dụng khoản vay một cách hiệu quả và có trách nhiệm hơn.

Chương trình vay tín dụng linh hoạt: Phát triển các chương trình vay tín dụng linh hoạt, cho phép sinh viên trả nợ theo thu nhập sau khi tốt nghiệp, sẽ giúp giảm bớt áp lực tài chính trong thời gian học tập và tạo điều kiện thuận lợi hơn khi bắt đầu sự nghiệp.

Hỗ trợ tâm lý và tư vấn: Cung cấp dịch vụ tư vấn và hỗ trợ tâm lý cho sinh viên gặp khó khăn về tài chính, giúp người học có thêm động lực và sự tự tin để vượt qua khó khăn, hoàn thành chương trình học tập.

 Sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh minh họa: Website trường.

Sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh minh họa: Website trường.

Bàn về vấn đề này, đại diện Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải cũng đề xuất một số kiến nghị tương tự:

Giảm lãi suất hoặc áp dụng lãi suất 0%:Khuyến nghị Nhà nước và các ngân hàng áp dụng mức lãi suất vay tín dụng ưu đãi hơn hoặc thậm chí là lãi suất 0% đối với sinh viên. Điều này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính trong thời kỳ lạm phát.

Kéo dài thời gian trả nợ: Nên kéo dài thời gian trả nợ sau khi sinh viên tốt nghiệp, giúp các em có đủ thời gian ổn định công việc trước khi bắt đầu hoàn trả khoản vay.

Mở rộng đối tượng vay: Đề xuất mở rộng đối tượng vay tín dụng, bao gồm cả những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhưng chưa đủ điều kiện hiện tại, nhằm đảm bảo mọi sinh viên đều có cơ hội tiếp cận nguồn vốn.

Tăng cường quỹ hỗ trợ từ doanh nghiệp:Nhà trường khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp trong việc thành lập quỹ hỗ trợ vay tín dụng hoặc tài trợ học bổng, qua đó tăng cường sự hợp tác công - tư trong giáo dục.

Đơn giản hóa thủ tục vay:Đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến việc vay tín dụng, giúp sinh viên tiếp cận nguồn vốn một cách nhanh chóng và thuận tiện hơn.

Hồng Linh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/de-xuat-cho-sinh-vien-vay-tin-dung-lai-suat-0-nhung-phai-co-cam-ket-post245236.gd