Nậm Lúc: Các trường học chưa thể tái giảng sau lũ dữ

Hoàn lưu bão số 3 đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà. Trong đó, các trường học trên địa bàn xã cũng bị nhiều thiệt hại nên việc học tập của học sinh đang bị gián đoạn và vẫn chưa xác định được thời điểm tái giảng.

Do bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ, đến nay các trường học ở xã Nậm Lúc vẫn chưa thể tái giảng.

Theo thông tin từ UBND huyện Bắc Hà, mưa lũ do hoàn lưu bão số 3 gây ra khiến nhiều trường học trên địa bàn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đến nay, toàn huyện có 47/56 trường do huyện quản lý và 4/4 trường thuộc Sở Giáo dục - Đào tạo và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên của huyện đã tổ chức dạy học trở lại. Tuy nhiên, huyện vẫn còn 9 trường, 2 điểm trường chưa thể tái giảng. Trong đó, xã Nậm Lúc là địa phương khó khăn nhất khi các trường học ở cả 3 cấp học (mầm non, tiểu học, THCS) vẫn chưa thể đón học sinh đến trường học tập do công tác khắc phục hậu quả mưa lũ còn chưa xong, nhất là tình trạng sạt lở trên các tuyến giao thông cũng như tại các nhà trường còn rất phức tạp chưa thể đảm bảo an toàn cho học sinh khi đến trường.

Có mặt tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Nậm Lúc, chúng tôi thấy mưa lũ đã làm đất, đá sạt lở vào phía sau khu phòng học, phòng bán trú của học sinh và một số hạng mục khác gây hư hại cơ sở vật chất của trường. Trong đó, khu nhà bán trú bị thiệt hại nặng nhất với 4/8 phòng bị hư hỏng; khu nhà ăn, bếp cũng đang bị bùn đất tràn vào. Để đảm bảo các điều kiện tái giảng sau mưa lũ, các thầy - cô giáo và nhân viên đã tích cực dọn dẹp khuôn viên trường học, đồng thời sửa chữa những hạng mục như bếp ăn, bể nước bị hư hại. Đến nay, công tác khắc phục vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Theo thầy giáo Mai Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Nậm Lúc: Việc khắc phục hậu quả có thể sớm hoàn thành, nhưng điều chúng tôi lo lắng nhất hiện nay là toàn bộ khu trường học đang nằm dưới cung sạt lở lớn trên sườn núi Nậm Kha, hằng ngày mỗi khi trời mưa, một lượng lớn nước bùn và đất, đá vẫn tràn xuống phía sau phòng học. Trước đó, chiều 18/9, tại khu vực taluy dương phía sau trường xuất hiện vết nứt dài gần 200 m đã tụt xuống gần 1 m và đang tiếp tục mở rộng. Trước nguy cơ cung sạt lở có thể ập xuống bất cứ lúc nào, chính quyền xã đã yêu cầu trường học chưa đón học sinh đến ở bán trú và tạm thời dừng tổ chức dạy học để chờ các cơ quan chuyên môn kiểm tra, sau khi có kết luận và phương án đảm bảo an toàn thì sẽ tái giảng.

 Các thầy giáo và học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Nậm Lúc vẫn đang gồng mình khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Các thầy giáo và học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Nậm Lúc vẫn đang gồng mình khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra.

“Chúng tôi phải đảm bảo chắc chắc an toàn cho học sinh mới cho tái giảng trở lại. Trước mắt, nhà trường sẽ chờ kết luận từ phía chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện, đồng thời lập sẵn phương án trong trường hợp có thể xảy ra sạt lở lớn gây ảnh hưởng đến trường để giúp học sinh có thể trở lại học tập sớm nhất” - thầy giáo Hải nhấn mạnh.

 Khu vực sạt lở phía sau Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Nậm Lúc vẫn đang diễn biến rất phức tạp.

Khu vực sạt lở phía sau Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Nậm Lúc vẫn đang diễn biến rất phức tạp.

Cùng nằm phía dưới cung sạt lở ở sườn núi thôn Nậm Kha, những ngày này, các lớp học tại Phân hiệu Mầm non Nậm Kha (Trường Mầm non xã Nậm Lúc) vẫn vắng bóng học sinh. Ngoài ra, do ảnh hưởng của mưa lũ, các tuyến đường liên thôn trên địa bàn xã bị sạt lở nhiều, đi lại khó khăn nên việc đưa đón học sinh ra lớp cũng là một trở ngại lớn với thầy, cô Trường Mầm non xã Nậm Lúc.

Cô giáo Trịnh Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Nậm Lúc chia sẻ: Những ngày qua, các tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng nên đội ngũ giáo viên của trường phải khó khăn mới có thể tiếp cận được các điểm trường để dọn dẹp, sửa chữa phòng học, bếp ăn... Chưa kịp khắc phục xong, chúng tôi lại nhận được tin về ngọn núi phía sau trường có nguy cơ cao bị sạt lở. Vì vậy, việc đón trẻ đến trường để tái giảng chưa thể thực hiện được.

 Dù đã dọn dẹp phòng học sạch sẽ, nhưng các cô giáo Trường Mầm non xã Nậm Lúc vẫn chưa thể đón trẻ đến trường do giao thông đến các thôn, bản đang bị chia cắt.

Dù đã dọn dẹp phòng học sạch sẽ, nhưng các cô giáo Trường Mầm non xã Nậm Lúc vẫn chưa thể đón trẻ đến trường do giao thông đến các thôn, bản đang bị chia cắt.

Không chỉ cấp học mầm non, THCS mà cấp tiểu học của xã Nậm Lúc cũng chưa thể tái giảng. Trong đợt mưa lũ xảy ra tại thôn Nậm Tông (xã Nậm Lúc), Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Lúc có 4 học sinh chết, 1 học sinh mất tích. Trường học cũng bị hư hại một số cơ sở vật chất, nhà vệ sinh và hệ thống đường ống nước. Những ngày qua, Ban Giám hiệu cùng giáo viên, nhân viên nhà trường đã tập trung khắc phục thiệt hại để sẵn sàng đón học sinh quay trở lại trường học.

 Sạt lở sau mưa lũ đã làm ảnh hưởng đến phòng học, công trình vệ sinh của trường.

Sạt lở sau mưa lũ đã làm ảnh hưởng đến phòng học, công trình vệ sinh của trường.

Thầy giáo Vũ Xuân Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Lúc cho biết: Do trường nằm giáp khe nước, bị xói mòn cao; phía taluy dương sau trường hiện vết nứt dài, khối lượng lớn nên chưa đảm bảo an toàn cho công tác giảng dạy. Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi phải chờ đánh giá của các cơ quan chức năng về nguy cơ sạt lở phía taluy dương sau trường. Nếu đảm bảo an toàn, dự kiến nhà trường sẽ tổ chức các hoạt động giáo dục trở lại từ ngày 23/9.

Trao đổi với phóng viên, ông Sầm Phương Long, Chủ tịch UBND xã Nậm Lúc cho biết: Chính quyền xã đã khảo sát cung sạt lở lớn ở thôn Nậm Kha và có văn bản báo cáo huyện. Trong sáng 19/9, lực lượng dân quân xã Nậm Lúc đã triển khai phát dọn, kiểm tra kỹ lưỡng cung sạt lở. Để đảm bảo an toàn cho học sinh, UBND xã đã yêu cầu 3 trường học trên địa bàn tạm thời dừng các hoạt động giáo dục để chờ cơ quan chuyên môn của huyện, tỉnh tiếp cận xem xét đánh giá nguy cơ sạt lở, sau đó sẽ có phương án cụ thể.

Trong trường hợp các trường không đảm bảo an toàn, chúng tôi sẽ đề nghị huyện, tỉnh hỗ trợ dựng phòng học tạm bằng khung thép ở vị trí an toàn để phục vụ việc dạy và học theo kế hoạch năm học, đồng thời vận động các hộ dân hỗ trợ chỗ ăn, ở cho học sinh. Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền xã cũng dự phòng thêm các phương án khác để cố gắng đảm bảo tốt nhất điều kiện dạy học cho học sinh trong thời gian sớm nhất có thể - ông Sầm Phương Long cho biết.

Vũ Sơn - Lê Nam

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/nam-luc-cac-truong-hoc-chua-the-tai-giang-sau-lu-du-post390615.html