Năm nhân viên Liên hợp quốc bị bắt cóc ở miền nam Yemen
Liên hợp quốc ngày 12/2 thông tin, 5 nhân viên Liên hợp quốc đã bị bắt cóc ở miền nam Yemen, khi đang trên đường trở về thành phố cảng Aden sau chuyến công tác thực địa.
Ông Russell Geekie, phát ngôn viên của quan chức cấp cao Liên hợp quốc tại Yemen cho biết, các nhân viên này đã bị bắt cóc hôm thứ sáu tại tỉnh Abyan. Liên hợp quốc đang liên hệ chặt chẽ với các nhà chức trách để tìm cách sớm giải cứu các công nhân này, ông Geekie thông tin thêm.
Chính phủ Yemen cũng xác nhận, các công nhân làm việc cho Liên hợp quốc đã bị những đối tượng có vũ trang chưa rõ danh tính bắt cóc, đồng thời cho biết thêm đang tiến hành các nỗ lực để bảo đảm những nhân viên này sớm được trả tự do.
Trong khi đó, hãng tin AP đưa tin, các tay súng tình nghi thuộc mạng lưới khủng bố Al-Qaeda đã thực hiện vụ bắt cóc này. Giới chức Yemen tại địa phương cho biết, 5 công nhân gồm 4 người Yemen và 1 người nước ngoài đã bị bắt cóc ở tỉnh Abyan và đưa đến 1 địa điểm chưa xác định.
Theo thông tin AP có được, các quan chức địa phương đang thương lượng với những kẻ bắt cóc để sớm trả tự do cho các công nhân. Những kẻ bắt cóc đòi tiền chuộc và yêu cầu thả 1 số tay súng đang bị Chính phủ Yemen giam giữ.
Hội đồng Chuyển tiếp miền nam (STC) tại Yemen, lực lượng ly khai hiện đang kiểm soát phần lớn lãnh thổ miền nam Yemen, đã lên án vụ bắt cóc trên là "một hoạt động khủng bố".
Các nhóm vũ trang ở Yemen có liên hệ với Al-Qaeda thường tiến hành các vụ bắt cóc đòi tiền chuộc hoặc yêu cầu thả các tù binh bị giam giữ. Trong đó, nhóm Al-Qaeda ở bán đảo A-Rập (AQAP) được coi là 1 trong những mạng lưới khủng bố nguy hiểm nhất toàn cầu, thường tiến hành các vụ tấn công nhắm vào Mỹ.
Yemen đã sa lầy trong cuộc nội chiến kể từ năm 2014, khi phiến quân Houthi được Iran hậu thuẫn giành quyền kiểm soát thủ đô Sana’a và phần lớn miền bắc của đất nước, buộc chính phủ của Tổng thống Mansour Hadi phải lưu vong.
Vào tháng 3/2015, liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu, với sự hậu thuẫn của Mỹ đã can thiệp vào Yemen, nhằm hỗ trợ chính quyền Tổng thống Hadi khôi phục quyền lực.
Xung đột tại Yemen đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người phải di dời, gây ra 1 cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng tại quốc gia này.