Năm nhuận khác gì với các năm khác?

Năm 2024 là năm nhuận, điều này có nghĩa là tháng 2 sẽ có 29 ngày. Ngày 29/2 còn được gọi là ngày nhuận và 4 năm mới có 1 lần.

Vì sao lại có năm nhuận?

Một năm trong lịch Gregory dài chính xác là 365 ngày, nhưng thời gian cần thiết để Trái Đất quay hoàn toàn một vòng quanh Mặt Trời khoảng 365,24 ngày hay 365 ngày, 5 giờ, 48 phút và 56 giây.

Như vậy, sau đúng 365 ngày, Trái Đất chưa trở về đúng điểm xuất phát ban đầu trên vòng quỹ đạo.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chặng đường còn thiếu của 0,2422 ngày dù là nhỏ nhưng càng lâu càng tích lại thành dài. Nếu cứ mãi mãi chỉ có các năm đúng 365 ngày thì lịch sẽ bị chậm lại so với thời tiết các mùa, và tính ra sau 3 thế kỷ, ngày mùng 1 tháng 1 sẽ rơi vào mùa thu; sau 6 thế kỷ, ngày này sẽ rơi vào mùa hè.

Thành Rome của nước Ý đã rơi vào tình trạng này trong thế kỷ 1 trước Công nguyên. Khi đó lịch đã bị chậm đúng 2 tháng so với mùa tự nhiên, và theo như lời của nhà sử học Richard Armstrong của Trường đại học Houston, Mỹ, thì “lịch La Mã khi đó hoàn toàn sai lệch”.

Đến năm 1582, khái niệm năm nhuận mới xuất hiện sau khi Giáo hoàng Gregorius XIII đưa ra một cách tính lịch mới để tạo nên lịch Gregonrius. Cụ thể, một năm sẽ chia thành 12 tháng với 365 ngày, cứ 4 năm thì thêm một ngày vào cuối tháng 2 tạo thành năm nhuận.

Nguyên tắc xác định năm nhuận

Theo lịch dương:

Chia số năm cho 4: Nếu kết quả chia hết cho 4 mà không có phần dư, thì đó là năm nhuận. Ví dụ: Năm 2024 chia hết cho 4, do đó là năm nhuận. Tuy nhiên, có một quy tắc đặc biệt đối với các năm tròn thế kỷ (có hai số 0 ở cuối). Nếu năm tròn thế kỷ chia hết cho 400 mà không có phần dư, thì đó cũng là năm nhuận. Ví dụ: Năm 2000 và 2400 chia hết cho 400, nên là những năm nhuận.

Theo đó, 2024 chia hết cho 4, vì thế năm 2024 là năm nhuận theo Dương lịch. Năm 2024 sẽ có thêm ngày 29/2.

Cứ 4 năm mới xuất hiện một năm nhuận và có ngày 29/2. Ảnh: Business Insider

Cứ 4 năm mới xuất hiện một năm nhuận và có ngày 29/2. Ảnh: Business Insider

Theo lịch âm:

Để xác định xem một năm Âm lịch có phải là năm nhuận hay không, chúng ta có quy tắc sau đây: Chia số năm Dương lịch cho 19: Nếu kết quả chia hết cho 19 hoặc có phần dư là 3, 6, 9, 11, 14 hoặc 17, thì đó là năm nhuận có tháng nhuận.

Với công thức trên, ta lấy 2024 chia cho 19 sẽ có số dư là 10. Do đó, theo lịch âm, năm 2024 không phải là năm nhuận.

Năm nhuận tiếp theo là khi nào?

Năm nhuận xảy ra khoảng 4 năm 1 lần. Ngày nhuận năm nay sẽ rơi vào ngày 29/2/2024.

Sau đó, các năm nhuận tiếp theo sẽ rơi vào các năm 2028, 2032 và 2036. Ngày nhuận sẽ rơi vào ngày 29/2/2028, ngày 29/2/2032 và ngày 29/2/2036.

Chí Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nam-nhuan-khac-gi-voi-cac-nam-khac-305996.html