Nam Phi tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế

Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, tối 16/9, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tuyên bố bắt đầu từ ngày 20/9 nước này sẽ nới lỏng lệnh phong tỏa từ cấp độ 2 hiện tại xuống cấp độ 1, sau khi ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 đang trên đà giảm mạnh trong hơn một tháng qua.

Phát biểu trên truyền hình quốc gia được phát trực tiếp cùng ngày, Tổng thống Ramaphosa cho biết quyết định trên được đưa ra sau khi nội các Nam Phi tham vấn các chuyên gia hàng đầu trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt xu hướng giảm mạnh số ca mắc COVID-19 trong thời gian qua cũng như năng lực đáp ứng ngày càng tốt hơn của hệ thống y tế nước này.

Quân đội Nam Phi đo thân nhiệt cho lái xe tại tỉnh Gauteng, Nam Phi. Ảnh: Phi Hùng/Pv TTXVN tại Nam Phi

Quân đội Nam Phi đo thân nhiệt cho lái xe tại tỉnh Gauteng, Nam Phi. Ảnh: Phi Hùng/Pv TTXVN tại Nam Phi

Theo ông Ramaphosa, bắt đầu từ ngày 20/9, Nam Phi sẽ mở cửa các đường bay quốc tế đi và đến quốc gia này cho các chuyến đi với mục đích du lịch và công cán, song vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp hạn chế đối với các du khách đến từ các vùng có nguy cơ cao.

Tuy nhiên, tất cả du khách nhập cảnh Nam Phi cần xuất trình giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 được cấp trong vòng 72 giờ trước đó, nếu không sẽ phải cách ly theo quy định và tự chi trả mọi chi phí trong thời gian cách ly.

Sau khi chuyển sang cấp độ 1, lệnh giới nghiêm ban đêm sẽ tiếp tục duy trì nhưng sẽ được áp dụng từ 0h đến 4h sáng, thay vì từ 9h tối hôm trước đến 4h sáng hôm sau như ở cấp độ 2. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng với những người trên đường đi làm, trên đường từ chổ làm về nhà hoặc trên đường đi cấp cứu.

Ngoài ra, bắt đầu từ ngày 20/9, chính phủ sẽ cho phép người dân tham gia các sự kiện như hội họp, nghi lễ, tôn giáo… tuy nhiên số người không được vượt quá 50% công suất tiếp nhận của địa điểm tiến hành sự kiện đó, cũng như không được vượt quá 250 người cho các sự kiện trong nhà hoặc 500 người cho các sự kiện ngoài trời.

Bắt đầu áp dụng lệnh phong tỏa cấp độ 5 - cấp độ cao nhất - từ ngày 27/3, Nam Phi được đánh giá là quốc gia tiến hành các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất thế giới nhằm giảm đà lây lan của dịch COVID-19, bất chấp nền kinh tế nước này trên thực tế đã rơi vào tình trạng suy thoái triền miên trước khi đại dịch ập đến.

Với nguồn lực hạn chế về cả tài chính và cơ sở hạ tầng, hơn 6 tháng qua chính phủ và người dân Nam Phi đã nỗ lực không ngừng để ứng phó với dịch COVID-19. Tính đến ngày 16/9, mặc dù ghi nhận 653.444 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 - chiếm khoảng 1 nửa tổng số ca tại châu Phi, số ca nhiễm mới hằng ngày tại quốc gia 58 triệu dân này đã giảm mạnh trong thời gian qua, từ khoảng hơn 10.000 ca trong giai đoạn tháng 6-7 xuống còn khoảng trên dưới 1.000 ca trong những ngày gần đây.

Trong khi đó, Tanzania ngày 16/9 thông báo dỡ bỏ lệnh cấm bay thương mại đối với các hãng hàng không Kenya, được áp đặt vào tháng 8 vừa qua, sau khi Nairobi hủy bỏ yêu cầu kiểm dịch đối với du khách Tazania.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, trước đó, cùng với nhiều biện pháp khác để đối phó với COVID-19, Kenya đã áp đặt các hạn chế đi lại nghiêm ngặt đối với các nước khác, trong đó có Tanzania. Ngày 15/9, Kenya thông báo miễn cách ly đối với du khách đến từ Tanzania. Sau đó, trong một tuyên bố ngày 16/9, Cơ quan Hàng không Dân dụng Tanzania nêu rõ với quyết định mới này của Kenya và trên cơ sở có đi có lại, Tanzania đã dỡ bỏ việc đình chỉ hoạt động của tất cả các nhà khai thác chuyến bay Kenya, cụ thể là Kenya Airways, Fly 540 Limited, Safarilink Aviation và AirKenya Express Limited.

Việc Tổng thống Tanzania John Magufuli từ chối áp đặt lệnh phong tỏa trong nước và quyết định ngừng công bố các số liệu liên quan đến đại dịch COVID-19 cuối tháng 4 vừa qua đã khiến một số nước láng giềng của Tanzania và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quan ngại. Hồi tháng 6, Tổng thống Magufuli tuyên bố virus SARS-CoV-2 không còn hiện hiện ở Tanzania.

Trước đó, căng thẳng giữa Kenya và Tanzania phát sinh ngay sau khi xuất hiện ca mắc COVID-19 ở khu vực Đông Phi, vào thời điểm đó Kenya quyết định ngăn chặn các tài xế xe tải của Tanzania vào nước này vì lo sợ dịch bệnh lây lan.

Tại Bắc Phi, Ai Cập thông báo sẽ nối lại hoạt động xuất khẩu cồn, khẩu trang y tế và các vật tư y tế khác liên quan đến phòng ngừa dịch COVID-19, sau khi tạm ngừng xuất khẩu các mặt hàng này một thời gian để đối phó với dịch bệnh ở trong nước.

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ai Cập Nevine Gamea ngày 16/9 cho biết các nhà sản xuất của nước này hiện đã được phép xuất khẩu tất cả các vật tư y tế sử dụng trong chống dịch COVID-19, trong đó bao gồm các sản phẩm có cồn khử trùng, quần áo bảo hộ và khẩu trang, găng tay cao su, mặt nạ ngăn giọt bắn và kính y tế.

Theo Bộ trưởng Gamea, quyết định cho phép nối lại hoạt động xuất khẩu vật tư y tế được thực hiện với sự phối hợp của Cơ quan Mua sắm Thống nhất Ai Cập sau khi đã đảm bảo có đủ số lượng dự trữ các mặt hàng này để đáp ứng nhu cầu trong nước. Ai Cập đặt mục tiêu duy trì thị trường xuất khẩu đối với các sản phẩm có cồn y tế, cũng như khẩu trang và các loại vật tư y tế thông thường khác.

Hồi tháng 3, Chính phủ Ai Cập đã quyết định ngừng xuất khẩu các vật tư y tế dùng để chống dịch COVID-19, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, mà trường hợp đầu tiên được phát hiện ở Ai Cập là vào ngày 14/2, đã dẫn tới tình trạng khẩu trang và các sản phẩm có cồn khử khuẩn tăng giá. Kể từ tháng 7 vừa qua, nhà chức trách nước này đã cung cấp ra thị trường 40 triệu khẩu trang vải, cung cấp cho người dân thông qua hình thức thẻ trợ giá với mức giá khoảng 6 Bảng Ai Cập/chiếc (38 cent USD).

Tính đến nay Ai Cập đã ghi nhận 101.340 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 5.679 ca tử vong và 85.745 người đã khỏi bệnh.

Phi Hùng - Trương Anh Tuấn - Tấn Đạt (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nam-phi-tiep-tuc-noi-long-cac-bien-phap-han-che-20200917101454286.htm