Năm học mới 2020-2021: Nhiều ấp ủ, dự định cho học sinh

Năm học 2020-2021 đã chính thức bắt đầu. Đây là năm học có nhiều đổi mới. Ở bậc tiểu học, các bộ sách giáo khoa lớp 1 mới được đưa vào giảng dạy. Ở bậc THCS, Bộ GD-ĐT yêu cầu tăng cường giáo dục STEM (Science: Khoa học, Technology: Công nghệ, Engineering: Kỹ thuật và Maths: Toán học). Bộ GD-ĐT cũng đưa ra dự thảo về dạy học trực tuyến… Đứng trước những thay đổi này, đội ngũ giáo viên đang ấp ủ nhiều dự định đem đến cho học sinh những tiết học lý thú, bổ ích hơn.

Cô và trò Trường tiểu học Lý Thường Kiệt (TP.Biên Hòa) trong buổi tựu trường ngày 1-9. Ảnh: H.Yến

Cô và trò Trường tiểu học Lý Thường Kiệt (TP.Biên Hòa) trong buổi tựu trường ngày 1-9. Ảnh: H.Yến

* Tăng cơ hội trải nghiệm cho học sinh

Dù công tác ở trường học thuộc vùng sâu, vùng xa của tỉnh, nhưng từ 5 năm nay, cô Nguyễn Thị Ngân, Trường THCS Nam Cát Tiên (H.Tân Phú) đã mày mò nghiên cứu, áp dụng giáo dục STEM, tăng cường trải nghiệm sáng tạo cho học sinh. Càng đi sâu tìm hiểu và hướng dẫn học sinh làm nhiều dự án, cô Ngân càng thấy được những ưu điểm của hình thức học tập này. Thông qua hoạt động trải nghiệm, học sinh có thể phát huy được năng lực của bản thân, tham gia quá trình học tập một cách chủ động, tích cực hơn.

Tuy thế, việc áp dụng những hình thức dạy học tích cực như vậy ở các trường học thuộc vùng nông thôn là vô cùng khó khăn. Hơn ai hết, cô Ngân rất thấm thía điều này. Ngoài việc cả cô và trò cùng thiếu thời gian để đầu tư cho hoạt động sáng tạo thì điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường cũng không đủ để đáp ứng cho việc nghiên cứu, trải nghiệm của học sinh. Để làm được các dự án khoa học kỹ thuật, thường thì bản thân giáo viên phải tự bỏ tiền túi để đầu tư.

Cô Ngân bộc bạch: “Học sinh vùng này nhiều em còn nghèo, sau giờ học, các em phải tranh thủ đi làm phụ giúp cha mẹ nên không có cơ hội tham gia hoạt động trải nghiệm. Giáo viên chúng tôi cũng khó có cơ hội tham gia các lớp tập huấn”.

Tăng cường hoạt động trải nghiệm cho học sinh là một trong các nội dung sẽ được các trường học thực hiện trong năm học mới này. Trong ảnh: Giáo viên Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (TP.Biên Hòa) hướng dẫn học sinh tham quan khu vực vườn rau và vườn cây thuốc nam của trường. Ảnh: H.Yến

Tăng cường hoạt động trải nghiệm cho học sinh là một trong các nội dung sẽ được các trường học thực hiện trong năm học mới này. Trong ảnh: Giáo viên Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (TP.Biên Hòa) hướng dẫn học sinh tham quan khu vực vườn rau và vườn cây thuốc nam của trường. Ảnh: H.Yến

Khó khăn là vậy, nhưng cô không bỏ cuộc. Từ những lớp tập huấn cơ bản của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT, cô tìm tòi học hỏi thêm về giáo dục STEM và ứng dụng ngay vào thực tế giảng dạy. “Có những điều khi mới học tôi không hiểu hết nhưng càng làm tôi càng “ngấm” được ý tứ của báo cáo viên. Qua đó, tôi rút kinh nghiệm dần để lần sau làm tốt hơn lần trước. Năm học này chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu được áp dụng. Theo chương trình mới, hoạt động trải nghiệm sáng tạo sẽ được chú trọng hơn. Giáo viên nên tiếp cận hình thức này càng sớm càng tốt. Có như vậy thì khi bắt tay vào thực hiện chương trình mới sẽ không bị bỡ ngỡ”- cô Ngân chia sẻ.

Nói về kế hoạch cho năm học mới, cô Ngân cho biết, hiện tại cô đang tìm hiểu một số chủ đề để thiết kế nội dung cho học sinh thực hành và tham gia hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

* Giúp học sinh phát huy tính sáng tạo

Có 2 bằng đại học nên cô Trương Thị Trâm Anh, giáo viên Trường THCS Quang Trung (H.Tân Phú) được giao nhiệm vụ dạy 2 môn: Hóa học và Tin học. Hai môn học với 2 nội dung khác nhau nên việc chuẩn bị bài giảng vì thế cũng vất vả hơn. Tuy nhiên, bản thân cô Trâm Anh cho rằng mình được hưởng lợi nhiều từ việc dạy 2 môn.

Lĩnh vực công nghệ thông tin là lĩnh vực thay đổi hằng ngày. Vì thế, giáo viên cần cập nhật và phải có tư duy đổi mới. Đây cũng là nền tảng để học sinh tham gia học trực tuyến. Tuy là “môn phụ” nhưng Tin học hỗ trợ rất nhiều cho các bộ môn khác. Muốn học sinh hòa nhập với thế giới, có thể làm được nhiều dự án, sáng tạo… thì không thể thiếu bóng dáng môn Tin học.

Áp dụng Tin học cho môn Hóa học, cô giáo trẻ này thường yêu cầu học sinh chủ động lên mạng tìm kiếm tài liệu, thông tin; cách đánh giá, phản biện một dự án học tập. Cô và trò thường trao đổi online. Nhờ đó, cả giáo viên lẫn học sinh cùng tiết kiệm được thời gian. Học sinh chủ động hơn, học thêm được nhiều kiến thức và phát huy được kỹ năng.

Cô Trâm Anh cũng là giáo viên năng động, thường xuyên dạy học theo dự án, thực hiện giáo dục STEM, hướng dẫn học sinh tham gia các cuộc thi khoa học kỹ thuật… Cô chia sẻ: “Thông qua học tập theo dự án, học sinh phát huy được tính tích cực, thay đổi tư duy học tập. Quan trọng nhất là học sinh thay đổi được cách học, bằng cách tự học nhiều hơn. Các học sinh nhỏ tuổi có thuận lợi hơn giáo viên ở ý tưởng sáng tạo tốt hơn. Nếu giúp các em phát huy được ưu thế này, mai sau các em vào đời sẽ tốt hơn”.

Ngoài việc giúp học sinh phát huy được sự sáng tạo, tinh thần tự học thì giáo viên cũng cần hỗ trợ để học sinh nhận ra năng lực của bản thân. Cô Trâm Anh băn khoăn: “Chúng ta vẫn hay nói là dạy học theo hướng phát triển năng lực cho học sinh. Nhưng liệu học sinh có biết được năng lực của mình? Hay là năng lực của các em phụ thuộc vào tâm tư, nguyện vọng của cha mẹ? Cha mẹ mong con thành bác sĩ thì con phải học giỏi để thành bác sĩ, cha mẹ muốn con làm giáo viên thì năng lực của con là có thể trở thành giáo viên… Để biết được năng lực thực sự của học sinh, giáo viên chính là người tìm kiếm, hỗ trợ và truyền cảm hứng nhằm giúp học sinh có cách học phù hợp với năng lực riêng của mình”.

Nhiều giáo viên đang ấp ủ dự định tổ chức thêm hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh trong năm học này. Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Núi Tượng (H.Tân Phú) tham gia hoạt động STEM trong môn Hóa học

Nhiều giáo viên đang ấp ủ dự định tổ chức thêm hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh trong năm học này. Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Núi Tượng (H.Tân Phú) tham gia hoạt động STEM trong môn Hóa học

Với riêng bản thân mình, năm học này cô Trâm Anh sẽ tiếp tục hỗ trợ học sinh học tập theo dự án. Ngoài ra, cô sẽ chú trọng nhiều hơn đến việc hướng dẫn học sinh biết các kỹ năng học online. “Các dự án nhỏ nhằm giúp học sinh làm quen với phương pháp học tập mới; tăng tư duy phản biện, thuyết trình và có nhiều kỹ năng hơn để lên lớp trên. Bên cạnh đó, tôi sẽ cố gắng bổ sung năng lực ngoại ngữ cho học sinh, nhằm giúp các em hội nhập tốt hơn” - cô Trâm Anh cho hay.

* Giáo viên chủ động hơn

Do thời gian nhập học của năm học này muộn hơn mọi năm 2 tuần nên Bộ GD-ĐT đã có kế hoạch giảm tải chương trình cho các môn học. Việc giảm tải chương trình của 2 tuần so với hơn 30 tuần học của cả năm học sẽ không gây ảnh hưởng đến việc dạy và học của thầy và trò.

Tuy nhiên, năm học 2020-2021 vẫn là một năm học khó lường khi tình hình dịch bệnh Covid-19 còn tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó, việc chủ động nghiên cứu, thiết kế bài giảng, nội dung chương trình theo hướng kết hợp học trực tiếp và trực tuyến đang được nhiều giáo viên lưu tâm. Điều này cũng phù hợp với định hướng của Bộ GD-ĐT.

Thầy Phan Tấn Phú, giáo viên môn Toán Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (TP.Biên Hòa) cho rằng: “Đây là một hướng hay vì hiện nay, đa phần giáo viên vẫn chưa tận dụng được kênh liên lạc trực tuyến với học sinh. Nếu tận dụng được thì công nghệ sẽ hỗ trợ tốt cho cả thầy và trò. Các công cụ này còn giúp giáo viên theo dõi được tiến độ học tập của học sinh”.

Mặc dù đồng tình, thầy Phú vẫn không giấu được những e ngại. Đó là sự thiếu đồng đều, nhất quán trong việc thực hiện giữa các giáo viên. Cũng băn khoăn về sự chủ động của giáo viên, cô Nguyễn Thị Ngân tâm tư: “Khi mới bắt đầu triển khai một chương trình, nội dung hay phương pháp mới thường sẽ có sự chệch choạc. Có khi mỗi giáo viên nắm bắt vấn đề mỗi kiểu. Những giáo viên hào hứng thì sẽ làm rất hay, nhưng cũng không ít giáo viên có ý kiến trái chiều. Vì vậy, bản thân tôi mong rằng đội ngũ giáo viên sẽ hưởng ứng với những đổi mới trong ngành Giáo dục và có tâm thế sẵn sàng cho việc thay SGK mới trong thời gian tới đây”.

Giáo dục nhằm phát triển năng lực cho học sinh là một định hướng tốt. Lối giáo dục này sẽ giúp học sinh phát triển được tư duy. Nhưng nếu đợi đến khi các em học lên các lớp trên mới áp dụng thì sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì thế, các giáo viên ở bậc học, lớp học thấp hơn cần chủ động thực hiện trước để tạo nền tảng tốt cho học sinh ở những năm sau.

Theo cô Ngân, giáo viên phải có tâm và dành nhiều thời gian để nghiên cứu, đón trước thời đại nhằm chủ động trong dạy và học. Nếu cứ chờ cấp trên chỉ đạo rồi mới làm thì sẽ muộn. Với sự đa dạng các hình thức thông tin của thời đại công nghệ số hiện nay, việc tìm hiểu, dự đoán xu hướng giáo dục là không khó.

Toàn tỉnh có hơn 757 ngàn học sinh các cấp

Năm học 2020-2021, toàn tỉnh có khoảng 757 ngàn học sinh các cấp học từ mầm non đến THPT. Trong đó có hơn 602 ngàn học sinh ở các trường công lập và gần 155 ngàn học sinh ở các trường ngoài công lập.

So với năm học trước, số lượng học sinh ở các bậc học đều tăng. Trong đó, bậc tiểu học tăng gần 1.600 học sinh, bậc THCS tăng thêm hơn 14.500 học sinh, bậc THPT tăng thêm 4.770 học sinh.

Để đáp ứng nhu cầu học tập, các địa phương trong tỉnh đã đầu tư xây dựng thêm nhiều trường, lớp học. Có 9 trường học công lập tổ chức lễ khánh thành trong dịp khai giảng năm học mới (gồm 4 trường mầm non, 4 trường tiểu học, 1 trường TH-THCS).

Hải Yến

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202009/nam-hoc-moi-2020-2021-nhieu-ap-u-du-dinh-cho-hoc-sinh-3020588/