Nam Phi cảnh báo 'bắt Tổng thống Putin' là tuyên chiến với Nga
Tổng thống Nam Phi cho biết việc thi hành lệnh bắt giữ của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin nếu ông tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg vào tháng tới sẽ là 'lời tuyên chiến' chống lại Moscow.
AFP đưa tin, trong một tài liệu đánh dấu "mật" 32 trang gửi Tòa án được công bố vào ngày 18/7, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa khẳng định: "Nga đã nêu rõ rằng việc bắt giữ Tổng thống đương nhiệm của họ sẽ tương đương với tuyên chiến".
Đây là phản hồi của Tổng thống Ramaphosa, sau khi đảng đối lập hàng đầu - Liên minh Dân chủ (DA) yêu cầu chính phủ tuân thủ lệnh bắt giữ của ICC về việc bắt giữ Tổng thống Putin và giao nộp về Den Haag nếu nhà lãnh đạo này đặt chân vào Nam Phi.
Ông Ramaphosa mô tả kiến nghị của DA là "vô trách nhiệm" và an ninh quốc gia đang bị đe dọa. Ông Ramaphosa nhấn mạnh rằng việc mạo hiểm tuyên chiến với Nga sẽ không phù hợp với Hiến pháp Nam Phi, đi ngược lại nghĩa vụ bảo vệ đất nước.
"Việc bắt giữ ông Putin cũng sẽ làm suy yếu sứ mệnh do Nam Phi dẫn đầu nhằm làm trung gian chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine, cũng như đóng sập bất kỳ giải pháp hòa bình nào", ông cho biết.
Trong khi đó, lãnh đạo DA John Steenhuisen cho rằng lập luận của ông Ramaphosa về việc Nam Phi có nguy cơ chiến tranh với Nga là "lố bịch" và "nông cạn".
"Khi các quyết định về chính sách đối ngoại có thể làm tổn hại danh tiếng quốc tế và kinh tế Nam Phi, thì điều quan trọng là chính phủ cần duy trì các nghĩa vụ quốc tế một cách cởi mở và minh bạch", ông Steenhuisen nói.
Nam Phi đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan sau khi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) hồi tháng 3 đã ban hành trát bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ủy viên Tổng thống về Quyền Trẻ em tại Nga Lvova-Belova, với cáo buộc có liên quan đến việc "trục xuất bất hợp pháp" trẻ em Ukraine từ các khu vực của Ukraine sang Nga.
Theo lý thuyết, ICC yêu cầu 123 thành viên, trong đó có Nam Phi, cần bắt giữ Tổng thống Nga và giao nộp ông đến Den Haag để xét xử nếu ông đặt chân lên lãnh thổ của các nước này.
Là một thành viên của ICC, Nam Phi buộc phải tuân thủ các mệnh lệnh của tòa án này. Tuy nhiên, quốc gia này cũng là nước chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm nay và Pretoria cũng đang duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Moscow.
Bộ Ngoại giao Nam Phi hồi cuối tháng 5 thông báo đã cấp quyền miễn trừ ngoại giao cho tất cả lãnh đạo tham dự thượng đỉnh BRICS vào tháng 8. Động thái này đồng nghĩa rằng Tổng thống Nga Putin có thể tới Johannesburg mà không lo ngại bị bắt giữ.
Tuy nhiên, Điện Kremlin tuần trước cho biết ông Putin vẫn chưa quyết định việc tham dự BRICS theo cách thức nào. Các nguyên thủ quốc gia của các thành viên BRICS khác, bao gồm Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ, dự kiến sẽ tham dự.
Trong khi đó, Phó tổng thống Nam Phi Paul Mashatile hôm 14/7 cho biết: "Chúng tôi hiểu rằng chúng tôi bị ràng buộc bởi Quy chế Rome về ICC, nhưng chúng tôi không thể mời ai đó và sau đó lại bắt giữ họ". Ông cho biết các cuộc thảo luận giữa Nga và Nam Phi về vấn đề này vẫn đang diễn ra.