Năm lưu ý trước ngày thi THPT quốc gia
Ngày 24-6, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ, Trưởng Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2019 cùng đoàn công tác có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia TP Hà Nội và kiểm tra tại một số điểm thi ở huyện Hoài Đức. Đáng chú ý, người đứng đầu ngành Giáo dục đã đưa ra năm lưu ý với Hà Nội và các địa phương để thực hiện kỳ thi nghiêm túc, an toàn.
Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, năm nay, Hà Nội có hơn 75 nghìn thí sinh đăng ký dự thi, với 125 điểm thi. Thành phố đã có 13 đoàn kiểm tra về cơ sở vật chất, công tác chuẩn bị cho kỳ thi. Việc in sao đề thi cũng hoàn tất theo đúng quy định; đề thi đã được chuyển đến các điểm thi...
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, đến nay, công tác chuẩn bị cho kỳ thi trên phạm vi cả nước đã cơ bản đã hoàn tất. Tuy nhiên, vì còn thời gian, Hà Nội và các địa phương cần tiếp tục rà soát công việc, khớp nối giữa các tổ chức, cá nhân liên quan.
Đáng chú ý, để kỳ thi diễn ra an toàn, thuận lợi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đưa ra năm vấn đề lưu ý.
Trước hết là công tác bảo quản đề thi, bài thi. Theo Bộ trưởng, đây là nội dung quan trọng, cán bộ được phân công liên quan đến công tác in sao đề thi, bảo vệ đề thi, bài thi cần nêu cao trách nhiệm. Mặc dù các điểm thi đều lắp đặt hệ thống camera an ninh giám sát, nhưng nếu cán bộ làm công tác này không có ý thức trách nhiệm cao để giám sát thì rủi ro vẫn có thể xảy ra.
Công tác coi thi là một trong những nhiệm vụ được Bộ GD-ĐT đặc biệt chú trọng trong kỳ thi năm nay. Đây là khâu dễ xảy ra sai phạm. Vì vậy, Hà Nội, các địa phương cần lưu ý cán bộ coi thi nắm vững quy chế, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, làm việc theo đúng quy trình, chắc chắn, đúng người, đúng việc; cẩn trọng từ những việc nhỏ nhất, như chữ ký giám thị… Đồng thời, quan tâm đến việc phát hiện các thiết bị công nghệ cao có thể sử dụng để gian lận.
Trong khi đó, với hoạt động thanh tra, kiểm tra cần hoàn thiện tất cả các quy trình, các bước thực hiện; bởi chỉ cần sơ hở một công đoạn nhỏ trong một quy trình cũng sẽ dẫn đến rủi ro. Thanh tra giám sát chặt chẽ nhưng không làm căng thẳng. Việc thanh tra, kiểm tra không chỉ giới hạn ở những người làm công tác này mở cần mở rộng để tăng cường giám sát, bảo đảm kỳ thi nghiêm túc, minh bạch, khách quan.
Các địa phương cần chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí; tạo sự minh bạch thông tin cho kỳ thi. Công tác phục vụ kỳ thi, từ điện, nước, nơi ăn chốn ở của giám thị, thí sinh; vấn đề giao thông, y tế... cần được quan tâm, có biện pháp hỗ trợ, xử lý tình huống kịp thời.
Cùng ngày, Bộ trưởng GD-ĐT đã đi kiểm tra thực tế tại điểm thi Trường THPT Hoài Đức A, Trường THCS An Khánh (huyện Hoài Đức). Tại các điểm thi, bên cạnh việc động viên các thầy giáo, cô giáo sức khỏe, làm tốt công tác thi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng lưu ý các điểm thi cần yêu cầu cán bộ, giáo viên làm tốt việc bảo quản đề thi, bài thi, coi thi với tinh thần, trách nhiệm cao nhất, đúng với quy chế của Bộ; kịp thời báo cáo, xử lý những sự cố bất thường...
* Chiều 24-6, Đoàn công tác của Bộ GD-ĐT do thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa dẫn đầu đã đến kiểm tra một số điểm thi của Cụm thi số 33 tại thành phố Đà Nẵng.
Tại các hội đồng thi, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá cao công tác tổ chức, chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ kỳ thi. Đồng thời, lưu ý tất các các cán bộ, giáo viên tham gia phục vụ kỳ thi phải tuân thủ đúng quy chế, phải đặc biệt chú ý đến các tình huống nhỏ nhất để tránh ảnh hướng tới kết quả làm bài thi của các em thí sinh (TS).
“Để kỳ thi diễn ra nghiêm túc, an toàn, đề nghị Sở GD-ĐT Đà Nẵng và các trường phối kết hợp chặt chẽ, tiếp tục phổ biến quy chế thi đến tất cả cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi. Lưu ý việc bố trí sơ đồ phòng thi phù hợp để các TS dễ nhìn, dễ tìm, tránh tình trạng thí sinh đi nhầm phòng thi”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa yêu cầu.
Theo bà Lê Thị Bích Thuận, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT Đà Nẵng, Cụm thi số 33 tại Đà Nẵng có 24 điểm thi với 431 phòng thi; có 10.250 hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT), trong đó só TS đủ điều kiện thi là 10.242; số TS dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp có 966 hồ sơ; dự thi chỉ để xét tuyển CĐ, ĐH có 507 hồ sơ; 8.769 hồ sơ ĐKDT để vừa xét công nhận tốt nghiệp, vừa để xét tuyển CĐ, ĐH.
Tại các hội đồng thi của Cụm thi số 33, tất cả cán bộ, giáo viên tham gia công tác giám thị, coi thi đã được phổ biến lại quy chế, phân công nhiệm vụ, nhắc nhở các em TS về thời gian thi và tuyệt đối tuân thủ quy chế phòng thi.
* Sáng 24-6, Tỉnh đoàn Thái Bình và Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Thái Bình phối hợp tổ chức Lễ ra quân chương trình “Tiếp sức mùa thi năm 2019”.
Năm nay, tại tỉnh Thái Bình có 19.107 thí sinh đăng ký dự kỳ thi THPT quốc gia, địa phương đã chọn 34 trường THPT làm 34 điểm thi với 811 phòng thi. Địa bàn trải rộng, thời tiết nắng nóng nên công tác hỗ trợ, tiếp sức cho các thí sinh được Tỉnh đoàn Thái Bình và Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh rất chú trọng.
Với hình thức thi tập trung tại các điểm trường như năm nay, toàn tỉnh đã thành lập 34 đội hình Thanh niên tình nguyện (TNTN) tại 34 điểm thi, với 1.150 tình nguyện viên và 60 đội hình bảo đảm an toàn giao thông tại tất cả các điểm thi và các khu vực chung quanh khu vực thi có mật độ giao thông cao.
Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Thái Bình đã thành lập sáu đội hình tình nguyện gồm: Đội hình xe đưa đón thí sinh; Đội hình phản ứng nhanh; Đội hình đón tiếp và hỗ trợ thí sinh; Đội hình bảo đảm ATGT; Đội hình điều phối và tư vấn thông tin; Đội hình tình nguyện vì môi trường với tổng số 170 tình nguyện viên đến từ Đoàn thanh niên các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh, Hội đồng hương sinh viên Thái Bình tại Hà Nội.
Kỳ thi năm nay, Tỉnh đoàn Thái Bình chú trọng hỗ trợ thí sinh có hoàn cảnh khó khăn; chỉ đạo Đoàn các cấp triển khai công tác thu thập thông tin nhu cầu thí sinh cần hỗ trợ; đăng ký số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin hỗ trợ trong giờ hành chính . Qua tổng hợp, toàn tỉnh hiện có 695 thí sinh có hoàn cảnh khó khăn và 117 thi sinh khuyết tật. Trong ngày 22-6, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tổ chức thăm hỏi, động viên và tặng quà (mỗi suất quà trị giá 800 nghìn đồng) cho ba em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP Thái Bình.
Đồng hành với chương trình “Tiếp sức mùa thi năm 2019”, nhiều đơn vị, doanh nghiệp như: Công ty TNHH Dịch vụ Dầu khí Thái Bình, Trung tâm Viễn thông VNPT Thái Bình, Công ty nước khoáng thiên nhiên Oris… đã hỗ trợ nước uống, bánh mỳ, băng-rôn, áo, mũ, ô che nắng cho các đội hình tình nguyện tiếp sức mùa thi, các thí sinh và người nhà thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2019.
* Ngày 24-6, thông tin từ Tỉnh đoàn Đác Lắc cho biết, chiến dịch tình nguyện “Tiếp sức mùa thi” năm 2019 đã và đang được triển khai sôi nổi từ ngày 10 đến ngày 27-6 trên địa bàn toàn tỉnh, cao điểm từ ngày 24 đến 27-6 là thời gian diễn ra kỳ thi THPT quốc gia.
Năm nay, 600 thanh niên tình nguyện hỗ trợ “Tiếp sức mùa thi” chia làm 32 đội hình tư vấn hỗ trợ tại 32 điểm thi cho 20.588 thí sinh. Đến thời điểm hiện tại, Tỉnh đoàn Đác Lắc đã vận động được 15.000 suất ăn miễn phí; 20.500 chai nước uống và nước bình miễn phí; 600 áo, mũ tiếp sức mùa thi; 10.000 cây bút; 250 chỗ trọ miễn phí, giá rẻ... Ngoài ra, còn có 15 suất học bổng trị giá mỗi suất 1.000.000 đồng cho những học sinh nghèo, đặc biệt khó khăn tham dự kỳ thi.
Trong những ngày diễn ra kỳ thi THPT quốc gia, các đoàn viên, thanh niên sẽ làm nhiệm vụ tư vấn thủ tục thi, sơ đồ phòng thi tại cổng trường; giữ gìn trật tự, an toàn giao thông tại các chốt đèn xanh, đèn đỏ; nhắc nhở phụ huynh để xe đúng chỗ tại các địa điểm thi; đội hình hậu cần sẽ nấu và cấp phát các suất ăn, nước uống, chỗ ở miễn phí cho thí sinh và người nhà; đội hình xe thồ đưa đón miễn phí thí sinh đi thi và hỗ trợ những sự cố phát sinh trong quá trình diễn ra kỳ thi (ảnh dưới).
Với khẩu hiệu hành động: “Hãy tự tin - chúng tôi đi cùng bạn”, các đoàn viên, thanh niên tình nguyện “Tiếp sức mùa thi” tỉnh Đác Lắc năm 2019 quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ đã đề ra để hỗ trợ hết mình cho thí sinh dự thi kỳ thi THPT quốc gia với kết quả đạt cao nhất.
* Để mang lại tâm lý thoải mái nhất cho thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã yêu cầu tất cả cán bộ, giảng viên, nhân viên tham gia Ban coi thi phải thường xuyên tươi cười đối với các thí sinh.
Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cũng đã làm tốt công tác chuẩn bị tại các điểm thi và kêu gọi các hộ dân sống cạnh điểm thi tạo điều kiện cho thí sinh, người nhà thí sinh, cán bộ coi thi nghỉ ngơi, tránh nắng nóng.
Năm 2019 tỉnh Thừa Thiên - Huế có 12.140 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 11.842 thí sinh giáo dục phổ thông, 298 thí sinh giáo dục thường xuyên. Địa phương bố trí 31 điểm thi với 519 phòng thi và 1.888 cán bộ, giảng viên, giáo viên, nhân viên tham gia Ban coi thi. Đặc biệt tại hội đồng thi Nam Đông có ba thí sinh hơn 50 tuổi.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên - Huế, tính đến ngày 23- 6, công tác chuẩn bị phục vụ kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia tại 31 điểm thi đã hoàn tất.
Bên cạnh việc quán triệt đầy đủ quy chế đến đội ngũ cán bộ coi thi, bộ phận phục vụ tại điểm thi và toàn thể thí sinh dự thi để tất cả các thành phần tham gia tại điểm thi hiểu và thực hiện đúng nội quy quy chế thi, Sở còn lưu ý cán bộ coi thi nhắc thí sinh điền vào phiếu thu bài thi tổ hợp số tờ giấy thi của mình và ký xác nhận, bảo đảm không xảy ra nhầm lẫn, sai sót.
* Tỉnh Cà Mau đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các sĩ tử trong mùa tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2019…
Nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) phục vụ kỳ thi THPT quốc gia, trong ngày 24-6, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Cà Mau phối hợp các đơn vị chuyên trách bên hệ dự phòng đồng loạt ra quân kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP Cà Mau và các địa phương có đặt điểm thi trong tỉnh.
Trong ngày, Tỉnh đoàn Cà Mau triển khai 16 đội hình tình nguyện thực hiện các phần việc “tiếp sức mùa thi” trên địa bàn toàn tỉnh. Mỗi đội hình huy động từ 15-20 tình nguyện viên là đoàn viên, thanh niên, phối hợp các lực lượng chuyên trách tham gia hướng dẫn, phân luồng giao thông; hướng dẫn lịch thi, giờ thi; hướng dẫn nơi ăn, chốn ở an toàn giá rẻ cho thí sinh và người nhà thí sinh ở xa; các đội xe ôm tình nguyện đưa rước miễn phí các thí sinh có nhu cầu.
Năm nay, ngoài nhiên liệu (xăng), Tỉnh đoàn Cà Mau vận động tài trợ từ xe máy Ngọc Anh được khoảng 200 triệu đồng, dùng hỗ trợ đưa đón thí sinh khi có nhu cầu; hỗ trợ khăn lạnh, nước suối, suất ăn (khoảng 3.000 suất) miễn phí… cho các thí sinh và người nhà thí sinh.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2019, Hội đồng thi tại Cà Mau (Cụm thi số 63) do Sở GD-ĐT tỉnh chủ trì, phối hợp Trường ĐH Cần Thơ và Trường ĐH Cửu Long. Đến thời điểm hiện tại, công tác thi cử đã được các địa phương trong tỉnh chuẩn bị rất chu đáo, toàn diện, cả về tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị.
Trong kỳ thi này, toàn tỉnh Cà Mau có 9.292 thí sinh dự thi (trong đó, có 458 thí sinh tự do và Giáo dục thường xuyên) tại 391 phòng thi đặt ở 16 điểm thi trong tỉnh. Các thí sinh ở Cà Mau sẽ không tập trung ở TP Cà Mau mà thí sinh ở huyện nào sẽ được thi ở điểm thi đặt tại huyện đó, góp phần giảm áp lực về đi lại, nơi ăn, chốn ở.