Năm học đặc biệt

Bài 2:
QUYẾT TÂM TRONG NĂM HỌC MỚI

BPO - 2024-2025 là năm học đầu tiên kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và tốt nghiệp THPT thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, nên cùng với giáo viên bộ môn, các cơ sở giáo dục bậc THCS, THPT trong tỉnh ngay từ đầu năm đã đề ra nhiều giải pháp triển khai để thực hiện mục tiêu chung là giáo dục cơ bản (tiểu học, THCS) và định hướng nghề nghiệp (THPT) cho các em.

Chủ động từ đầu năm

Chưa bao giờ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vài năm gần đây lại “căng như dây đàn”, nhất là địa bàn khu vực thành thị, nơi học sinh tăng cơ học nhanh. Ngoài số học sinh tăng cơ học thì chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập bị hạn chế bởi thực hiện chỉ tiêu phân luồng của Chính phủ sau tốt nghiệp THCS. Nếu những năm học trước, thí sinh không bị điểm liệt có thể trúng tuyển vào một trường THPT nào đó, tuy nhiên vài năm trở lại đây điều này trở nên khó khăn hơn rất nhiều, bởi chỉ tiêu khống chế nên tỷ lệ chọi cao. Việc thực hiện phân luồng sau tốt nghiệp THCS, THPT là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước nhằm tư vấn, hướng nghiệp cho những học sinh không đủ điều kiện học lên THPT, đại học tham gia học nghề để bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng thị trường lao động.

Năm học 2024-2025 với nhiều đổi mới đã chính thức bắt đầu. Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Tân Ðồng, TP. Ðồng Xoài trong giờ học Tin học

Trường THCS Nguyễn Du nhiều năm qua luôn đứng đầu huyện Phú Riềng và top đầu của tỉnh về tuyển sinh vào lớp 10. Tuy nhiên, năm 2025, tuyển sinh lớp 10 được thực hiện theo Chương trình GDPT 2018, cùng với việc khống chế “đầu ra” nên kết quả dự kiến sẽ có nhiều thay đổi, vì vậy trường đã chuẩn bị kỹ ngay từ đầu năm học. Thầy Trần Văn Lập, Phó Hiệu trưởng trường cho biết: Để tạo nguồn “đầu ra” đảm bảo chất lượng, ngay từ đầu năm học trường đã xây dựng kế hoạch ôn thi tuyển sinh vào lớp 10. Phân công giáo viên có nhiều kinh nghiệm, nhiệt tình, tận tụy để chủ nhiệm, giảng dạy khối lớp 9. Phân bố sĩ số ở khối 9 phù hợp, không quá đông để giáo viên có điều kiện quan tâm, nắm bắt về hoàn cảnh, năng lực từng học sinh. Quản lý chuyên môn chú trọng tính kế thừa, yêu cầu tất cả giáo viên các bộ môn từ lớp 6 đến lớp 9 thực hiện “4 cùng” (cùng chung tay, cùng chia sẻ trách nhiệm, cùng chung sức tận tâm, tận tụy, cùng nhận trách nhiệm chung kết quả). Và kết quả là của một quá trình học tập, giảng dạy ở tất cả khối lớp, không phải kết quả của riêng giáo viên lớp 9. Nhà trường cũng bố trí coi, chấm, trả bài các kỳ kiểm tra, khảo sát nghiêm túc, khách quan để các em quen dần, tránh áp lực, căng thẳng khi tham gia kỳ thi tuyển sinh vào THPT…

Địa bàn thành phố Đồng Xoài, nơi có số lượng học sinh tăng đột biến nên công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT luôn là áp lực đối với các trường THCS, đặc biệt là năm nay thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 9. Tại Trường THCS Tiến Thành, ngoài số lượng trúng tuyển tỷ lệ cao thì điểm thi nhiều năm liền của trường đứng top đầu toàn tỉnh, hàng chục em thi đậu vào các trường chuyên. Đặc biệt, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025, trường có 2 thủ khoa vào lớp chuyên Văn và chuyên Toán, Trường THPT chuyên Quang Trung; trong đó, thủ khoa chuyên Toán có tổng điểm cao nhất tỉnh là em Khổng Lê Anh Tuấn với tổng 47,75 điểm.

Trường THCS Tiến Thành, TP. Đồng Xoài đón nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2 và công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 năm 2022

Trường THCS Tiến Thành, TP. Đồng Xoài đón nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2 và công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 năm 2022

Thầy Phạm Anh Quang, Hiệu trưởng Trường THCS Tiến Thành cho biết: Phát huy những kết quả đạt được trong công tác giảng dạy, luyện thi tuyển sinh vào lớp 10, dịp hè vừa qua, trường cử tất cả giáo viên bộ môn tham gia chương trình tập huấn sách giáo khoa lớp 9 Chương trình GDPT 2018 nhằm chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho năm học mới. Sau tập huấn, tùy năng lực, sở trường, đơn vị bố trí giáo viên đứng lớp đúng với chuyên môn, nghiệp vụ; trong đó, phân công giáo viên năng lực chuyên môn tốt, có kinh nghiệm đảm nhận công tác giảng dạy và chủ nhiệm lớp 9. Tổ chức sinh hoạt tổ chuyên môn, tổng hợp, sưu tầm xây dựng tài liệu các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh phù hợp với cấu trúc ôn thi tuyển sinh lớp 10 và đối tượng học sinh. Các giáo viên bộ môn thường xuyên trao đổi, đưa ra phương pháp dạy học tích cực giúp học sinh hứng thú trong học tập.

Ưu tiên lớp 12

Ở địa bàn vùng sâu, xa nhưng Trường THPT Đa Kia, huyện Bù Gia Mập luôn đứng top đầu tỉnh về điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT. Đây cũng là đơn vị được Sở GD&ĐT chọn báo cáo tham luận thực hiện Chương trình GDPT 2018 để các cơ sở giáo dục bậc THPT toàn tỉnh tham khảo. Thầy Bùi Xuân Nhật, Hiệu trưởng trường chia sẻ: GDPT 2018 là chương trình đổi mới toàn diện từ sách giáo khoa đến phương pháp dạy học và cả chương trình giáo dục. Một chương trình dạy học hướng tới kết quả đầu ra và giáo dục theo “5 phẩm chất” và “10 năng lực”. Chương trình GDPT 2018 cấp THPT đã cụ thể hóa được mục tiêu giáo dục phổ thông, có sự kết nối chặt chẽ, liên thông với chương trình giáo dục nghề nghiệp và chương trình giáo dục đại học. Hệ thống chương trình có 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc cùng 9 môn lựa chọn ở 3 nhóm khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, công nghệ và nghệ thuật.

Học sinh lớp 12, Trường THPT thị xã Phước Long trong giờ học tiếng Anh

Học sinh lớp 12, Trường THPT thị xã Phước Long trong giờ học tiếng Anh

Để thực hiện tốt chương trình, Trường THPT Đa Kia đã chủ động xây dựng tổ hợp lựa chọn các môn học và các chuyên đề học tập để học sinh lựa chọn theo học suốt 3 năm, bảo đảm đáp ứng nhu cầu người học, phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của trường.

2024-2025 là năm học đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018 nên Trường THPT Đa Kia cũng như nhiều trường THPT khác trong tỉnh ưu tiên phân công những giáo viên cốt cán có nhiều kinh nghiệm dạy các môn được học sinh chọn dự thi tốt nghiệp. Cùng với đó đa dạng hình thức tổ chức dạy học trên lớp, ngoài lớp; dạy học theo chủ đề/chuyên đề; dạy học trải nghiệm, giáo dục STEM... Các trường cũng ưu tiên hàng đầu những giáo viên nhiệt tình, tâm huyết, nắm bắt được tâm lý học sinh và có nhiều kinh nghiệm trong công tác tư vấn, hướng nghiệp để chủ nhiệm các lớp 12.

Ngay khi có kết quả tuyển sinh vào lớp 10, trường đã thành lập ban tư vấn, tổ chức hỗ trợ, hướng dẫn học sinh khối lớp 10 chọn môn học, bảo đảm bám sát năng lực của học sinh, tạo sự hài hòa, không bị chênh lệch quá nhiều giữa các nhóm, môn học và tổ chức sắp xếp, ổn định lớp học ngay từ những ngày đầu năm học mới. Ðiều đó thực sự quan trọng góp phần tạo tâm lý tự tin cho cả học sinh và giáo viên khi thực hiện dạy và học theo Chương trình GDPT 2018.

Thầy BÙI XUÂN NHẬT,
Hiệu trưởng Trường THPT Đa Kia, huyện Bù Gia Mập

“Không chỉ nhà trường mà bản thân mỗi giáo viên cũng phải có sự chủ động trong việc lập kế hoạch, đổi mới phương pháp dạy học làm sao đáp ứng được yêu cầu đổi mới của Chương trình GDPT 2018. Quá trình thực hiện, trường thường xuyên kiểm tra, đánh giá theo từng đợt về chất lượng giáo dục các môn học, từng lớp học, từ đó tạo không khí thi đua dạy tốt, học tốt trong toàn trường” - thầy Nhật chia sẻ.

Vũ Thuyên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/162252/nam-hoc-dac-biet