Nậm Lạnh nhiều mô hình kinh tế hiệu quả

Những năm qua, xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp, đã vận động nhân dân lựa chọn cây, con giống phù hợp với lợi thế địa phương, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Mô hình trồng cây ăn quả có múi của gia đình anh Vì Văn Thảo, bản Lọng Tòng, xã Nậm Lạnh, có thu nhập ổn định.

Mô hình trồng cây ăn quả có múi của gia đình anh Vì Văn Thảo, bản Lọng Tòng, xã Nậm Lạnh, có thu nhập ổn định.

Nậm Lạnh có trên 16.100 ha đất tự nhiên, trong đó 1.022 ha đất sản xuất nông nghiệp. Xã có 10 bản, 896 hộ dân. Ông Vì Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Nậm Lạnh, cho biết: Xã đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị cấp huyện, cấp tỉnh nghiên cứu khảo nghiệm trồng cây ăn quả có múi. Chiết, ghép cải tạo vườn tạp; trồng cỏ, chăn nuôi đại gia súc. Đồng thời, phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nhân dân; khuyến khích các hộ dân liên kết thành lập HTX, tổ hợp tác sản xuất, thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác với Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện cho các hộ nghèo, cận nghèo vay vốn, với tổng dư nợ trên 49 tỷ đồng để phát triển sản xuất.

Năm 2016, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Sốp Cộp đưa cây giống sa nhân tím trồng thử nghiệm. Huyện đã đầu tư 100 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình 135, hỗ trợ 15 hộ trồng 10 ha cây giống. Cùng với nguồn giống cây từ các HTX trên địa bàn đầu tư, đến nay, đã có 18 hộ trồng, với diện tích gần 19 ha, nhiều hộ có thu nhập từ 70 - 120 triệu đồng/năm từ trồng cây sa nhân tím.

Anh Lò Văn Nam, bản Phổng, xã Nậm Lạnh, chia sẻ: Năm 2018, gia đình tôi đầu tư trồng hơn 2 ha cây sa nhân tím dưới tán rừng và gần 1 ha cây ăn quả. Năm 2022, cây sa nhân tím bắt đầu cho thu hoạch, sản lượng đạt gần 2 tấn quả tươi, bán được hơn 70 triệu đồng. Hằng năm, gia đình tôi thu nhập từ 170 - 200 triệu đồng từ cây sa nhân và cây ăn quả.

Bên cạnh đó, bà con trong xã còn trồng 15 ha ngô lai; 425 ha lúa ruộng, lúa nương, sản lượng lương thực có hạt đạt trên 1.800 tấn/năm; chăm sóc 144 ha cây ăn quả các loại, chủ yếu là cam, bưởi, nhãn, xoài ghép, sản lượng đạt gần 340 tấn quả/năm. Các hộ dân phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng gia trại, trang trại tập trung; tận dụng đất hoang, đất vườn tạp trồng gần 15 ha cỏ phục vụ nuôi trên 3.600 gia súc. Đồng thời, nuôi hơn 27.000 con gia cầm; gần 660 đàn ong rừng lấy mật.

Nhân dân bản Lọng Tòng đang chăm sóc 18 ha cây ăn quả có múi, trong đó 16 ha đã cho thu hoạch, sản lượng đạt gần 90 tấn quả/vụ. Thu nhập bình quân đạt gần 32 triệu đồng/người/năm. Anh Vì Văn Thảo, bản Lọng Tòng, chia sẻ: Gia đình tôi trồng hơn 3 ha cam đường canh, cam Nà Mòn, bưởi da xanh và quýt chum và chăn nuôi bò sinh sản. Mỗi năm thu hoạch từ 13-15 tấn quả các loại, bán từ 4-6 con bò giống, 5-6 tạ gà thịt, thu nhập đạt 250 - 300 triệu đồng/năm.

Qua rà soát năm 2023, xã Nậm Lạnh có 4 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, 7 hộ cấp huyện, 15 hộ cấp xã; có 15 mô hình kinh tế thu nhập từ 200 triệu đồng/năm trở lên. Hiện nay, trên địa bàn xã có 2 HTX nông nghiệp đang xây dựng vùng trồng cây dược liệu, gồm cây sa nhân tím, khôi nhung, cây cát sâm, gừng, từng bước giúp bà con phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, cấp ủy, chính quyền xã Nậm Lạnh tiếp tục lãnh đạo nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, từng bước nâng cao thu nhập, phấn đấu mỗi năm giảm từ 2-3% hộ nghèo.

Bài, ảnh: Trường Sơn

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/nam-lanh-nhieu-mo-hinh-kinh-te-hieu-qua-NVXfgZkNg.html