Năm học mới - giải bài toán cũ (Bài 1: Bao giờ hết cảnh 'giật gấu vá vai'?)

Năm học mới 2019-2020, toàn TP Đà Nẵng tăng trên 6.000 HS ở hầu hết các cấp bậc học. Cùng số lượng HS tăng tịnh tiến (nhất là bậc học mầm non và tiểu học), đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất trường lớp nhằm đảm bảo 100% học sinh tiểu học (HS TH) trên toàn TP được học 2 buổi/ngày là những vấn đề đang được toàn xã hội dành sự quan tâm đặc biệt.

Năm học mới 2019-2020, toàn TP Đà Nẵng tăng trên 6.000 HS ở hầu hết các cấp bậc học. Cùng số lượng HS tăng tịnh tiến (nhất là bậc học mầm non và tiểu học), đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất trường lớp nhằm đảm bảo 100% học sinh tiểu học (HS TH) trên toàn TP được học 2 buổi/ngày là những vấn đề đang được toàn xã hội dành sự quan tâm đặc biệt.

GV bậc TH rất vất vả trong việc dạy trẻ vào lớp 1 các kỹ năng, tư thế ngồi học... (ảnh có tính chất minh họa)

GV bậc TH rất vất vả trong việc dạy trẻ vào lớp 1 các kỹ năng, tư thế ngồi học... (ảnh có tính chất minh họa)

"Đỏ mắt" tìm giáo viên

Một trong 2 vấn đề bức xúc nhất của ngành GD-ĐT TP Đà Nẵng trước thềm khai giảng năm học trước là thiếu giáo viên (GV), nhất là bậc mầm non (MN). Rút kinh nghiệm từ năm học trước, năm nay, trên cơ sở giao chỉ tiêu biên chế của Sở Nội vụ TP, hầu hết Phòng GD-ĐT phối hợp Phòng Nội vụ các quận, huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức thi tuyển viên chức giáo dục trong dịp hè với mục tiêu đáp ứng đủ đội ngũ GV trước ngày khai giảng năm học mới. Tuy nhiên sau khi thi tuyển, một số quận, huyện vẫn tuyển không đủ chỉ tiêu được giao.

Đơn cử H.Hòa Vang- địa bàn năm học trước thiếu GV nhiều nhất, năm nay, được Sở Nội vụ quan tâm, giao biên chế GV theo đúng tỉ lệ GV/lớp ở các bậc học; thế nhưng, sau khi tổ chức thi tuyển, toàn huyện thiếu đến 58 chỉ tiêu. Cụ thể, ngoài bậc THCS tuyển đủ GV, ở bậc học Tiểu học (TH) chỉ tiêu giao 70 GV nhưng chỉ có 41 hồ sơ đăng ký dự tuyển và trúng tuyển 35 người; bậc MN chỉ tiêu 46, tuyển được 23 GV. Tương tự, Q.Ngũ Hành Suơn được giao chỉ tiêu 86 GV, nhưng qua thi tuyển chỉ tuyển được 55 chỉ tiêu. Cụ thể, bậc học MN chỉ tiêu 39 GV nhưng mới tuyển được 12, thiếu 27 GV; bậc TH chỉ tiêu 39 GV, tuyển được 37; THCS chỉ tiêu 8 GV, tuyển được 6 GV. Bà Trần Thị Loan - Phó Phòng Phụ trách Phòng GDĐT Q.Ngũ Hành Sơn- cho biết thêm, đây chỉ là số thiếu theo chỉ tiêu được Sở Nội vụ giao. Nếu theo số lượng tại tờ trình số 154 (ngày 29-5) của UBND Q.Ngũ Hành Sơn trình Sở Nội vụ đề nghị phê duyệt "kế hoạch số lượng người làm trong các đơn vị sự nghiệp GD-ĐT trên địa bàn quận" nhằm đảm bảo đủ GV cho năm học mới 2019-2020 thì còn thiếu thêm 38 GV.

Ngay như Q.Hải Châu, chỉ tiêu giao là 141 GV cho ba cấp học: MN, TH, THCS, tuy nhiên do số HS ra lớp đầu cấp trong năm học này tăng, nên quận hiện còn thiếu gần 30 GV. Q.Liên Chiểu được phân bổ 103 chỉ tiêu GV ở 3 cấp học, cũng với lý do số lượng HS tiếp tục tăng tịnh tiến nên vẫn thiếu GV.

Giải bài toán khó

Trao đổi lãnh đạo Phòng GD-ĐT một số quận, huyện được biết, nguyên nhân khiến tình trạng GV luôn ở trong tình thế "giật gấu vá vai" xuất phát từ 3 vấn đề sau đây: Hàng năm, Sở Nội vụ giao chỉ tiêu biên chế dựa trên số liệu thống kê của điều tra phổ cập giáo dục cuối năm trước. Trong khi đó, đặc thù của ngành GD-ĐT là một năm học được vắt qua 2 năm, bắt đầu từ giữa năm này sang giữa năm sau. Vì thế, bước vào năm học mới, số lượng HS thực tế ở các cấp bậc học, nhất là đầu cấp luôn có sự chênh lệch khá lớn so với số liệu thống kê từ điều tra phổ cập. Nhiều năm trở lại đây, TP Đà Nẵng tiếp nhận số lượng khá lớn dân di cư ở những tỉnh thành khác đến lập nghiệp, sinh sống và học tập. Theo đó, tình hình HS ra lớp vào đầu năm học mới trên địa bàn TP luôn tăng tịnh tiến...

Ngoài nguyên nhân trên, sở dĩ số lượng GV luôn thiếu còn do không đủ nguồn tuyển và từ bất cập giữa tiêu chí thi tuyển viên chức giáo dục với việc xếp lương theo hạng GV đầu vào của Đà Nẵng. Theo quy định chung của Bộ GD-ĐT, đối với bậc MN và TH, khi tuyển dụng GV chỉ yêu cầu bằng cấp từ Trung cấp sư phạm (SP) đúng chuyên ngành trở lên. Những GV này sau khi trúng tuyển sẽ được xếp GV hạng 4 với mức lương có hệ số là 1,86. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng đội ngũ GV, TP Đà Nẵng có quy định đối tượng dự tuyển đối với bậc học MN và TH phải là bằng ĐH SP đúng chuyên ngành trở lên. Nghịch lý la khi trúng tuyển, lương của họ lại được xếp theo hạng GV đầu vào đúng quy định của Bộ GD-ĐT là GV hạng 4 với hệ số lương 1,86. Với tiêu chí này, ngay cả trong trường hợp có đủ nguồn tuyển chăng nữa thì SV tốt nghiệp ĐH SP đúng chuyên ngành đào tạo sẽ chọn đăng ký vào dạy tại các trường tư với mức lương thỏa thuận hơn là "trầy vi, tróc vảy" tham gia kỳ thi tuyển viên chức để rồi nhận mức lương khởi điểm không tương xứng tấm bằng ĐH. Một nguyên nhân khác, năm học mới 2019-2020 là năm đầu tiên thực hiện Đề án thí điểm nhận trẻ từ 6-18 tháng tuổi ở một số trường MN công lập. Điều này đòi hỏi cần bổ sung thêm đội ngũ GV.

Trước phản ánh của ngành về việc không đủ nguồn để tuyển biên chế công chức ngành GD do vướng về tiêu chí người tuyển dụng phải có bằng ĐH trở lên, trên cơ sở đề xuất của Sở Nội vụ, ngày 13-6, Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND TP có Công văn số 161 thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP đồng ý hạ tiêu chuẩn tuyển dụng viên chức GV đối với bậc học MN là từ bằng CĐ trở lên. Tuy nhiên, khi công văn được ban hành thì phần lớn các quận, huyện đã có thông báo thi tuyển và đã nhận xong hồ sơ dự tuyển.

Liên quan đến tình hình thiếu- đủ GV trên địa bàn toàn TP, bà Lê Thị Bích Thuận- Giám đốc Sở GD-ĐT TP- lý giải: "Đối với bậc THCS và THPT, cơ bản tuyển đủ GV theo định mức. Đối với bậc TH, số lượng GV tham gia tuyển dụng không thiếu, nhưng riêng tại Hòa Vang, số lượng dự tuyển thấp hơn chỉ tiêu. Tuy nhiên, hiện Hòa Vang vẫn còn 41 GV hợp đồng lao động có trình độ trung cấp hoặc CĐ không dự tuyển được nên sau khi tuyển dụng, nếu vẫn tuyển chưa đủ chỉ tiêu thì vẫn còn số GV này giảng dạy. Tương tự, ở bậc MN, tuy số lượng tuyển thiếu nhưng vẫn còn nhiều GV trình độ trung cấp hoặc CĐ đang hợp đồng lao động giảng dạy tại các trường của các quận, huyện. Riêng Ngũ Hành Sơn còn thiếu nhiều, tuy nhiên, theo Sở Nội vụ, vẫn còn nhiều GV MN trên địa bàn có thể hợp đồng được". Ngoài ra, trên cơ sở tổng rà soát lại số lượng HS ra lớp, tình hình trường lớp, Phòng GDĐT các quận, huyện còn thiếu GV sẽ tham mưu lãnh đạo UBND xin TP chủ trương tiếp tục cho tổ chức thi tuyển để đảm bảo đủ số biên chế đã được giao.

Với cách giải quyết này, tình hình đội ngũ GV trên địa bàn TP Đà Nẵng tuy thiếu nhưng cơ bản vẫn đảm bảo công tác dạy-học cho năm học mới. Tuy nhiên, đây chỉ là cách giải quyết mang tính tình thế. Lâu dài, để giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu đội ngũ GV trước thềm năm học mới, bài toán căn cơ nhất cần làm là làm tốt công tác dự báo nguồn tuyển cũng như thay đổi công tác điều tra phổ cập giáo dục dựa trên đặc thù của ngành GD-ĐT. Nếu không, tình trạng "giật gấu vá vai" về đội ngũ GV sẽ còn tiếp diễn dài dài!

(còn nữa)

P.THỦY

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_211488_nam-ho-c-mo-i-gia-i-bai-toan-cu-ba-i-1-bao-gio-he-t-ca-nh-gia-t-ga-u-va-vai-.aspx