Năm lĩnh vực định hình ảnh hưởng toàn cầu của Thổ Nhĩ Kỳ

Từ vai trò trung gian trong xung đột Nga - Ukraine đến tầm quan trọng trong khu vực Trung Đông và Trung Á, Thổ Nhĩ Kỳ đang vươn lên trở thành một nhân tố không thể thiếu trên bản đồ chính trị thế giới.

Tàu chở ngũ cốc di chuyển qua Eo biển Bosphorus ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: THX/TTXVN

Tàu chở ngũ cốc di chuyển qua Eo biển Bosphorus ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: THX/TTXVN

Theo Đài phát thanh châu Âu tự do (RFE/RL) mới đây, trong bối cảnh chính trị toàn cầu phức tạp, Thổ Nhĩ Kỳ đang khẳng định vai trò của mình ở 5 lĩnh vực then chốt, từ ngoại giao đến kinh tế, cho thấy tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của quốc gia này.

Thứ nhất, trong xung đột Nga - Ukraine: Thổ Nhĩ Kỳ đã thể hiện năng lực ngoại giao gây chú ý. Đáng ghi nhận là thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen ở giai đoạn đầu cuộc xung đột, giúp đảm bảo nguồn cung quan trọng cho các quốc gia Nam toàn cầu (các quốc gia đang phát triển và mới nổi ngoài phương Tây). Tầm quan trọng của nó được nhấn mạnh bởi thực tế là Mỹ đã đưa việc khôi phục nó trở thành ưu tiên chính trong các cuộc đàm phán với Nga và Ukraine.

Mặc dù là thành viên NATO, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vẫn duy trì mối quan hệ riêng với Nga. Điều thú vị là Thổ Nhĩ Kỳ vẫn hỗ trợ Ukraine thông qua việc cung cấp thiết bị bay không người lái Bayraktar, đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn đầu cuộc chiến.

Thứ hai, quan hệ với phương Tây: Nói về kinh doanh, đối tác thương mại lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ là Liên minh châu Âu (Eu) - chiếm khoảng một phần ba thương mại của nước này, theo số liệu thống kê của EU. Tuy nhiên, mối quan hệ với EU đang ở ngã rẽ quan trọng, đặc biệt sau khi quá trình gia nhập bị trì hoãn năm 2018.

Nhưng quan hệ giữa Brussels và Ankara có thể ấm lên. Khi châu Âu tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Washington về quốc phòng và thành lập một phái bộ quân sự tại Ukraine, lực lượng vũ trang của Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành một bên tham gia chủ chốt.

Thứ ba, tình hình Trung Đông và Iran: Trong khu vực Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ đang chứng tỏ là một nhân tố không thể bỏ qua. Ankara thường xuyên có những động thái can dự vào các vấn đề khu vực, từ cuộc xung đột ở Syria đến mối quan hệ phức tạp với Iran.

Các chuyên gia nhận định, Thổ Nhĩ Kỳ luôn thực hiện chính sách đối ngoại dựa trên các lợi ích kinh tế. Ihor Semyvolos, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông tại Kiev (Ukraine), cho biết động lực thúc đẩy chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ là kinh tế. “Về các vấn đề khu vực, Nga, Ukraine, Trung Đông, vai trò chính của Thổ Nhĩ Kỳ bị chi phối bởi các lợi ích kinh doanh”, ông Semyvolos nói.

Thứ tư, tại Trung Á: Ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ vượt ra ngoài Trung Đông và tiến vào Trung Á, nơi đại đa số người dân ở bốn quốc gia - Kazakhstan, Kyrgyzstan, Turkmenistan và Uzbekistan - nói tiếng Thổ. Ankara đại diện cho một trung tâm quyền lực thay thế, đặc biệt trong bối cảnh lo ngại về Nga.

Các chuyên gia như Assel Tutumlu từ Đại học Cận Đông chỉ ra rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung trong khu vực và thiết lập các hoạt động mua sắm, sản xuất vũ khí ngoài Nga.

Thứ năm, khu vực Balkan: Thổ Nhĩ Kỳ đang khẳng định vị thế là một trung tâm năng lượng quan trọng. Nước này là nhà cung cấp khí đốt chính cho Hungary, Romania và Serbia thông qua đường ống Turkstream.

“Ankara đang có nỗ lực mới để đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành trung tâm năng lượng hàng đầu của khu vực”, Karim Elgendy của Viện nghiên cứu Chatham House tại London nhận xét.

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ còn là nhà đầu tư lớn tại khu vực Balkan, với các dự án như tuyến đường cao tốc Belgrade-Sarajevo và kế hoạch sản xuất thiết bị bay không người lái tại Serbia.

Tóm lại, dù đang trải qua những biến động chính trị trong nước, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn giữ vai trò then chốt trên nhiều đấu trường quốc tế. Với chiến lược ngoại giao linh hoạt và định hướng kinh tế rõ ràng, quốc gia này đang từng bước mở rộng ảnh hưởng toàn cầu.

Vũ Thanh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/nam-linh-vuc-dinh-hinh-anh-huong-toan-cau-cua-tho-nhi-ky-20250330104921790.htm