Nam Phi áp thuế tự vệ đối với thép cán nóng
Bộ Thương mại, Công nghiệp và cạnh tranh Nam Phi (DTIC) vừa công bố quyết định áp dụng thuế tự vệ đối với hàng nhập khẩu sản phẩm thép cán nóng, có hiệu lực từ ngày 5/5.

Nam Phi áp thuế tự vệ đối với thép cán nóng. Ảnh minh họa: TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, Bộ Thương mại, Công nghiệp và cạnh tranh Nam Phi (DTIC) vừa công bố quyết định áp dụng thuế tự vệ đối với hàng nhập khẩu sản phẩm thép cán nóng, có hiệu lực từ ngày 5/5. Động thái này được đưa ra sau khi Ủy ban Quản lý thương mại quốc tế Nam Phi (ITAC) kết luận rằng các biện pháp bảo vệ là cần thiết để đối phó với sự gia tăng đột biến của lượng thép nhập khẩu, gây tổn hại nghiêm trọng đến ngành công nghiệp thép nội địa.
Theo thông báo trên Công báo Chính phủ, ITAC đã chỉ ra rằng lượng thép cán nóng nhập khẩu vào Nam Phi đã tăng tới 105% trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2023. Đáng chú ý, gần một nửa lượng nhập khẩu này có nguồn gốc từ Trung Quốc (49,1%), 22% từ Liên minh châu Âu (EU) và 6,7% từ Mỹ.
Dựa trên những phát hiện này, ITAC đã khuyến nghị DTIC áp dụng mức thuế tự vệ giảm dần trong 3 năm. Cụ thể, mức thuế sẽ là 13% trong năm đầu tiên, giảm xuống 11% trong năm thứ hai và còn 9% trong năm thứ ba. Các biện pháp này sẽ áp dụng cho hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia, ngoại trừ các nước đang phát triển có lượng hàng xuất khẩu thép cán nóng sang Nam Phi không vượt quá 3% tổng khối lượng nhập khẩu của nước này, hoặc tổng cộng không vượt quá 9% tổng lượng nhập khẩu.
ITAC nhấn mạnh rằng việc áp dụng các biện pháp trên là nhằm bảo vệ ngành công nghiệp trong nước chống lại sự cạnh tranh nước ngoài và ngăn chặn tình trạng nhập khẩu tăng đột biến, đe dọa hoặc gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho các nhà sản xuất trong nước. Tuy nhiên, ủy ban này cũng lưu ý rằng đây chỉ là các biện pháp tạm thời, tạo điều kiện cho ngành công nghiệp thép nội địa có thời gian điều chỉnh và nâng cao khả năng cạnh tranh.
Trước đó, vào tháng 2/2024, Hiệp hội Công nghiệp Sắt và Thép Nam Phi (SAISI) đã đệ đơn yêu cầu điều tra về hành động khắc phục dưới hình thức biện pháp tự vệ đối với việc tăng nhập khẩu thép cán nóng, thay mặt cho nhà sản xuất thép ArcelorMittal Nam Phi, một trong những nhà sản xuất chính của sản phẩm này tại Liên minh Hải quan miền Nam châu Phi (SACU).
Trong quá trình điều tra, ITAC đã phát hiện ra rằng những diễn biến khó lường như tình trạng cung vượt cầu trên toàn cầu đã gây ra những tác động tiêu cực đến các nhà sản xuất trong khu vực SACU, bao gồm Nam Phi, Namibia, Botswana, Lesotho và Eswatini. Phán quyết sơ bộ của ITAC vào ngày 5/7/2024 cũng khẳng định rằng sự gia tăng về khối lượng nhập khẩu thép cán nóng diễn ra trong thời gian gần đây là đủ đột ngột, đủ mạnh và có quy mô lớn để áp dụng các biện pháp tự vệ, đồng thời ngành công nghiệp SACU đang phải chịu những tổn hại nghiêm trọng.
Thép cán nóng là sản phẩm được xử lý ở nhiệt độ trên 972°C để đạt được độ bền và độ dẻo cần thiết. Sản phẩm này được sử dụng rộng rãi trong sản xuất các sản phẩm kỹ thuật thông thường như thùng chứa, thiết bị khai thác mỏ, ống khoan lớn và nhỏ, thiết bị san lấp mặt bằng, bình gas, xe kéo, bồn chứa nước và nhiều ứng dụng khác.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nam-phi-ap-thue-tu-ve-doi-voi-thep-can-nong/372522.html