Nam phạm nhân mong được vợ con và nạn nhân tha thứ
Mặc dù không biết chữ song Thào A Mùa, SN 1985 ở Xá Nhé, huyện Tủa Chùa (Điện Biên) không hề nhầm lẫn trong việc tiêu tiền. Thế nên khi được một phụ nữ nhờ tìm người đưa qua biên giới để mai mối lấy chồng sẽ trả công 15 triệu đồng/ người, Mùa biết đó là một món hời hậu hĩnh nên đã đồng ý. Hai lần lừa phụ nữ qua biên giới bán, Mùa nhận được 18 triệu đồng nhưng phải trả giá bằng bản án 12 năm tù.
Hai lần phạm tội
Tâm sự với chúng tôi, Mùa bảo đó là một vết nhơ cuộc đời mà anh ta không muốn nhắc tới bởi bản án 12 năm tù là một cái giá quá đắt cho việc làm của mình mà đến bây giờ khi đã cải tạo được 5 năm rồi, Mùa vẫn không nghĩ rằng tội lỗi của mình lại nặng đến thế.
“Ở quê tôi, đàn bà con gái lấy chồng rồi mà khổ quá thì vẫn bỏ sang Trung Quốc lấy chồng mà. Họ toàn tự đi thôi. Mình dẫn người có nhu cầu sang đó lấy chồng, họ có chồng còn mình có tiền, ai nghĩ là phạm tội chứ”, Mùa bộc bạch. Định hỏi anh ta thế ở nhà không nghe đài, đọc báo, chúng tôi mới chợt nhớ ra là anh ta chưa một lần được cắp sách tới trường. Còn không một ngày biết thế nào là quyển sách thì mọi chuyện với anh ta chỉ là sinh tồn.
Mùa sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mẹ chỉ biết đi nương làm rẫy. Mẹ Mùa, một phụ nữ dân tộc Mông mù chữ, do kiến thức không có lại nhiều lần mang thai trong lúc ốm yếu nên đứa trẻ nào lọt lòng cũng chết yểu. Mùa là con út và cũng là đứa con duy nhất trong nhà còn sống sót. Nhà nghèo không được đi học đã đành. Mùa lại là “của hiếm” nên càng được bố mẹ gìn giữ, thậm chí cho đến chỗ đông người cũng không được nên kết quả là Mùa mù chữ. 16 tuổi mẹ bắt lấy vợ nhưng phải 4 năm sau, anh ta mới có con. Tiếc là người vợ này và đứa con đầu lòng của Mùa lại sớm yểu mệnh. Vợ chết, con chết vì bệnh tật, Mùa tiếp tục lấy vợ nữa và có với người vợ này được 3 đứa con. Cuộc sống dường như đã không còn sóng gió với Mùa khi cả hai vợ chồng chăm chỉ với việc ngày ngày lên nương, lên rẫy. Những sản phẩm làm ra từ nương, rẫy, vợ chồng Mùa thường đem ra chợ bán. Đôi lúc Mùa còn theo bạn ra chợ đường biên bán cho khách mua là người Trung Quốc và bước ngoặt cuộc đời người đàn ông này đã xảy ra trong một lần Mùa gặp một người phụ nữ lạ mặt tại phiên chợ giáp tết. “Tôi vẫn nhớ đó là phiên chợ gần tết, tôi mang đôi gà đi bán rồi cùng mấy thanh niên trong bản vào quán uống rượu. Bữa đó tôi không phải trả tiền rượu mà một phụ nữ lạ mặt mời chúng tôi. Chị ta khá sắc sảo và vui tính”, Mùa nhớ lại.
Theo bản án, do quen biết đối tượng tên là Sùng Thị Hà sinh sống trại Trung Quốc, Thào A Mùa và một số đối tượng khác là Giàng A Hòa, Giàng A Văng đều sinh sống tại xã Xá Nhé, Tủa Chùa ( Điện Biên) đã nhận lời người đàn bà này về việc tìm người đưa sang Lào Cai để Hà bán sang Trung Quốc. Trong khoảng thời gian từ tháng 2-2014 đến cuối tháng 6- 2014, Mùa và đồng bọn đã nhiều lần thực hiện việc đưa người qua biên giới bán cho Hà. Riêng Mùa đã hai lần thực hiện hành vi phạm tội. Một lần là vào đầu tháng 4-2014, Mùa cùng Hòa lừa chị Giàng Thị L., SN 1985 trú tại xã Mường Báng, Tủa Chùa ( Điện Biên) đưa qua biên giới bán cho Hà, được trả công 15 triệu đồng. Lần thứ hai, Mùa lại cùng Văng lừa chị Vàng Thị T., SN 1993, người cùng xã bán cho đối tượng Xử không rõ địa chỉ được 36 triệu đồng. Cả hai lần phạm tội, Mùa được chia 18 triệu đồng. Số tiền này, Mùa chi xài cá nhân, đến lúc bị bắt, trong túi còn gần 2 triệu đồng. “Ngoài bản án ra, tôi bị phạt tiền là hơn 16 triệu đồng. Chắc phải đợi lúc ra tù đi làm rồi trả dần chứ vợ ở nhà làm gì có tiền trả thay được”, Mùa tâm sự.
Mong được vợ con và nạn nhân tha thứ
Chúng tôi gặp Mùa trong một buổi chiều cuối năm khi nam phạm nhân này vừa đi lao động về. Cũng như các phạm nhân khác sau khi hoàn tất một ngày lao động, Mùa hối hả cùng những phạm nhân trong buồng sửa soạn bữa cơm chiều. Cả buồng có mấy chục phạm nhân, chia thành mấy mâm ngồi ăn tại những khoảng trống trong khuôn viên buồng giam gồm hiên nhà, lối đi lại giữa hai dãy giường nằm. Thực đơn gồm cơm, canh, thức ăn vừa nhận từ bếp của phân trại và những món đồ khô mà hầu như phạm nhân nào trong trại giam cũng có. Món đồ khô này có thể là ruốc, là lạc rang, muối vừng hay cá khô,…đều do gia đình các phạm nhân gửi để dùng thêm. Mâm cơm của Mùa chỉ là những đồ ăn nhận từ bếp phân trại chứ không có đồ ăn thêm do gia đình gửi vào. Mùa bảo tại gia đình không có điều kiện lại ở xa nên không có điều kiện vào thăm như những phạm nhân khác.
“Ngày tôi bị bắt, đứa con nhỏ chưa tròn 3 tuổi. Ở trong này mình còn được ăn uống đầy đủ, không biết ở nhà bốn mẹ con nó xoay xở thế nào”.
“Phụ nữ trên tôi lấy chồng mà khổ quá là bỏ đi lấy chồng khác. Con cái sống thế nào không quan tâm đâu. Người chưa chồng bỏ đi đã đành, người có con, nhiều con cũng bỏ đi lấy người khác nên tôi chỉ lo vợ đi lấy người khác thôi”, Mùa tâm sự.
Bố mẹ đều mất từ ngày Mùa còn ở nhà nên nỗi lo của anh ta hoàn toàn có cơ sở. Mùa bảo anh ta không sợ lao động vất vả, không lo bữa cơm nghèo nàn mà chỉ canh cánh nỗi lo các con ở nhà không người nuôi dạy.
Nghĩ đến gia đình, Mùa bảo nợ vợ con nhiều lắm nên chỉ mong lỗi lầm của mình được vợ và gia đình nạn nhân cũng như các bị hại tha thứ. “Vẫn biết có nhiều phụ nữ bỏ chồng con đi lấy người khác là chuyện bình thường vẫn diễn ra nhưng việc mình làm là sai rồi. Chỉ mong sau này về nhà mọi người tha lỗi cho tôi”, Mùa bộc bạch.
Lao động ở đội làm cói, Mùa bảo công việc lúc đầu khá chật vật vì chưa quen nhưng bây giờ quen rồi lại thấy thích thú.Anh ta bảo cũng may là ngày ở nhà cũng quen lao động tay chân rồi nên không cảm thấy ngại mà chỉ vất vả vì công việc nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi sự tỉ mẩn và khéo léo. Hỏi Mùa có khi nào muốn đổi chỗ làm, ra ngoài trồng rau, tưới cây chẳng hạn, người đàn ông này cười thành thật: “Tôi làm ở đây quen rồi, không muốn thay đổi”.
Hỏi về kế hoạch cho ngày trở về đã dự định những gì, nam phạm nhân này lại cười: “Chắc tôi lại về làm ruộng, làm nương như trước kia thôi. Không có kiến thức như tôi thì làm được việc gì khác chứ”.
Rồi tỏ ra rất thành thật, Thào A Mùa chia sẻ: “ Tốt nhất là chẳng nên sắp xếp cho kế hoạch sau này. Việc trước mắt nên làm là giữ gìn sức khỏe để cải tạo thật tốt, sớm trở về với gia đình. Mọi việc sau này, ra trại sẽ tùy hoàn cảnh, thời cuộc mà tính toán. Biết đâu sau này lại kiếm sống bằng nghề đan cói như bây giờ nhưng chắc chắn thì cứ về làm nương như trước kia”.
Vào trại giam Ninh Khánh cải tạo, Mùa cũng được đi học ở lớp xóa mù chữ nhưng 2 năm theo học vẫn chưa được cấp chứng chỉ. Lý do là ngoài tên mình ra, anh ta vẫn chưa viết được chữ nào khác. Mùa bảo bây giờ đầu óc lộn xộn vì còn nghĩ nhiều thứ quá nên học không vào. “Thôi thì viết được cái tên mình là tốt rồi, cần gì phải học nữa. Biết là học được thì sẽ tốt hơn nhưng mà học mãi không vào thì biết làm sao. Chấp nhận vậy thôi”, Mùa kể.
Thuộc diện phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn và không người thăm gặp nên những dịp lễ Tết, ngoài khẩu phần đã được qui định, Mùa còn được trại giam tặng thêm một phần quà. Món quà nhỏ ấy có khi là thùng mì tôm, có khi là khăn mặt, bàn chải đánh răng hay bộ quần áo, tuy nhỏ nhưng đó là sự khích lệ, động viên đối với những phạm nhân có hoàn cảnh và không người nhà thăm gặp, giúp họ cố gắng cải tạo. Mùa bảo mỗi lần được lên nhận quà của Ban giám thị, anh ta xúc động lắm và càng có quyết tâm hơn để sớm được trở về với gia đình.
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nam-pham-nhan-mong-duoc-vo-con-va-nan-nhan-tha-thu-180032.html