Nậm Khắt 'cầm tay chỉ việc' người dân về sử dụng phân bón cho cây hoa hồng

Thời gian qua, bằng cách' cầm tay chỉ việc', UBND xã Nậm Khắt (Mù Cang Chải) và các đơn vị liên quan đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn giúp đồng bào Mông nâng cao nhận thức, sử dụng phân bón đúng kỹ thuật trong trồng và chăm sóc cây hoa hồng để chấm dứt việc gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các hộ dân lân cận.

Trồng hoa hồng đã tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân xã Nậm Khắt.

Trồng hoa hồng đã tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân xã Nậm Khắt.

Nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng đúng hướng trên cơ sở khai thác lợi thế khí hậu, thổ nhưỡng, huyện Mù Cang Chải nói chung, xã Nậm Khắt nói riêng những năm gần đây trở thành mảnh đất màu mỡ thu hút nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Qua đó đã hình thành các mô hình, các hợp tác xã (HTX), hộ gia đình đầu tư vào sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, hiệu quả kinh tế cao. Một trong đó là mô hình trồng rau, trồng hoa hồng trên đất Nậm Khắt, trong đó diện tích hoa hồng đến nay là 82 ha.

Với cách làm HTX thuê đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả các hộ chuyển sang trồng hoa, trồng rau đặc sản (cải mầm đá), đồng bào Mông nơi đây không phải lo bám ruộng, lo mất mùa như trước nữa, mà thay vào đó là liên kết, hợp tác cùng nhau chuyển đổi cơ cấu cây trồng để sản xuất, nâng cao giá trị canh tác trên cùng một đơn vị diện tích, tạo thu nhập và việc làm ổn định lâu dài cho chính họ.

Lợi ích từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã được khẳng định. Tuy nhiên, một số hộ đồng bào Mông trồng hoa ở Nậm Khắt do chưa nắm bắt được kỹ thuật nên vẫn áp dụng thói quen canh tác cũ gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Ông Lã Văn Chương - Giám đốc HTX Hoa Nậm Khắt cho biết, để cây hoa hồng sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất hoa cao bên cạnh yếu tố khí hậu còn đòi hỏi người trồng sử dụng thêm các loại phân bón hữu cơ thông thường như: phân gà, phân lân NPK, thuốc phòng nấm, thuốc trừ sâu… Do nhận thức về quản lý sử dụng các loại phân bón, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật còn hạn chế nên một số hộ chưa áp dụng đúng quy trình chăm sóc, bón phân, bón thuốc gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các hộ dân sinh sống gần các cánh đồng hoa.

Để khắc phục tình trạng trên, HTX đã đẩy mạnh tuyên truyền người trồng hoa tại xã nâng cao nhận thức, chủ động sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và được phép lưu hành trên thị trường. Bằng cách "cầm tay chỉ việc", HTX phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục tập huấn, hướng dẫn cho người dân về cách ủ phân hữu cơ bón cho cây hoa hồng đảm bảo đủ nguyên liệu, đúng kỹ thuật trộn, đảm bảo thời gian ủ từ 2 đến 3 tháng; hướng dẫn người dân thời điểm bón lót, bón thúc, cách bón rải, bón theo rãnh xung quanh gốc cây và pha loãng phân hữu cơ với nước để bón lên lá cây. HTX đặc biệt lưu ý người dân bón phân tươi cho hoa hồng phải là loại phân được ủ kỹ, không được bón quá nhiều và kết hợp với bón phân hữu cơ vi sinh cho cây…

Ông Chương ví dụ: "HTX đã ngay lập tức họp bàn với các thành viên và các hộ trồng hoa tại xã để thống nhất không bón phân gà tươi cho cây hoa hồng vào mùa mưa và đề nghị người dân chấp hành đúng yêu cầu kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân cho cây. HTX cũng có biện pháp xử lý nghiêm để các hộ không tái diễn tình trạng trên”.

Hiện xã Nậm Khắt có gần 400 ha đất được doanh nghiệp, HTX, người dân sử dụng để trồng hoa, trồng rau màu công nghệ cao. Việc chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng rau, trồng hoa hồng đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, hàng trăm lao động địa phương có việc làm ổn định, tăng thu nhập góp phần từng bước giúp cho xã Nậm Khắt hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, để duy trì vùng rau và hoa, hàng ngày, một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng để phun bảo vệ. Theo tính toán của các nhà vườn, hơn 50% chi phí cho việc trồng hoa là dành để mua thuốc bảo vệ thực vật và phân bón. Qua thực tế phản ánh của người dân về tình trạng mùi hôi thối do một số hộ trồng hoa sử dụng phân gà tươi để bón gây ô nhiễm không khí, xuất hiện nhiều ruồi nhặng, cùng với khi phun thuốc bảo vệ thực vật cũng gây mùi khó chịu cho các hộ dân sống gần cánh đồng hoa.

Trước thực trạng trên, cùng với nỗ lực hướng dẫn, kiểm soát của HTX Hoa Nậm Khắt, xa Nậm Khắt cũng đã chỉ đạo duy trì 82 ha diện tích hoa hồng hiện có để tiếp tục kiểm tra, tuyên truyền nhắc nhở các hộ trồng hoa chấp hành việc bón phân, phun và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng các loại chủng loại thuốc được phép sử dụng để không gây ô nhiễm môi trường.

Ông Thào A Phềnh - Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt cho biết: "Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch cụ thể để xác định vùng trồng hoa, trồng rau củ quả an toàn trên địa bàn thành những vùng khác nhau, đảm bảo yếu tố quy hoạch, không chồng lấn ảnh hưởng đến nhau. Đến thời điểm này, xã không mở rộng diện tích trồng cây hoa hồng nữa mà tập trung phát triển mô hình trồng cà chua, trồng ớt. Để hạn chế tình trạng bón phân, phun thuốc cho cây hoa hồng, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm quy trình, kỹ thuật chăm sóc cây trồng các loại đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo an ninh lương thực tại địa phương”.

Hiệu quả kinh tế từ việc trồng cây hoa hồng và các loại cây nông nghiệp tại xã Nậm Khắt đã đạt những kết quả bước đầu nhưng trong quá trình phát triển rất cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cấp chính quyền địa phương trong việc nâng cao nhận thức, kỹ năng và ý thức cho người dân vùng cao còn nhiều hạn chế về kỹ thuật canh tác trong chấp hành việc sản xuất gắn liền với bảo vệ môi trường, cảnh quan chung.

Hoài Văn

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/326717/nam-khat-cam-tay-chi-viec-nguoi-dan-ve-su-dung-phan-bon-cho-cay-hoa-hong.aspx