Năm học 2024-2025: Đề cao kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng

Ngày 19/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu chính tại Hà Nội và 63 điểm cầu tỉnh/thành phố.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: ST

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: ST

Nhiều kết quả tích cực, gia tăng niềm tin của toàn xã hội

Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Năm học 2023-2024, ngành giáo dục tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT.

Công tác phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và xóa mù chữ tiếp tục được các địa phương quan tâm. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều điểm mới đã được triển khai đồng bộ với đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục các lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11 trên phạm vi cả nước.

Việc tổ chức biên soạn, thẩm định sách giáo khoa được triển khai theo đúng lộ trình, đảm bảo chất lượng và tiến độ. Trong đó, việc cố gắng giảm giá thành sách giáo khoa từ năm học 2024-2025 đã khẳng định được vai trò, trách nhiệm của ngành giáo dục trước thềm năm học mới giúp giảm đi gánh nặng cho xã hội.

Đặc biệt, năm học 2023-2024 tiếp tục là một năm thành công của giáo dục phổ thông mũi nhọn, khi các đội tuyển dự thi Olympic khu vực và quốc tế đến thời điểm này đã mang về 10 Huy chương Vàng, 14 Huy chương Bạc, 9 Huy chương Đồng và 1 Bằng khen. Đáng chú ý là đội tuyển Hóa học đứng thứ 2/89 quốc gia; đội tuyển Sinh học đứng thứ 3/81 quốc gia. Học sinh Việt Nam cũng giành thành tích tốt nhất kể từ khi tham dự tại Hội thi Khoa học Kỹ thuật quốc tế tổ chức tại Hoa Kỳ.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024. Ảnh: ST

Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024. Ảnh: ST

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 được tổ chức thành công đảm bảo nghiêm túc, trung thực, khách quan, an toàn, đúng quy chế, bảo đảm thuận lợi và công bằng cho các đối tượng thí sinh.

Bên cạnh đó, tự chủ giáo dục đại học từng bước đi vào thực chất. Hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục được đẩy mạnh. Số lượng các cơ sở giáo dục đại học, chương trình đào tạo được quốc tế công nhận và số lượng bài báo quốc tế của các nhà khoa học trong nước ngày càng tăng. Tiếp tục đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là nguồn nhân lực cho công nghiệp chip bán dẫn tại Việt Nam.

Bộ GDĐT tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ bổ sung 27.826 biên chế cho năm học 2023-2024. Trên cơ sở đó, các địa phương đã tổ chức tuyển dụng được 19.474 giáo viên. Đến nay, đội ngũ nhà giáo đã được phát triển về số lượng, khắc phục dần những bất cập về cơ cấu.

Toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và trong hoạt động dạy và học. Đến nay, đã hoàn thành việc xây dựng 100% các cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục từ mầm non, phổ thông, kết nối cơ sở dữ liệu ngành giáo dục với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và bảo hiểm.

Đưa giáo dục Việt Nam tiếp tục đổi mới, phát triển

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Năm học 2024-2025, cùng với cả nước, ngành giáo dục tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ lớn được giao tại Nghị quyết, chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tiếp tục đổi mới GDĐT”; đồng thời khẳng định: Năm học mới với tinh thần đề cao kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng, toàn ngành giáo dục sẽ ra sức phấn đấu để hoàn thành tốt hơn và hoàn thành tốt nhất các mục tiêu đề ra.

Trong đó, triển khai ngay nội dung Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT theo Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương; hoàn thành tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và tổ chức đánh giá toàn bộ quá trình thực hiện thời gian qua.

Đồng thời, triển khai chương trình giáo dục mầm non mới; tăng cường tự chủ đại học theo hướng ngày càng chất lượng, chiều sâu, thực tế, thực chất, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước; trong đó ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, kỹ thuật cao, bao gồm ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: ST

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: ST

Bên cạnh đó, Bộ GDĐT sẽ tham mưu ngay và trình Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ để triển khai Kết luận số 91 của Bộ Chính trị tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT. Trên cơ sở đó ban hành Kế hoạch hành động của ngành giáo dục nhằm triển khai Chương trình hành động của Chính phủ một cách bài bản, khoa học, phù hợp tinh thần thực tiễn, bảm đảm tính khả thi và hiệu quả. Trong tháng 8/2024, Bộ GDĐT sẽ hoàn thành Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

“Trước thềm năm học mới với những nhiệm vụ trọng tâm mà Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, tôi mong mỗi cán bộ quản lý, mỗi thầy giáo, cô giáo và nhân viên toàn ngành tiếp tục nỗ lực cố gắng, khắc phục khó khăn, phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành giáo dục để đưa giáo dục Việt Nam tiếp tục đổi mới, phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi gắm./.

PHƯƠNG LAN

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/nam-hoc-2024-2025-de-cao-ky-cuong-trach-nhiem-doi-moi-khong-ngung-nang-cao-chat-luong-33898.html