Năm khốc liệt của thị trường lao động
Giảm giờ làm, cắt giảm lao động, thậm chí đóng cửa nhà máy cho công nhân nghỉ Tết sớm... là thực trạng đã và đang diễn ra tại hàng loạt doanh nghiệp ở nhiều ngành nghề.
Quay trở lại thị trường lao động sau 6 tháng nghỉ sinh, chị Hà Giang (30 tuổi, quận 7, TP.HCM) không khỏi lo lắng. "Gia đình khuyên tôi ở nhà chăm sóc em bé rồi ra Tết đi làm lại nhưng tôi rất căng thẳng khi thấy bạn bè chật vật tìm việc làm. Bên cạnh đó, việc có con nhỏ cũng khiến tôi gặp nhiều bất lợi trong mắt nhà tuyển dụng", chị chia sẻ.
Suốt 2 tháng qua, chị Giang đã gửi CV và đi phỏng vấn cho vị trí sale admin (nhân viên hỗ trợ kinh doanh) nhưng vẫn chưa tìm được công việc như mong muốn.
Thực tế, không chỉ chị Giang mà hàng trăm nghìn lao động khác đã và đang đối mặt với tình cảnh mất việc làm và gặp trở ngại khi tìm kiếm công việc mới. Nhiều lao động đánh giá tình trạng cắt giảm lao động năm nay còn khốc liệt hơn những năm trước - thời điểm đại dịch Covid-19 hoành hành.
Chật vật trong "bão" sa thải
Báo cáo của Tổng cục Thống kê về thị trường lao động quý III cho biết đã có hơn 118.000 người lao động bị mất việc, tập trung chủ yếu ở TP. HCM, Bình Dương, chiếm quá nửa tổng số lao động mất việc trên cả nước, do các địa phương này có nhiều lao động thuộc ngành dệt may và da giày...
Cơ quan thống kê đánh giá tình trạng hàng trăm nghìn lao động buộc phải nghỉ việc, giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp diễn ra từ quý IV/2022 và đã giảm nhiệt trong quý này.
Nhưng thực tế, nhiều lao động ở các ngành nghề vẫn chứng kiến xu hướng ngược lại - tiếp tục bị cắt giảm, thậm chí có người đã bị cho nghỉ Tết sớm, điều mà ngay cả thời điểm dịch bệnh căng thẳng nhất cũng ít xảy ra.
Với ngành bán lẻ, "ông lớn" bán lẻ điện thoại, điện máy là Thế Giới Di Động vừa qua đã thông báo tiếp tục đóng hàng loạt cửa hàng trong quý IV. Chỉ sau 1 năm, doanh nghiệp này đã cắt giảm tới 11.857 nhân sự. Với việc đóng thêm gần 150 cửa hàng trong tháng 10 và 11, số lượng nhân viên của doanh nghiệp mất việc có thể tiếp tục tăng lên con số hàng trăm người.
Ngành bất động sản, dệt may, da giày cũng đang chứng kiến những đợt sa thải mạnh. Từ ngày 26/11, Công ty CP Phát triển và Kinh doanh nhà (HDTC) đã cho toàn bộ cán bộ, nhân viên tạm thời nghỉ việc không lương với lý do "cạn tiền". Tương tự, do không còn đơn hàng, một công ty dệt may gần 4.000 nhân sự nay cũng chỉ còn 37 người.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp trong ngành công nghệ cũng có xu hướng cắt giảm nhân sự. Chị Nguyễn Hoa (26 tuổi, Hà Nội) cho biết từ tháng 10 công ty chị ở Duy Tân, Cầu Giấy đã sa thải hết bộ phận thiết kế, sau đó một số bộ phận khác cũng bị cắt giảm. "Hiện nhân sự cả công ty chỉ còn chưa đến 5 người. Nhiều đồng nghiệp mất việc cũng phải chật vật tìm việc mới", chị nói.
Trong khi đó, thời gian tìm việc của Duy Anh (28 tuổi, TP Thủ Đức) đã kéo dài 6 tháng. Sau 3 tháng nghỉ việc, Duy Anh từng tự tin quay lại thị trường lao động vì đã có 6 năm kinh nghiệm làm việc tại các agency quảng cáo. Tuy nhiên, đến nay, anh không phủ nhận việc mình "rất căng thẳng, thậm chí mất ăn mất ngủ" khi đã thất nghiệp một thời gian khá dài.
"Suốt 6 tháng, tôi đã gửi hàng trăm email xin việc và đi phỏng vấn nhiều lần nhưng vẫn chưa lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng. Nhiều công ty tôi phải phỏng vấn, làm bài test 2-3 vòng nhưng vẫn bị đánh trượt ở vòng cuối", chàng trai 28 tuổi chia sẻ.
Thị trường lao động năm 2024 khó đoán
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó tổng giám đốc Công ty tư vấn nhân sự Talentnet cho biết sau năm 2023 đầy biến động, bức tranh năm 2024 trở nên khó đoán hơn bao giờ hết.
Số liệu thống kê từ báo cáo Talentnet - Mercer cho thấy chỉ 37% doanh nghiệp chắc chắn có nhu cầu tuyển dụng thêm trong năm 2024.
Theo bà Hương, ngành bất động sản có những tín hiệu tích cực sau khoảng thời gian dài "giậm chân" nhờ các chính sách của Nhà nước. Song, nhiều nhà đầu tư vẫn rất thận trọng với tình hình biến động chung của thị trường, nên việc tuyển dụng nhân sự có phục hồi nhưng sẽ chậm.
"Công nghệ cao là ngành chịu tác động mạnh trong năm 2023 khi các doanh nghiệp siết chặt chi phí, tinh gọn bộ phận công nghệ hoặc chuyển sang sử dụng nguồn lực thuê ngoài. Tuy nhiên, các dự án AI, Fintech từ châu Âu hoặc bán dẫn, sản xuất chip từ Mỹ hứa hẹn đầu tư vào thị trường Việt Nam trong năm 2024 hy vọng sẽ giúp tình hình nhân sự của ngành này khởi sắc hơn", bà đánh giá.
Với ngành sản xuất, lãnh đạo của Talentnet nhận định đây là ngành chịu tác động nặng nề năm 2023 với sự cắt giảm nhân sự mạnh mẽ. Tuy nhiên, để phục hồi trong năm mới, các doanh nghiệp ngành sản xuất vẫn có nhu cầu tuyển dụng cao, đặc biệt với các vị trí phát triển kinh doanh hoặc kỹ thuật để cải tiến sản phẩm, tìm kiếm cơ hội mới.
Người lao động trong năm 2024 cần chuẩn bị tâm lý sẽ khó tìm việc ưng ý do dấu hiệu phục hồi chưa mạnh của thị trường việc làm.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng giám đốc công ty tư vấn nhân sự Talentnet
Trong khi đó, các vị trí cấp trung và cấp phổ thông có dấu hiệu phục hồi nhẹ từ giữa quý IV, do một số thương hiệu lớn trên thế giới đang tích cực đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Theo vị này, người lao động trong năm 2024 cần chuẩn bị tâm lý sẽ khó tìm việc ưng ý. Bà Hương lý giải là do dấu hiệu phục hồi chưa mạnh của thị trường việc làm, đặc biệt ở các vị trí phổ thông và mức lương cũng sẽ khó cạnh tranh. Ngoài ra, những ai vẫn đang làm việc cũng nên mong đợi mức thưởng, tăng lương thấp hơn các năm trước.
Cùng với đó, lãnh đạo Talentnet khuyến khích người lao động cần trang bị các kỹ năng mới phức hợp. Vì sự lấn sân của AI trong rất nhiều hạng mục công việc, doanh nghiệp sẽ yêu cầu nhân sự mở rộng chuyên môn cả về chiều sâu lẫn chiều rộng.
Nguồn Znews: https://znews.vn/nam-khoc-liet-cua-thi-truong-lao-dong-post1450984.html