Năm lĩnh vực ưu tiên trong Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN

Ngày 25/4, Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) lần thứ 33 và các cuộc họp liên quan diễn ra tại Kuching, đảo Sarawak (Malaysia) đã bế mạc.

Bộ trưởng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội các nước ASEAN chụp ảnh chung tại Hội nghị ASCC 33. Ảnh: Hằng Linh/PV TTXVN tại Malaysia

Bộ trưởng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội các nước ASEAN chụp ảnh chung tại Hội nghị ASCC 33. Ảnh: Hằng Linh/PV TTXVN tại Malaysia

Hội nghị xác định 5 lĩnh vực ưu tiên trong Kế hoạch chiến lược của ASCC và 3 kế hoạch chiến lược khác sẽ được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 46, dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới tại Kuala Lumpur, Malaysia. Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng dẫn đầu tham dự hội nghị.

Theo phóng viên TTXVN tại Malaysia, 5 lĩnh vực ưu tiên trong Kế hoạch chiến lược của ASCC gồm: Nghệ thuật và văn hóa; Y tế; Thanh thiếu niên và thể thao; Trí tuệ nhân tạo (AI), số hóa và việc làm Xanh; Hành động vì khí hậu.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ hiến bang Sarawak, Tiến sĩ Abang Haji Abdul Rahman Zohari Tun Datuk Abang Openg đã hoan nghênh sự tham dự của các Bộ trưởng và quan chức cấp cao của Hội đồng ASCC, đồng thời giới thiệu di sản văn hóa phong phú và đa dạng sinh học của Sarawak. Ông tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của Sarawak đối với sự phát triển bền vững của môi trường, nhấn mạnh rằng bảo vệ môi trường hỗ trợ khả năng phục hồi lâu dài, củng cố ngành du lịch và bảo vệ di sản văn hóa cho các thế hệ tương lai.

Ông cũng nhấn mạnh đến vị thế dẫn đầu của Sarawak trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, hydro, năng lượng Mặt Trời và thủy điện, vốn là những ngành đã đưa bang này trở thành một bên đóng góp quan trọng cho Lưới điện ASEAN, hiện đang cung cấp năng lượng sạch cho bang Sabah của Malaysia, Indonesia, Brunei Darussalam và Singapore.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Malaysia (MOTAC) Tiong King Sing cho biết, nghệ thuật và di sản văn hóa của ASEAN đóng vai trò là chất xúc tác cho sự phát triển bền vững cùng với tăng trưởng kinh tế. Theo ông, lĩnh vực này đã nổi lên như một trong những con đường hứa hẹn nhất để thúc đẩy tăng trưởng toàn diện, tạo việc làm, trao quyền cho cộng đồng địa phương và bảo tồn các truyền thống phong phú.

Ông nhấn mạnh, từ nghề thủ công cổ xưa đến nghệ thuật đương đại, từ lễ hội truyền thống đến di sản văn hóa và ẩm thực, di sản văn hóa là biểu hiện sống động của bản sắc và lịch sử chung. Ông kêu gọi các nước thành viên ASEAN đầu tư vào du lịch dựa trên nền tảng nghệ thuật và văn hóa và hợp tác giữa các bên trong việc tổ chức các trải nghiệm thực tế cho du khách.

Tham dự ASCC lần thứ 33 và các cuộc họp liên quan, ngoài sự điều hành của Thủ hiến bang Sarawak, Tiến sĩ Abang Haji, còn có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Malaysia, Tiong King Sing, các cán bộ cấp cao từ các quốc gia thành viên ASEAN (AMS) và Timor Leste với tư cách là quốc gia quan sát viên, Tổng thư ký ASEAN, Tiến sĩ Kao Kim Hourn.

Theo thống kê chính thức, nền kinh tế kết hợp của ASEAN đã tăng từ thứ 15 lên thứ 5 trên toàn cầu với tổng GDP là 3.800 tỷ USD và tổng dân số là 677 triệu người. Sự tăng trưởng phi thường này của ASEAN là do sự gần gũi và gắn kết giữa người dân với người dân và sự đa dạng văn hóa trong thống nhất của ASEAN.

Hằng Linh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nam-linh-vuc-uu-tien-trong-cong-dong-van-hoa-xa-hoi-asean-20250425172235668.htm