Năm ngoái không đủ tiền thưởng lao động tiên tiến, năm nay hạn chế chỉ tiêu?

Thầy cô mong muốn địa phương thực hiện đúng như những quy định thi đua khen thưởng trong Nghị định 91/2017/NĐ-CP.

Suốt một năm dạy học, phần lớn các thầy cô giáo luôn cố gắng nỗ lực để thực hiện tốt công tác giảng dạy và giáo dục học sinh.

Vì thế, xét danh hiệu thi đua cuối năm luôn là nổi bận tâm rất lớn của các nhà giáo. Không đơn thuần nhận danh hiệu để có được khoản tiền thưởng mà như nhiều nhà giáo chia sẻ là để khẳng định mình và còn là danh dự trước đồng nghiệp, trước phụ huynh học sinh.

Ảnh chụp Công văn 604/PGD&ĐT-CTTT của Phòng Giáo dục và Đào tạo Diễn Châu-Nghệ An (Ảnh giáo viên cung cấp)

Việc xét danh hiệu giáo viên cuối năm cũng đã có khá nhiều hướng dẫn từ Bộ Giáo dục, Bộ Nội vụ. Ở bài viết này, chúng tôi chỉ nói về danh hiệu Lao động tiên tiến.

Quy định giáo viên đạt danh hiệu Lao động tiên tiến

Nghị định 91/2017/NĐ-CP; Luật thi đua khen thưởng sửa đổi, bổ sung năm 2013; Thông tư số 12/2019/TT-BNV quy định chi tiết thi hành một số điều của nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ; Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và Thông tư số 21/2020/TT-BGDĐT hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành giáo dục cũng chỉ có quy định để được xét khen thưởng thi đua tiên tiến, không có quy định khống chế chỉ tiêu.

Cụ thể: Điều 24 nêu rõ:1. Danh hiệu “Lao động tiên tiến” được xét tặng cho cán bộ, công chức, viên chức đạt các tiêu chuẩn sau:

a) Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đạt năng suất và chất lượng cao;b) Chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có tinh thần tự lực, tự cường; đoàn kết, tương trợ, tích cực tham gia phong trào thi đua;c) Tích cực học tập chính trị, văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ;d) Có đạo đức, lối sống lành mạnh.

Tuy nhiên, có địa phương lại có văn bản hướng dẫn riêng của mình đưa chỉ tiêu khống chế số lượng đạt danh hiệu Lao động tiên tiến dẫn đến việc nhiều thầy cô giáo xứng đáng nhận được danh hiệu nhưng không được xét vì chỉ tiêu không còn.

Nhiều nhà giáo tại huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An chia sẻ tâm tư

Thầy giáo N. giáo viên một trường trung học cơ sở (đề nghị giấu tên) cho biết: “Mấy năm trước, huyện em không giao chỉ tiêu khống chế tỷ lệ giáo viên đạt danh hiệu lao động tiên tiến. Vì thế khi xét, cứ thầy cô giáo nào đảm bảo các yêu cầu theo quy định đều được công nhận.

Có trường đạt 100% vì thầy cô giáo nào cũng nỗ lực phấn đấu. Có trường đạt tỉ lệ ít hơn vì có một số ít thầy cô do ốm đau bệnh tật.

Năm học này, cấp trên đưa công văn về có quy định khống chế số lượng giáo viên đạt danh hiệu Lao động tiên tiến. Bởi thế, việc xét duyệt khá khó khăn và căng thẳng vì nhiều thầy cô giáo trong trường lại có thành tích giảng dạy, rèn luyện như nhau.

Cô giáo N. giáo viên một trường tiểu học huyện Diễn Châu (đề nghị không nêu tên) cũng chia sẻ: “Việc khống chế chỉ tiêu thế này cũng tạo nên mất công bằng cho giáo viên các trường. Bởi, ở trường A. do là trường xuất sắc nên giáo viên đạt danh hiệu tiên tiến dễ dàng hơn (do chỉ tiêu nhiều 90%).

Còn trường B. , trường C. chỉ hoàn thành tốt hoặc hoàn thành nhiệm vụ nên giáo viên đạt danh hiệu này ít hơn. Một giáo viên đạt danh hiệu Lao động tiên tiến trường A. đôi khi năng lực, thành tích không bằng một giáo viên không đạt danh hiệu gì ở trường B…

Một số thầy cô giáo khác cho biết vì khống chế chỉ tiêu nên việc xét danh hiệu cho giáo viên gặp nhiều áp lực. Thế là lại sinh ra tiêu cực bằng lòng sẽ lợi thế hơn.

Công văn 604/PGD&ĐT huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An quy định rõ:

- Tỷ lệ số lượng công nhận danh hiệu Lao động tiên tiến như sau:

- - Đơn vị đạt mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tối đa 90%.

- Đơn vị đạt mức hoàn thành tốt nhiệm vụ tối đa 70%.

- Đơn vị đạt mức hoàn thành nhiệm vụ tối đa 60% - Đơn vị đạt mức không hoàn thành nhiệm vụ tối đa 50%.

Đôi điều mong muốn

Một số thầy cô giáo nơi đây, khi được hỏi ý kiến đều có những chia sẻ giống nhau.

Đó là, mong muốn địa phương thực hiện đúng như những quy định thi đua khen thưởng trong Nghị định 91/2017/NĐ-CP;

Theo Luật thi đua khen thưởng sửa đổi, bổ sung năm 2013; Thông tư số 12/2019/TT-BNV quy định chi tiết thi hành một số điều của nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ; Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và Thông tư số 21/2020/TT-BGDĐT…chỉ nêu tiêu chí đạt được mà không áp chỉ tiêu khống chế.

Nhằm tạo cơ hội cho giáo viên, để giáo viên nào đáp ứng đúng những tiêu chuẩn, những yêu cầu quy định đều được xét duyệt. Những giáo viên nào thực hiện chưa tốt sẽ cương quyết loại ra, tránh tình trạng người xứng đáng được xét nhưng do hết chỉ tiêu đành ngậm ngùi.

Còn có trường vì thành tích đã xét đủ chỉ tiêu đôi khi giáo viên đó chưa thật sự đáp ứng yêu cầu.

Được biết năm 2020 giáo viên Diên Châu cũng phản ánh bất cập chế độ tiền thưởng danh hiệu Lao động tiên tiến đến Tòa soạn. Thừa nhận có chuyện trên, ông Nguyễn Xuân Khoa, Trưởng phòng Nội vụ huyện Diễn Châu nói:

“Từ năm 2017 đến nay toàn bộ giáo viên các trường trên địa bàn huyện chưa nhận đúng, đủ số tiền thưởng thuộc danh hiệu Lao động tiên tiến theo hướng dẫn của cấp trên là đúng, nhưng nếu căn cứ theo Nghị định 91/2017/NĐ-CP để chi trả thì kinh phí của huyện chưa thể đáp ứng được, hàng năm trên địa bàn huyện có gần 4000 giáo viên, công chức đạt danh hiệu lao động tiên tiến.

Vì vậy, việc chi trả này là do các đơn vị cơ sở tự cân đối ngân sách để chi trả. Tới đây khi họp Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, huyện phòng sẽ đề nghị và tham mưu để huyện có kế hoạch phân bổ ngân sách phù hợp cho công tác khen thưởng này”. [1]

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/3000-4000-giao-vien-dien-chau-la-lao-dong-tien-tien-huyen-khong-du-tien-thuong-post211018.gd

Phan Tuyết

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nam-ngoai-khong-du-tien-thuong-lao-dong-tien-tien-nam-nay-han-che-chi-tieu-post217955.gd