Năm học mới, chất lượng mới
Ngày khai giảng (5/9) năm nay có ý nghĩa đặc biệt, sau 1 năm học các em học sinh phải trải qua lễ khai giảng và nhiều tháng học trực tuyến. Lễ khai giảng năm nay thực sự là ngày hội của học sinh trên cả nước.
Cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh, toàn xã hội đã sẵn sàng tâm thế bước vào một năm học mới “đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo”.
Sẵn sàng tâm thế
Năm học 2022-2023, Hà Nội có hơn 1,6 triệu học sinh phổ thông. Thời điểm này, các nhà trường đã cơ bản hoàn tất các điều kiện đón năm học mới. Trong đó, việc bảo đảm đủ sách giáo khoa cho học sinh trước ngày khai giảng là mục tiêu, cũng là giải pháp của các nhà trường, nhằm tổ chức dạy - học chất lượng ngay từ những ngày đầu tiên của năm học.
Hiệu trưởng Trường THCS Xuân Giang (Sóc Sơn, Hà Nội) Nguyễn Duy Kiên cho biết, để tổ chức lễ khai giảng năm học 2022 - 2023, từ trước đó cán bộ, giáo viên nhà trường đã tập trung quét dọn, vệ sinh lớp học, chỉnh trang khuôn viên cây xanh. Trường cũng đã rà soát hệ thống trang thiết bị, cơ sở vật chất để bổ sung, bảo đảm phục vụ công tác dạy và học trong năm học mới. Đặc biệt, nhà trường duy trì liên lạc với cha mẹ học sinh, thông báo khung thời gian năm học, chi tiết lễ khai giảng cũng như công khai các khoản thu, chi đầu năm học theo đúng các quy định hiện hành.
Từ cuối tháng tháng 8, Trường tiểu học, THCS và THPT Khương Hạ (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã khẩn trương hoàn thiện những hạng mục cuối cùng trong sửa chữa hạ tầng lớp học để học sinh chính thức bước vào năm học mới. Trường Tiểu học La Khê (quận Hà Đông, Hà Nội) cũng mới lắp đặt xong hơn 100 bộ bàn ghế mới để kịp khai giảng năm học, đủ bàn ghế cho học sinh mới. Mọi công việc đều đã sẵn sàng để chuẩn bị cho lễ khai giảng.
Anh Lã Văn Thắng - phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, con anh học lớp 2 nhưng năm nay mới chính thức được tham gia lễ khai giảng ở trường tiểu học nên rất hào hứng. Dù nhà trường thông báo 7h15 có mặt ở trường để tổng duyệt lần cuối ngày 4/9, nhưng từ 6h30 cháu đã hoàn thành mọi công việc và xin bố đưa đến trường sớm để sắp xếp ghế cùng cô, tranh thủ gặp mặt trò chuyện với các bạn sau mấy tháng nghỉ hè.
Cũng rộn ràng chuẩn bị năm học mới, chị Phương Thanh (Mễ Trì Hạ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, năm nay con gái chị bắt đầu vào cấp 2. Từ khi nhập học trường mới vào giữa tháng 8, cháu đã tự chuẩn bị sách vở theo yêu cầu của cô giáo, tự bọc, dán sách và tự giác ôn tập theo hướng dẫn của giáo viên bộ môn mà không cần mẹ nhắc nhở như hồi tiểu học. “Trường mới, lớp mới, bạn bè cũng mới và con lớn hơn nên tự giác hơn, tôi rất mừng. Phụ huynh chúng tôi chẳng mong gì hơn một năm học an toàn, không dịch bệnh, con trẻ được đến trường, học tập vui vẻ mỗi ngày đúng với tuổi thơ của các con” - chị Thanh bày tỏ.
Em Nguyễn Mai Anh (học sinh lớp 10A1 Trường THPT Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, em rất vui vì đã đỗ vào ngôi trường cấp 3 mơ ước. Em sẽ nỗ lực học tập, phấn đầu mỗi ngày vì mục tiêu tiếp theo là thi đỗ vào trường đại học sư phạm, trở thành giáo viên như mong ước từ ngày bé. “Em đã sẵn sàng để cùng bạn bè, thầy cô viết nên những kỷ niệm đẹp dưới mái trường này” - Mai Anh nói.
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, năm học 2022-2023 và các năm tới sẽ là giai đoạn trọng tâm của quá trình đổi mới. Trong đó, có việc triển khai dạy theo chương trình mới đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10. Thẩm định sách giáo khoa các lớp 4, lớp 8, lớp 11 và chuẩn bị biên soạn cho lớp 5, lớp 9 và lớp 12. “Muốn đổi mới về phương pháp dạy và học, về kiểm tra, đánh giá thì trước hết đội ngũ giáo viên phải không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực về cả kiến thức, kỹ năng sư phạm. Chỉ khi nào lực lượng giáo viên thay đổi tích cực, phát triển thì nhiệm vụ đổi mới giáo dục của toàn ngành mới được thực hiện tốt” - ông Sơn nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp đổi mới giáo dục.
Chuẩn bị đội ngũ, nâng cao chất lượng dạy và học
Là một trong những địa bàn nóng về sĩ số học sinh, quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã xây mới, thành lập mới 3 trường công lập, 27 trường được xây dựng, cải tạo, sửa chữa, bổ sung trang thiết bị dạy học,… Trưởng phòng GDĐT quận Hoàng Mai Phạm Đàm Thục Hạnh cho biết, khối trường công lập của quận có 1.765 lớp, 79.618 học sinh (tăng 68 lớp, 3.782 học sinh so với năm học trước). Đây là một sức ép rất lớn về đảm bảo cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và chất lượng dạy và học. Quận đã chủ động xây dựng 7 giải pháp chính, trong đó chú trọng xây dựng môi trường giáo dục nhân văn, an toàn, lành mạnh, thân thiện, không có bạo lực học đường; đẩy mạnh phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh THCS; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; tập trung nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, khuyến khích các trường sử dụng tiếng Anh trong giảng dạy.
Bà Lê Thị Anh Minh - giáo viên Trường Tiểu học Tân Phú (Phú Thọ) cho biết, với đặc thù là một huyện miền núi với học sinh phần lớn là người dân tộc thiểu số, để giảng dạy các môn học đều gặp ít nhiều khó khăn, nhất là với môn tiếng Anh chưa được nhiều phụ huynh quan tâm, tạo điều kiện. Bà phải tìm mọi cách đổi mới ý tưởng và lựa chọn cách dẫn dắt cho thật khéo léo, tự nhiên mà vẫn đạt được mục đích của bài giảng. Thông qua các hoạt động vui chơi của học sinh, những mẩu giấy dán trên bảng, đồ vật... để tạo hứng thú cho học trò, từ đó các em sẽ tiếp nhận kiến thức một cách nhẹ nhàng. Bà Minh mong trong năm học mới, ngành giáo dục tiếp tục có sự quan tâm đến công tác giáo dục cho học sinh vùng núi, vùng khó khăn, nhất là với môn học tiếng Anh. Nhất là về các trang thiết bị hiện đại hơn, có khả năng kết nối internet tốt hơn nhằm giúp cho việc học tập tiếng Anh một cách hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh - Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Đồng (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, từ cuối tháng 8, nhà trường đã tổ chức họp Hội đồng Sư phạm để triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 với 6 nhiệm vụ trọng tâm, 16 hoạt động cụ thể cần triển khai trong thực tế để hoàn thành mục tiêu năm học. “Để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2022-2023, nhà trường luôn chú trọng phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và đáp ứng yêu cầu về chất lượng triển khai Chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học. Thực hiện linh hoạt, tuyển dụng, bố trí, sắp xếp đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ đào tạo, được bồi dưỡng về chuyên môn để triển khai thực hiện đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3. Xây dựng và triển khai kế hoạch tập huấn cho các đối tượng thực hiện Chương trình GDPT 2018. Đặc biệt là xây dựng và triển khai tốt kế hoạch tập huấn cho đội ngũ giáo viên dạy lớp 4 chuẩn bị cho năm học 2023-2024” - bà Anh cho biết.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GDĐT:
Niềm tin trong giáo dục
Năm học 2022-2023, vấn đề học phí các cấp học, đặc biệt là bậc đại học được đặt ra với lo lắng của nhiều người khi hàng loạt trường tăng học phí và sẽ tiếp tục tăng theo lộ trình.Với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành, tôi cho rằng trong giáo dục rất khó để tăng "năng suất", chất lượng mà lại đầu tư quá thấp. Muốn chất lượng giáo dục cao phải đầu tư và quản lý nguồn lực cho tốt.
Vấn đề đặt ra hiện nay đó là niềm tin trong dân chúng. Khi có niềm tin, người dân sẵn sàng chi trả cho một nền giáo dục có chất lượng và công bằng. Người dân cần và muốn ở nền giáo dục đó, con em họ được đối xử công bằng trong tiếp cận vào giáo dục đại học mà không có sự phân biệt giữa các giai tầng, giữa kẻ giàu có hay người nghèo khó.
Chia sẻ chi phí trong giáo dục là cần thiết ở khá nhiều nền kinh tế và Nhà nước cần có chính sách nâng cao mức tín dụng hợp lý cho những học sinh, sinh viên nghèo như nhiều quốc gia khác. Đặc biệt ứng xử hết sức bình đẳng giữa giáo dục công lập và giáo dục ngoài công lập trong quá trình hình thành chính sách và thể chế.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội):
3 chữ lý trong nhà trường
Để chấm dứt hoàn toàn xô xát trong trường học là không thể. Tuy nhiên, các trường phải ngăn để nó không trở thành bạo lực học đường thông qua 3 chữ lý.
Thứ nhất là tâm lý. Ban giám hiệu và giáo viên phải quan tâm và nắm được tâm lý lứa tuổi học sinh. Ngoài làm chuyên môn, thầy cô cần trở thành nhà tâm lý để tổ chức những hoạt động giáo dục giá trị sống, kỹ năng mềm, giúp học sinh thích ứng với sự biến động của xã hội và thay đổi của chính các em.
Thứ hai là quản lý. Để giáo viên thực hiện nhiệm vụ giáo dục tâm lý của mình, ban giám hiệu cần làm tốt công tác quản lý, tạo điều kiện và phân công các bộ phận để cùng hỗ trợ thầy cô. Khuyến khích các lớp sử dụng tiết sinh hoạt để tổ chức hoạt động tương tác, trò chuyện thay vì trách mắng học sinh vi phạm nội quy, làm lớp bị trừ điểm thi đua. Việc tổ chức cho các em nhiều hoạt động vui chơi, giải tỏa năng lượng cũng là cách tích cực để ngăn bạo lực học đường.
Thứ ba là pháp lý. Để ngăn chặn bạo lực học đường, các trường cần xây dựng nội quy chặt chẽ, phù hợp. Khi học sinh vi phạm, nhà trường chiếu theo nội quy để xử lý, tránh để các em cảm thấy không phục hoặc vô lý. Các hình phạt giúp học sinh nhận thức hậu quả và học cách chịu trách nhiệm cho việc làm của mình.
Hàn Minh (ghi)
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nam-hoc-moi-chat-luong-moi-5695698.html