Nắm kỷ lục không mấy dễ chịu, kinh tế Nga vẫn đi lên, châu Á vô tình 'tiếp tay'?

37 quốc gia đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga kể từ khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022. Hơn 13.000 hạn chế được áp đặt - một kỷ lục không mấy dễ chịu mà đất nước này đang phải nắm giữ.

Chuyển hướng xuất khẩu đã giúp cho doanh số bán năng lượng của Nga duy trì ổn định. (Nguồn: WSJ)

Chuyển hướng xuất khẩu đã giúp cho doanh số bán năng lượng của Nga duy trì ổn định. (Nguồn: WSJ)

Cách Nga chống "bão" trừng phạt

Trên trang East Asia Forum, ông Nicholas Mulder tại Đại học Cornell nhận định, quy mô của các biện pháp trừng phạt kinh tế nói trên không có tiền lệ trong lịch sử. Các biện pháp trừng phạt bao gồm tài chính, năng lượng, công nghệ, du lịch, vận chuyển, hệ thống điện tử hàng không và hàng hóa nhằm vào một trong 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, theo tác giả Nicholas Mulder, khi các biện pháp trừng phạt áp lên Nga, nền kinh tế và triển vọng tăng trưởng của nước này đã bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đất nước này không sụp đổ.

Hơn một năm qua, nhiều yếu tố đã giúp Nga chống chọi với "bão" trừng phạt, trong đó, sự trỗi dậy của cường quốc thương mại châu Á, với tư cách là nhân tố tạo điều kiện cho chuyển hướng thương mại, đã góp phần làm giảm bớt các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Vào năm 2021, các nền kinh tế châu Á chiếm 39% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa toàn cầu. Xuất khẩu của khu vực này chiếm 36% xuất khẩu toàn cầu.

Ban đầu, các biện pháp trừng phạt chống lại Moscow đã đạt được những kết quả như dự định. Tuy nhiên, sau một cuộc khủng hoảng tài chính ngắn ngủi, Nga đã định tuyến lại phần lớn hoạt động thương mại đối với các nền kinh tế châu Á và vượt qua các khó khăn do lệnh trừng phạt gây ra.

Năm 2022, kinh tế Nga chỉ suy giảm 2,1%, ít hơn so với dự đoán trước đó là mức giảm ít nhất 12%.

Mới nhất, trong cuộc họp báo hôm 9/6, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) Elvira Nabiullina cho biết nền kinh tế Nga sẽ phục hồi hoàn toàn vào năm 2024, sau cuộc suy thoái do các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Bà Nabiullina nhấn mạnh, nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Nga đang chứng kiến mức tăng trưởng ổn định. Cụ thể, số liệu thống kê chính thức hồi tháng 4/2023 cho thấy hoạt động kinh doanh của nhiều ngành then chốt của nền kinh tế Nga - bao gồm sản xuất, xây dựng, bán lẻ, dịch vụ và ăn uống công cộng - đã tăng trưởng.

Các nền kinh tế châu Á đã đóng vai trò là điểm đến thay thế cho hàng xuất khẩu của Nga cũng như các nguồn nhập khẩu mới. Liên kết thương mại với Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, các quốc gia vùng Vịnh và các nước Trung Á đã thúc đẩy nền kinh tế Nga tiến lên.

Thương mại song phương giữa Nga và Trung Quốc tăng 29% vào năm 2022 và 39% trong quý đầu tiên của năm 2023. Con số này có thể đạt 237 tỷ USD vào cuối năm 2023 - lớn hơn tổng thương mại song phương của Trung Quốc với các nền kinh tế như Australia, Đức hay Việt Nam.

Cũng vào năm ngoái, thương mại của Nga với Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã tăng 68%, trong khi thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ tăng 87%. Đặc biệt, thương mại Nga-Ấn tăng 205% lên 40 tỷ USD vào năm 2022.

Chuyển hướng xuất khẩu đã giúp cho doanh số bán năng lượng của Nga - chiếm một phần lớn trong thương mại của nước này - duy trì ổn định.

Vào tháng 1/2022, các nước châu Âu đã nhập khẩu 1,3 triệu thùng dầu/ngày của Nga trong khi các khách hàng châu Á mua 1,2 triệu thùng. Đến tháng 1/2023, doanh số bán hàng của Nga sang châu Âu đã giảm xuống dưới 100.000 thùng/ngày nhưng xuất khẩu sang châu Á đã tăng lên 2,8 triệu thùng/ngày.

Nhu cầu của châu Á đã thay thế nhiều hơn cho sự sụt giảm xuất khẩu dầu sang châu Âu. Ấn Độ trở thành nước mua dầu thô vận chuyển bằng đường biển lớn nhất của Nga, mua hơn 1,4 triệu thùng/ngày kể từ đầu năm 2023.

Các nhà nhập khẩu Trung Quốc theo sát phía sau, mua từ 800.000-1,2 triệu thùng dầu/ngày vào năm 2022. Chỉ trong một năm, Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia vùng Vịnh đã thay thế hoàn toàn nhu cầu của châu Âu đối với xuất khẩu dầu của Nga.

Nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Nga đang chứng kiến mức tăng trưởng ổn định. (Nguồn: Bloomberg)

Nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Nga đang chứng kiến mức tăng trưởng ổn định. (Nguồn: Bloomberg)

Mô hình định tuyến thương mại

Các nhà xuất khẩu châu Á cũng đã lấp đầy một phần khoảng trống do các nhà cung cấp thiết bị sản xuất tiên tiến và công nghệ cao của phương Tây để lại tại Moscow. Các công ty Trung Quốc hiện chiếm 40% doanh số bán ô tô mới và 70% doanh số điện thoại thông minh ở Nga.

Việc phương Tây rút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp ô tô nội địa Nga. Nước này đã chuyển sang nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng của châu Âu và Nhật Bản thông qua các nước thứ ba, trong đó, ô tô mới chủ yếu đến từ Trung Quốc .

Song song với đó, Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) đã trở thành những nhà cung cấp vi mạch chính của Moscow.

Năm 2022, các công ty Nga chuyển hướng sang nhập khẩu chip tiên tiến hơn, với giá trị nhập khẩu chất bán dẫn và mạch điện tử tăng 36% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 9 so với năm 2021. Trong ngắn hạn, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ của phương Tây đã không tạo ra "nạn đói" chip ở Nga.

Ngoài ra, các đối tác thương mại của Nga trong Liên minh Kinh tế Á-Âu cũng đã đóng một vai trò trong việc bỏ qua các hạn chế xuất khẩu công nghệ. Những quốc gia Trung Á đang hoạt động tích cực như các đường dẫn nhập khẩu song song và thương mại quá cảnh cho đất nước của Tổng thống Putin.

Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu kết luận rằng, trong khi thương mại của Nga với Mỹ, Vương quốc Anh và Liên minh Châu Âu (EU) đã giảm đáng kể, thì xuất khẩu của EU và Vương quốc Anh sang Armenia, Kazakhstan và Kyrgyzstan… đã tăng rõ rệt theo một mô hình "phù hợp với việc định tuyến lại thương mại sang Nga".

Là khách hàng mới quan trọng đối với việc bán hàng hóa, người định giá cho xuất khẩu dầu của Nga trên thị trường toàn cầu, các nền kinh tế châu Á đã giảm đáng kể tác động từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với nền kinh tế Moscow.

Tác giả Nicholas Mulder kết luận: "Trong khi các biện pháp trừng phạt đã làm giảm tiềm năng tăng trưởng của Nga, nền kinh tế của nước này đã được duy trì nhờ sự tái tổ chức thương mại lớn.

Sự tham gia của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Singapore trong các biện pháp trừng phạt tài chính và công nghệ ít có tác dụng, một phần vì quan hệ thương mại giữa các quốc gia Đông Á này và Nga vẫn tiếp tục trong lĩnh vực sản xuất và thương mại năng lượng.

Những thực tế kể trên dường như sẽ làm phức tạp thêm việc phương Tây sẽ tiếp tục áp các lệnh trừng phạt và sử dụng lệnh trừng phạt với Nga trong tương lai".

(theo East Asia Forum)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nam-ky-luc-khong-may-de-chiu-kinh-te-nga-van-di-len-chau-a-vo-tinh-tiep-tay-230629.html