Năm học mới, Cà Mau vừa thiếu giáo viên, vừa phải 'học nhờ, ở tạm'
Năm học 2022-2023, ngành giáo dục đào tạo tỉnh Cà Mau nhiều lần tổ chức tuyển dụng số giáo viên còn thiếu, tuy nhiên kết quả tuyển dụng không đạt do số lượng thí sinh đăng ký ít hơn chỉ tiêu kế hoạch. Cùng với đó, toàn tỉnh vẫn còn tình trạng phải mượn, nhờ phòng học, nhiều nhất ở khối mầm non.
“Giật gấu vá vai”
Theo kế hoạch năm học 2023 – 2024, trên địa bàn tỉnh Cà Mau, số lượng giáo viên thiếu so với nhu cầu giảng dạy khá nhiều.
Cấp mầm non cần thêm khoảng 278 giáo viên. Cấp tiểu học cần thêm 75 giáo viên môn Thể dục, 38 giáo viên môn Tiếng Anh, 116 giáo viên môn Tin học. Cấp THPT thiếu giáo viên ở nhiều môn học như: Lịch sử, Địa lý, Thể dục, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Âm nhạc, Mĩ thuật…
Trong cuộc họp trước thềm năm học mới, ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh còn thiếu rất nhiều giáo viên nhưng công tác tuyển dụng gặp khó khăn.
Hơn nữa, số lượng giáo viên ở các tỉnh phía Bắc tăng cường vào Cà Mau từ 15 – 20 năm trước đến nay đều có nguyện vọng chuyển đi nơi khác, khoảng trên dưới 200 người/năm.
Số giáo viên này chuyển đi, cùng với số giáo viên nghỉ việc, chuyển công tác dẫn đến tỉnh thiếu rất nhiều giáo viên, nhất là địa bàn xa xôi như huyện Ngọc Hiển.
Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên ở địa phương, Sở GD&ĐT Cà Mau đang tập trung điều chuyển cán bộ quản lý, giáo viên phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh từ trường thừa sang trường thiếu.
Theo lãnh đạo sở GD&ĐT Cà Mau, trong điều kiện thiếu nguồn giáo viên, các trường sẽ chủ động về hợp đồng để đảm bảo thực hiện chương trình dạy học. Đặc biệt, các trường ở các huyện, thành phố và các trường trực thuộc Sở phải xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên theo vị trí việc làm và số lượng UBND tỉnh giao để đảm bảo cho năm học mới.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, thầy Lê Xuân Hùng, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ngọc Hiển cho biết, huyện có 15 trường tiểu học và 5 trường THCS. Trong đó, cấp tiểu học chỉ có 13 giáo viên môn Tiếng Anh và 3 giáo viên môn Tin học. Huyện có 4/15 trường không có giáo viên môn Tiếng Anh và 12/15 trường không có giáo viên môn Tin học.
“Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, Phòng đã xây dựng phương án phân công giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học dạy “liên trường” đối với lớp 3, lớp 4. Giáo viên cấp THCS sẽ tham gia giảng dạy môn Tin học, Tiếng Anh lớp 3, lớp 4 cấp tiểu học cho năm học mới”, thầy Hùng chia sẻ.
Thầy Hùng cho biết thêm, ở các trường có giáo viên được điều động về dạy Tiếng Anh, Tin học “liên trường, liên cấp”, nhà trường chịu trách nhiệm chi trả tiền tăng giờ (nếu có) theo quy định và hỗ trợ tiền xăng xe theo mức khoán cụ thể. Đây là năm thứ hai ngành giáo dục huyện Ngọc Hiển thực hiện phương án dạy kiểu “giật gấu vá vai” này.
Học nhờ, ở tạm
Theo thống kê, năm học 2023 – 2024, tỉnh Cà Mau có 476 trường, 293 điểm lẻ với khoảng 7.453 lớp học (tương đương khoảng 237.443 học sinh). So với năm học trước, tỉnh tăng thêm một trường mầm non (ở huyện Ngọc Hiển); giảm 8 trường tiểu học và giảm 2 trường THCS ở huyện Thới Bình.
Theo Sở GD&ĐT Cà Mau, toàn tỉnh vẫn còn tình trạng phải mượn, nhờ phòng học. Nhiều nhất ở khối mầm non với 139 phòng học mượn, nhờ. Khối tiểu học còn mượn, nhờ 17 phòng học. Khối THCS còn mượn, nhờ 20 phòng học trong khi khối THPT mượn, nhờ 2 phòng học.
Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, trường mầm non Khánh Bình Tây (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) năm học mới có gần 300 trẻ đến trường. Tuy nhiên, do trường đang trong giai đoạn nâng cấp nên địa phương tạo điều kiện cho Ban Giám hiệu nhà trường mượn tạm 5 phòng học của Trường phổ thông dân tộc nội trú Danh Thị Tươi cho trẻ học tạm nhưng rất chật hẹp.
Cô Trần Kiều Khen (Hiệu trưởng Trường mầm non Khánh Bình Tây) chia sẻ: “Đến thời điểm này, 5 phòng học mượn tạm đã được trang trí, dọn dẹp sẵn sàng cho năm học mới. Tuy phòng học có hơi hẹp nhưng phía Đảng ủy xã Khánh Bình Tây hứa sẽ tạo mọi điều kiện trang bị máy lạnh cho các cháu được thoải mái. Dự kiến, cuối tháng 12 nhà trường sẽ có nơi học tập mới khang trang, đầy đủ tiện nghi”.
Cũng tại huyện Trần Văn Thời, điểm trường trung tâm của khối cấp 2 - Trường THCS thị trấn Trần Văn Thời, hầu hết cơ sở vật chất đã xuống cấp. Ngoài ngôi nhà lớp học 2 tầng và phòng chức năng đang được đầu tư sửa chữa, nâng cấp chuẩn bị năm học mới, khu hiệu bộ dành cho giáo viên đã xuống cấp, cũ kĩ, thậm chí hư hỏng hoàn toàn. Tường bong tróc, nền gạch lún, vách ngăn tạm bợ,…
Tiếp phóng viên trong căn phòng làm việc tạm bợ, thầy Nguyễn Văn Đấu (Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Trần Văn Thời) thông tin, năm học mới này, nhà trường được đầu tư nâng cấp 20 phòng học, 8 phòng chức năng và xây mới nhà vệ sinh học sinh. “Hiện, cơ sở vật chất của nhà trường gặp khó như mặt bằng sân trường, khu hiệu bộ đang xuống cấp cần xây mới hoàn toàn”, thầy Đấu nói.